Buồn, vui tranh kiếng!

Cập nhật, 13:43, Thứ Năm, 10/12/2015 (GMT+7)

Tại khu vực Nam Bộ từ xưa đến nay có một dòng tranh rất độc đáo, được giới nghiên cứu văn hóa nhận định là một thành tố cấu thành nên đời sống tín ngưỡng, văn hóa và thẩm mỹ của người dân Nam Bộ - đó là tranh kiếng (tức tranh gương, kính).

Bức tranh kiếng về làng quê thường được người dân ở Nam Bộ treo trang trí nội thất gia đình.
Bức tranh kiếng về làng quê thường được người dân ở Nam Bộ treo trang trí nội thất gia đình.

Tại khu vực Nam Bộ từ xưa đến nay có một dòng tranh rất độc đáo, được giới nghiên cứu văn hóa nhận định là một thành tố cấu thành nên đời sống tín ngưỡng, văn hóa và thẩm mỹ của người dân Nam Bộ - đó là tranh kiếng (tức tranh gương, kính). Trải qua thời gian, tranh kiếng ngày nay vẫn được nhiều người sử dụng, tuy nhiên dòng tranh này đang có dấu hiệu “phai sắc” và ít được quảng bá rộng rãi.

Đa dạng, giàu bản sắc văn hóa

Theo các sử liệu, tranh kiếng du nhập vào nước ta từ thế kỷ XIX, sự ra đời và phổ biến của tranh kiếng từ thời điểm đó đến nay đã đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và mỹ thuật của người dân Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung trong hơn 100 năm qua, tạo nên các dòng tranh kiếng nổi tiếng ở các địa phương: Chợ Lớn, Lái Thiêu, Gò Công, Mỹ Tho (Tiền Giang), Chợ Mới (An Giang), Trà Vinh, Sóc Trăng...

Nhà sưu tập tranh kiếng hàng đầu nước ta Huỳnh Thanh Bình cho biết, đầu thế kỷ XX, sự xuất hiện của tranh kiếng đã cung ứng cho nhu cầu trang trí, thờ tự một loại đặc phẩm mỹ thuật ứng dụng, đặc biệt, nhờ giá rẻ nên tranh kiếng nhanh chóng phổ biến khắp cả miền Nam, trong cả đình, chùa, đền, miếu đến tận gia đình, tiệm quán...

Tại Nam Bộ có 3 vùng sản xuất tranh kiếng nổi tiếng: Lái Thiêu (Bình Dương), Chợ Lớn (Sài Gòn) và Chợ Mới (An Giang). Điều thú vị là dù cùng thể loại tranh kiếng nhưng ba địa phương này “không đụng hàng” nhau. Còn về kỹ thuật, tranh kiếng là loại tranh vẽ phía sau mặt kiếng. Khởi thủy, nguyên liệu để vẽ tranh là màu bột pha với đồng du (dầu cây du đồng), mực tàu. Về sau các nghệ nhân dùng cả sơn tây, sơn ta, bột màu pha a dao.

Nếu là một người “sành” về     tranh kiếng sẽ nhận thấy sự khác biệt giữa các vùng sản xuất tranh kiếng Nam Bộ. Chẳng hạn như các nghệ nhân làm tranh kiếng ở Lái Thiêu chú ý đến thể loại tranh thờ tổ tiên, phù hợp với truyền thống người Việt Nam.

Còn ở Chợ Lớn, người sáng tác lại quan tâm đến tranh bài vị và một số hoành phi, tranh dùng để chúc mừng nhân dịp vui nào đó. Riêng ở Chợ Mới, tranh kiếng ra đời muộn hơn nhưng sản phẩm lại phong phú, đa dạng, giá thành lại rẻ. Hiện nay, sản phẩm tranh kiếng của Chợ Mới vẫn bán rộng rãi trên thị trường miền Tây Nam Bộ, thậm chí “xuất ngoại” tới một số nước trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy rằng mỗi dòng tranh kiếng với những đặc trưng riêng nhưng đã góp phần làm phong phú cho bảng màu đa dạng văn hóa, mỹ thuật nước nhà. Đặc điểm nổi bật trong quá trình phát triển của tranh kiếng là dù ở đâu, dòng tranh này vẫn luôn tích hợp những nội dung mới để phù hợp với phong hóa cộng đồng dân cư, dân tộc để từ đó mỗi dòng tranh kiếng hình thành những sắc thái độc đáo.

Nhưng thiếu quảng bá và sự mai một

Không thể phủ nhận tranh kiếng Nam Bộ có nhiều nét đẹp văn hóa cũng như sự độc đáo, song việc quảng bá cho dòng tranh này ở nước ta thời gian qua lại khá trầm lắng. Tính đến thời điểm hiện tại, tranh kiếng mới được giới thiệu tới công chúng thông qua triển lãm... 2 lần.

Lần đầu tiên tranh kiếng được triển lãm là năm 1957, thời điểm đó do ông Trương Cung Vinh đứng ra tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Lần thứ hai là vào năm 2013, tranh kiếng được triển lãm ở chùa Phạt học Xá Lợi (quận 3, TP. Hồ Chí Minh).

Triển lãm tranh kiếng này được tổ chức một cách công phu và thu hút đông đảo công chúng khi các bức tranh kiếng giới thiệu tại triển lãm rất đa dạng, từ tranh thờ tổ tiên, tranh trang trí (thường gọi là tranh cửa buồng), tranh phong cảnh (tứ thời, tứ thú, tứ dân...), tranh chúc tụng (tân gia, khai trương, mừng thọ, tân hôn...), tranh chư vị thần, Phật, Bồ Tát...

Thậm chí, dịp triển lãm tranh kiếng năm 2013, công chúng còn bắt gặp một số tác phẩm ít phổ biến hơn là tranh tuồng tích (từ hát tuồng, cải lương), tranh vẽ theo đặt hàng. Từ triển lãm tranh kiếng năm 2013, công chúng đã cảm nhận được dòng tranh này vẫn đi theo truyền thống là khảm chạm, in ấn trước đó.

Bên cạnh việc ít được quảng bá, thì nhiều năm trở lại đây, tranh kiếng Nam Bộ đang cho thấy dấu hiệu mai một. Một nhà nghiên cứu văn hóa cho biết, tranh kiếng thuở sơ khai được nghệ nhân vẽ tay, sau đó đến kéo lụa nhưng đến bây giờ là in bằng...photoshop (công nghệ thời đại mới) và dán đằng sau, cho nên tranh kiếng không còn giữ được sự độc đáo như trước.

Nhưng dù sao vẫn không thể phủ nhận, hiện nay nhiều gia đình ở Nam Bộ vẫn sử dụng tranh kiếng trong nghệ thuật trang trí nội thất của người dân Nam Bộ, dùng tranh kiếng để thờ tự tổ tiên. Đó cũng là nét văn hóa rất đáng để trân trọng, đồng thời tạo cơ sở để dòng tranh kiếng tồn tại và phát triển...

Theo http://suckhoedoisong.vn/buon-vui-tranh-kieng-n109400.html