Cuộc "hội quân" ấn tượng

Cập nhật, 06:51, Chủ Nhật, 06/12/2015 (GMT+7)

Hội diễn nghệ thuật quần chúng diễn ra trong 3 ngày 20- 22/11, tại Vũng Liêm; nhằm chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa và 93 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Cuộc “hội quân” lần này đã thật sự thu hút đông đảo khán giả bằng những chương trình, tiết mục được đầu tư công phu cả về nội dung và nghệ thuật.

Tiết mục múa “Tình quân dân” (Trà Ôn), đạt giải A.
Tiết mục múa “Tình quân dân” (Trà Ôn), đạt giải A.

Cuộc “hội quân”.... cây nhà lá vườn

Hội diễn lần này có 8 chương trình của các đơn vị cấp huyện, trừ huyện Bình Tân chỉ tham gia hội diễn mà không dự thi, với 46 tiết mục thuộc các thể loại: ca, múa, sân khấu... Trong đó, có những tiết mục đã thể hiện được tính nghệ thuật cao tiệm cận với trình độ chuyên nghiệp.

Do đó, trong cả 3 đêm hội diễn tại Quảng trường Vũng Liêm, đều tạo nên sức hút đông đảo khán giả đến xem và nhiệt tình cổ vũ. Một phần cũng từ nội dung chương trình thể hiện những vấn đề thời sự, sát với đời sống bà con nông thôn như: làng nghề, việc làm, xây dựng nông thôn mới, tình làng nghĩa xóm...

Nhưng nổi bật, vẫn là cảm hứng chủ đạo về Tổ quốc, ngợi ca quê hương, ngợi ca lãnh tụ. NSƯT Xuân Hanh- Trưởng Ban Giám khảo nhận xét: “Chương trình đã phản ánh khái quát đời sống tinh thần và ý thức trách nhiệm của người công dân Vĩnh Long trên mặt trận văn hóa, lao động sáng tạo, xây dựng nông thôn mới, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.

Ông Lê Đức Vĩnh Tuyên- Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho rằng: “Điều đáng mừng là sự đầu tư công phu, chăm chút từng tiết mục, nên chất lượng cuộc hội diễn lần này vượt trội hơn hẳn so với lần trước. Điển hình như đơn vị Trà Ôn, năm nay đã vượt lên với 3 tiết mục đạt giải A và các giải B, tổng kết xếp hạng B toàn đoàn”.

Một lãnh đạo Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Trà Ôn chia sẻ: “Được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, nên Trà Ôn tập trung mọi nhân lực, tài lực, quyết tâm “chịu chơi” dù kinh phí vượt hàng chục triệu đồng so với số tiền được đầu tư tham gia hội diễn”.

Tất cả đều nhận thức rằng, đây là nhiệm vụ trên mặt trận tư tưởng văn hóa vô cùng quan trọng, góp phần tuyên truyền xây dựng quê hương, bảo vệ Tổ quốc; mặt khác hội diễn được xem là ngày vui của những nghệ sĩ “miệt vườn, miệt ruộng”. Họ đến từ nhiều thành phần khác nhau, là anh công chức, chị tiểu thương, chú nông dân,... Có chứng kiến những ngày tập luyện “bỏ cả công ăn việc làm” mới thấy lòng nhiệt tình, sự đam mê của những nghệ sĩ quần chúng này.

Có hiểu hết những khó khăn của phong trào nghệ thuật quần chúng ở các địa phương, chúng ta mới cảm nhận được vẻ đẹp, tinh thần của những tiết mục mà họ mang đến chương trình. Tuy nhiên, không vì thế mà có sự xuề xòa, qua loa, mà từ cái nôi phong trào này, đã giới thiệu những tài năng, những tiềm năng triển vọng.

Chất lượng nghệ thuật cao

Tiết mục múa Khmer (Vũng Liêm) đạt giải B.
Tiết mục múa Khmer (Vũng Liêm) đạt giải B.

