Phó Giám đốc Sở Y tế- Hồ Thị Thu Hằng: "Chúng tôi sẵn sàng tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19"

Cập nhật, 23:00, Thứ Hai, 19/04/2021 (GMT+7)

 

Xem video clip

Bộ Y tế đã có quyết định phân bổ vắc xin phòng COVID- 19 đợt 2 cho các địa phương trong cả nước. Trong đó, Vĩnh Long được phân bổ 5.600 liều.

Để hiểu rõ hơn công tác tiêm phòng tại Vĩnh Long sẽ được triển khai vào ngày mai (20/4) như thế nào, chiều nay PV Vĩnh Long online có cuộc phỏng vấn nhanh với Tiến sĩ, Bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long xoay quanh vấn đề này.

PV: Thưa bác sĩ, với 5.600 liều vắc xin đã được phân bổ cho tỉnh Vĩnh Long. Theo kế hoạch, ngày mai sẽ triển khai tiêm, vậy hiện công tác chuẩn bị được thực hiện như thế nào?

* Tiến sĩ, Bác sĩ- Hồ Thị Thu Hằng:

Công tác chuẩn bị cho đợt tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 lần này, ngành Y tế của chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn sàng. Về mặt nhân lực thực hiện công tác tiêm chủng cũng đã được tập huấn, về mặt trang thiết bị, cũng như các cơ sở để tổ chức việc tiêm chủng cũng đã chuẩn bị sẵn sàng. Các cơ sở cũng đã bố trí địa điểm tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế là một chiều- người đi vào và đi ra.

Về các trang thiết bị phục vụ cho công tác tiêm chủng, cũng như là vắc xin cũng đã được nhận từ trưa ngày hôm nay (19/4) từ Viện Paster Thành phố Hồ Chí Minh. Và những phương tiện để tiêm như là nơi tổ chức tiêm, các phòng bố trí cho người tiêm sau khi tiêm chuẩn được nghỉ ngơi mỗi địa điểm từ 5- 10 giường. Những phương tiện để phục vụ cho công tác xử trí những biến chứng sau tiêm chẳng hạn, thì cũng đã sẵn sàng.

PV: Như vậy, công tác tiêm phòng sẽ được triển khai vào thời gian và địa điểm nào?

* Tiến sĩ, bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng:

Công tác tiêm phòng sẽ được bắt đầu từ ngày mai (20/4) cho đến 29/4. Chúng tôi tổ chức tiêm chủng cho đến ngày 27, ngày 28 và ngày 29 sẽ là ngày tiêm vét và làm báo cáo hoàn tất chương trình tiêm chủng tại địa bàn của tỉnh Vĩnh Long.

Địa điểm tiêm chủng của chúng tôi sẽ được thực hiện tại 11 điểm, trong đó là điểm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 8 trung tâm y tế huyện- thị- thành phố và một điểm ở Bệnh xá của Công an tỉnh.

PV: Xin bác sĩ nói rõ các bước tiêm phòng lần này và những điểm khác biệt gì cần lưu ý so với việc tiêm các loại vắc xin khác?

* Tiến sĩ, Bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng:

Các bước tiêm chủng của dự phòng COVID-19 được thực hiện tương tự như các bước của việc tiêm các loại vắc xin thông thường khác. Tuy nhiên, cũng có một số điểm khác biệt, đối tượng tiêm chủng khi đến địa điểm tiêm chủng phải khai báo y tế, rồi sau đó đến bàn khám sàng lọc để xem đối tượng tiêm chủng có đủ điều kiện để tiêm chủng hay không? Hay là đối tượng phải trì hoãn, hay đối tượng có chống chỉ định tiêm chủng? Sau đó sẽ được tiêm chủng.

Người tiêm chủng sau khi tiêm sẽ ở lại cơ sở y tế 30 phút để theo dõi những phản ứng sau tiêm và sau đó sẽ được về nhà. Và trong thời gian 24 giờ sẽ được hướng dẫn để theo dõi những phản ứ    ng phụ sau tiêm bởi nhân viên y tế. Khi nào có vấn đề gì cần thiết thì đến cơ sở y tế hoặc liên hệ với số điện thoại đường dây nóng để được hướng dẫn chăm sóc y tế kịp thời.

PV: Như vậy, những phản ứng bình thường và bất thường sau khi tiêm chủng như thế nào? Trường hợp phản ứng bất thường sẽ xử lý như thế nào?

* Tiến sĩ, Bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng:

Vắc xin phòng COVID-19 cũng như các loại vắc xin khác, sẽ có những tác dụng phụ tùy theo đáp ứng của mỗi người. Như vậy, việc tiêm phòng COVID-19 cũng có thể có những biểu hiện phản ứng sau tiêm thông thường như tại vị trí tiêm có thể bị sưng, đau, nóng, có thể sốt, mệt mỏi, đau cơ, nhức đầu, hoặc có biểu hiện ở đường tiêu hóa,…

Theo thống kê khoảng 30% các trường hợp sẽ có một trong các biểu hiện này, thì đây là phản ứng của cơ thể khi có vắc xin. Đa phần là tự khỏi, không cần dùng thuốc gì cả.

Bên cạnh đó, cũng có phản ứng khác như phản vệ sau tiêm, tuy nhiên tỷ lệ này rất thấp. Theo thống kê của Bộ Y tế, trường hợp phản ứng này chiếm tỷ lệ 1/1.000. Và những trường hợp này cũng đã được phát hiện và xử lý kịp thời và đã trở lại làm việc sau 1- 2 ngày.

PV: Hiện nguồn vắc xin phòng COVID-19 có giới hạn, trong tình hình hình diễn biến phức tạp như hiện nay, người dân nên thực hiện các biên pháp gì để đảm bảo an toàn cho mình và người khác?

* Tiến sĩ, Bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng:

Việc tiêm chủng để phòng COVID-19 là việc làm cần thiết trong giai đoạn này bởi vì nó sẽ có tác dụng cho bản thân người được tiêm được phòng ngừa COVID-19 cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, tương tự các loại vắc xin khác, việc tiêm chủng cũng không phải là có tác dụng bảo vệ trăm phần trăm. Do đó chúng ta cũng cần phải thực hiện biện pháp theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cụ thể là biện pháp 5K (Khẩu trang- Khử khuẩn- Khoảng cách- Khai báo y tế và Không tập trung đông người) ngay cả khi đến các địa điểm tiêm chủng, chúng ta cũng vẫn phải thực hiện các biện pháp 5K. Cũng như sau khi người đã được tiêm chủng xong, và những người chưa tiêm chủng cũng phải tuân thủ các biện pháp 5K này để phòng COVID-19 trong cộng đồng, gia đình cũng như bản thân.

PV: Để công tác triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 diễn ra an toàn, đúng tiến độ, Sở Y tế đã có những chỉ đạo gì?

* Tiến sĩ, Bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng:

Sở Y tế có nhiều giải pháp để thực hiện tiêm chủng an toàn với phương châm “Tiêm đến đâu an toàn đến đó”. Sở Y tế đã tiến hành giám sát các cơ sở để chuẩn bị tiêm chủng trước khi đi vào tiêm chủng, giám sát trong buổi tiêm, theo dõi giám sát đối với những trường hợp sau tiêm chủng. Chúng tôi cũng bố trí lực lượng cấp cứu kịp thời trực 24/24 tại các địa điểm tiêm cũng như các nơi gần người được tiêm chủng để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ

NGỌC LIỄU- TẤN ANH (thực hiện)