Thông đường thủy

Cập nhật, 07:25, Thứ Tư, 04/05/2016 (GMT+7)

Chuyện phát huy lợi thế giao thông đường thủy ở ĐBSCL được đề cập từ rất lâu, được nói rất nhiều nhưng thực thế hiện nay, để hàng hóa đến được với vùng này thì QL1A vẫn được xem là tuyến đường huyết mạch và là “lối ra” chủ yếu đang chiếm thế độc đạo từ miền Đông đến miền Tây, gây không ít trở ngại trong vấn đề lưu thông, vận chuyển.

Theo BCĐ Tây Nam Bộ, ĐBSCL nằm ở hạ lưu sông Mekong, với hệ thống sông rạch dài hơn 28.500km, trong đó có khoảng 15.000km thuận lợi cho giao thông đường thủy nội địa. Toàn vùng hiện có hàng ngàn cảng và bến thủy nội địa phục vụ cho vận tải hàng hóa và hành khách, giúp giảm tải đáng kể cho giao thông đường bộ.

Song, do gặp phải các khó khăn, hạn chế mà hoạt động giao thông thủy chưa phát triển tương xứng tiềm năng, lợi thế của vùng. Hiện nay, nhiều cảng, bến thủy nội địa trong vùng thiếu các thiết bị chuyên dùng hiện đại và công tác quản lý xếp dỡ hàng còn bất cập.

Theo các doanh nghiệp vận tải đường thủy nội địa, tình trạng người dân lấn chiếm sông rạch để thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, làm đăng đáy đánh bắt cá… ở nơi đây còn phổ biến.

Các luồng tuyến giao thông thủy có độ sâu ổn định, đảm bảo cho tàu biển trọng tải lớn vào chở hàng hóa cũng như các cảng biển lớn, cảng chuyên dùng có các thiết bị bốc xếp hàng hiện đại để giúp tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa ở nơi đây còn thiếu.

Thay vì phải chở hàng lên các cảng ở TP Hồ Chí Minh để xuất khẩu mất nhiều thời gian và chi phí, tới đây chúng ta phải hướng đến xuất khẩu hàng ngay tại chỗ thông qua các cảng tại các tỉnh- thành trong khu vực.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để tạo đà cho ĐBSCL cất cánh thì việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông thủy, bến cảng... là yêu cầu tất yếu, còn hơn là xây dựng sân bay, khu công nghiệp đồ sộ. 

HOÀNG HÀ