Cơm gói mo cau

Cập nhật, 14:27, Thứ Bảy, 28/11/2015 (GMT+7)

Ngày xưa, tôi và các bạn trẻ ở nông thôn đi học ở trường làng, xa nhà khoảng hai cây số, sự đi lại lắm vất vả khó khăn.

Bốn năm giờ sáng mẹ kêu thức dậy ăn cơm rồi đi học, có khi lè nhè khoảng nửa tiếng mới dậy nổi, vì đầu hôm thức học bài, làm bài tới khuya mới ngủ.

Trước khi đi bữa nào cũng vậy, mẹ tôi dùng mo cau (lột vỏ cứng màu vàng bên ngoài lấy vỏ lụa trắng mềm bên trong) để gói cơm đem theo xe tròn như đòn bánh tét, bỏ thêm vài con cá lòng tong kho khô mặn chát, hoặc vài miếng khô cá sặt rằn. Bữa nào không có đồ ăn thì mẹ bỏ theo gói muối hột để ăn trưa, học buổi chiều.

Một tay ôm cặp sách một tay mang gói cơm, buổi trưa năm ba đứa bày cơm ra ăn rất vui vẻ ăn ngon miệng.

Có thức ăn thì đưa qua đưa lại, ăn uống chuyện trò, trao đổi nhau học tập, làm bài buổi sáng và chuẩn bị làm bài buổi học chiều. Bạn học thương yêu nhau như ruột thịt, bạn nào chưa hiểu thì giúp đỡ nhau.

Trường ở xa, toàn là đi bộ. Nhà xa quá thì phải đi bằng xuồng, gặp xuồng cũ phải vừa bơi vừa tát nước. Nếu gặp trời mưa trơn trợt đi té lên té xuống ướt loi ngoi, có khi trễ học. Ông thầy thương học trò lắm, không rầy mà còn tội nghiệp học trò.

Lúc bấy giờ học trò rất ít, mỗi lớp mười mấy học sinh là nhiều, còn trường bốn năm lớp, bốn năm thầy giáo, vì dân số rất ít, phần đất nước ta bị thực dân Pháp cai trị nên sự học hành bị hạn chế lắm.

Ai có điều kiện đi học được là hạnh phúc và sung sướng lắm rồi “một thằng đi học, chín thằng không”. Rồi người ta an ủi nhau: “người ta vác giạ vay lúa, chớ ai vác giạ vay chữ bao giờ”. Nhưng, cũng có nhiều người quý việc học hành.

Bạn bè chúng tôi cố gắng học cho mau tấn tới, vì vậy ít người đi học mà thành tài nhiều, có chất lượng cao, người đỗ bằng kỹ sư, người bác sĩ, người làm giáo sư,... Riêng tôi trở thành thầy giáo truyền thụ kiến thức cho học sinh nhưng không thể nào quên được những ngày gian khó ăn cơm gói mo cau.

THANH NHÂN