Nhớ cách đây 4 năm, cũng tại Vũng Liêm trong dịp Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ, mọi người rất vui mừng chứng kiến giọng ca tài tử của một cô bé mới 9 tuổi; còn lần này Vũng Liêm giới thiệu tài tử ca Ngọc Hân (xã Tân An Luông), mới 19 tuổi, nhưng em đã có thâm niên 14 năm tham gia bộ môn nghệ thuật này. Và, Ngọc Hân đạt giải B tiết mục ca cổ. Đó chính là những nhân tố nòng cốt cho phong trào nghệ thuật quần chúng ở địa phương trong tương lai.

Tất cả 6 tiết mục ca cổ lần này đều được Ban Giám khảo đánh giá cao. Đó là 3 tiết mục nói về biển đảo: “Câu hát gửi Trường Sa” (Tam Bình); “Anh lính đảo Trường Sa” (TP Vĩnh Long); “Gần lắm Trường Sa” (Trà Ôn).

Còn 3 tiết mục ca ngợi quê hương, lãnh tụ: “Quê hương đất sử tình người” (Vũng Liêm); “Mẹ quê” (Long Hồ); “Soi gương giữ tấm lòng” (TX Bình Minh). Không chỉ được đánh giá về chuyên môn, đây là những tiết mục được công chúng rất ưa thích, vỗ tay nồng nhiệt, bởi nó gắn bó với đời sống, tâm tư tình cảm người dân. Không riêng gì ở lĩnh vực ca cổ, mà Ban Giám khảo đánh giá, có nhiều giọng ca hay cả cổ nhạc lẫn tân nhạc. Đặc biệt, lần này các đạo diễn mạnh dạn dàn dựng đơn ca có bè phụ họa, hay tốp ca có phối bè, tạo nên hiệu ứng nghệ thuật phần nghe lẫn phần nhìn.

Trong 7 tiết mục thể loại sân khấu (kịch, chập cải lương), có nhiều tiết mục mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, như: “Mang Thít ơi đẹp lắm một vùng quê” (Mang Thít); chập cải lương “Vẫn còn chưa muộn” (Long Hồ); kịch ngắn “Biển đợi” (TP Vĩnh Long); tiểu phẩm “Người tặng ước mơ” (TX Bình Minh) và “Má của chúng con” (Trà Ôn).

Các tác giả đã đi sâu vào chủ đề mang tính thời sự nóng hổi về biển đảo, xây dựng nông thôn mới. Nếu được đầu tư sâu và tư vấn nghệ thuật, chăm chút hơn, loại bỏ những chi tiết giao đãi rườm rà không hợp lý, chắc rằng các tác phẩm trên sẽ trở thành những tiểu phẩm nghệ thuật có chỗ đứng vững vàng trong đời sống nghệ thuật của người dân.

Tương tự, các tiết mục múa được NSƯT Xuân Hanh- nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TP Hồ Chí Minh, đánh giá: “Ca múa và múa có sứ mệnh rất quan trọng cho chương trình, các biên đạo đã khai thác thế mạnh về người của từng địa phương, để tạo dựng ra những tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn quê hương”.

Tuy nhiên, cũng cần khắc phục một số yếu điểm nặng về ồn ào, thiên về sôi động đông người, mà biết tiết chế, đi vào sự tinh tế, sâu lắng lòng người, quan tâm khâu chọn nhạc phù hợp, thì sẽ là những tiết mục tiệm cận tính chuyên nghiệp cao.

Cuộc hội diễn đã khép lại, nhưng dư âm ngọt ngào của giọng ca, hình ảnh đẹp của điệu múa còn đọng lại trong lòng công chúng. Hội diễn đã giới thiệu đội ngũ hùng hậu, tâm huyết và đầy tiềm năng trên lĩnh vực này. 46 tiết mục, có thể xem là 46 đóa hoa đẹp thể hiện lòng thành kính của quê hương Vĩnh Long, dâng lên mừng ngày sinh thứ 93 của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người con của vùng đất lịch sử Nam Kỳ khởi nghĩa.

46 tiết mục gồm có: 11 tiết mục múa hát hoành tráng, bắt mắt, dàn dựng công phu, 8 điệu múa hoàn chỉnh của 7 biên đạo. Hội diễn chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục của 2 đơn vị: Mang Thít và TP Vĩnh Long, vươn lên dẫn đầu, đạt giải A toàn đoàn. Trà Ôn đạt giải B. Vũng Liêm và TX Bình Minh đạt giải C.

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG