Vĩnh Long trước giờ "G" tiêm vắc xin COVID-19

Cập nhật, 18:28, Thứ Hai, 19/04/2021 (GMT+7)
Trưa 19/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long (CDC Vĩnh Long) tiếp nhận 5.600 liều vắc xin COVID-19 từ Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh.
Trưa 19/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long (CDC Vĩnh Long) tiếp nhận 5.600 liều vắc xin COVID-19 từ Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh.

Vĩnh Long khẩn trương triển khai tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 ngay sau khi tiếp nhận, đảm bảo tuyệt đối an toàn tiêm chủng và sử dụng hiệu quả vắc xin không để trường hợp vắc xin không được tiêm kịp thời. Hôm nay 19/4/2021, mọi công tác chuẩn bị cho đợt tiêm đầu tiên của tỉnh đã hoàn tất và sẽ triển khai tiêm từ ngày mai (20/4)

Vĩnh Long nhận 5.600 liều vắc xin COVID-19

Trưa 19/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long (CDC Vĩnh Long) tiếp nhận 5.600 liều vắc xin COVID-19 từ Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh. Đây là số lượng vắc xin tỉnh Vĩnh Long được phân bổ để triển khai chiến dịch tiêm chủng đợt 2 và sẽ được sử dụng để tiêm phòng miễn phí cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết của Chính phủ.

Theo đó, CDC tỉnh bảo quản đúng quy trình và sẽ phân bổ về các điểm tiêm đúng kế hoạch. Bác sĩ chuyên khoa 1- Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc CDC Vĩnh Long cho biết: “Để đảm bảo quá trình tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển vắc xin an toàn, tại CDC tỉnh chuẩn bị 4 hầm lạnh chứa vắc xin riêng của COVID– 19, có cán bộ theo dõi nhiệt độ hàng ngày để đảm bảo an toàn cho vắc xin”.

Chiều cùng ngày, công tác kiểm tra, giám sát cho điểm tiêm vào ngày 20/4 tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh cũng được Sở Y tế tiến hành. Cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị đã được bệnh viện chuẩn bị hoàn chỉnh, sẵn sàng tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch của bệnh viện, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Y dược cổ truyền và BCĐ Phòng chống dịch cấp tỉnh, dự kiến hơn 500 người.

Theo quy trình, trước khi tiêm, người được tiêm phải được khám sàng lọc. Để đảm bảo vấn đề này, Sở Y tế đã ban hành quyết định phân công nhân viên y tế phụ trách khám sàng lọc, thực hiện tiêm vắc xin tại các bàn tiêm, lịch trực điểm tiêm, đảm bảo thường trực từ khi bắt đầu buổi tiêm đến khi kết thúc thời gian theo dõi.

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng tại cơ sở trong thời gian thực hiện tiêm vắc xin COVID-19, Sở Y tế đề nghị bố trí đầy đủ nhân lực, phương tiện cấp cứu, thuốc (hộp thuốc chống sốc, ôxy, máy đo SPO2 cầm tay,...) và có phương án sẵn sàng, kịp thời xử lý các phản ứng sau tiêm chủng. Bác sĩ chuyên khoa 2- Nguyễn Thị Thu Hà- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Khi vào tiêm chủng, chúng tôi chuẩn bị sẵn bàn hướng dẫn khai báo điện tử, đo thân nhiệt và cho hoàn thiện phiếu tiêm chủng, sàng lọc y tế, thực hiện tiêm chủng và có khu vực sau tiêm chủng. Khi tiêm chủng xong, người được tiêm sẽ ngồi hoặc nghỉ tại phòng theo dõi 30 phút trước khi về nhà theo dõi sức khỏe 24 giờ và theo dõi sức khỏe sau 7 ngày tại nhà”.

Bộ Y tế thông tin các vắc xin ngừa COVID-19 hiện nay có hạn dùng chỉ 6 tháng, riêng lô vắc xin Việt Nam mới nhận được theo cơ chế COVAX (nhận ngày 1-4) còn hạn dùng chỉ 2 tháng khi về đến Việt Nam, vì thế cần hoàn thành tiêm chủng trước ngày 15/5 (tức là hoàn thành trước khi vắc xin hết hạn nửa tháng.

Giờ “G” tiêm vắc xin COVID-19

Vĩnh Long sẽ bố trí 11 điểm tiêm đặt tại CDC Vĩnh Long, 8 trung tâm y tế các huyện- thị- thành phố, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh và Bệnh xá Công an tỉnh. Dự kiến tiêm cho gần 5.500 người thuộc diện ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. Mỗi người tiêm (từ 18 tuổi trở lên) sẽ được tiêm 2 mũi vắc xin AstraZeneca, mũi thứ 2 tiêm cách mũi 1 là 12 tuần.

Nhằm bảo đảm an toàn cho người được tiêm vắc xin phòng COVID-19, Vĩnh Long thực hiện nguyên tắc "4 tại chỗ", sẵn sàng các phương tiện phòng, chống sốc và xử trí kịp thời. Đặc biệt thực hiện nghiêm túc đúng đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, bảo đảm công bằng trong tiếp cận vắc xin.

Tiến sĩ, Bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết: “Qua kiểm tra công tác chuẩn bị, chúng tôi thấy tại các điểm tiêm đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiêm chủng, đặc biệt là Bệnh viện Đa Khoa tỉnh và CDC tỉnh tiêm đợt đầu vào ngày mai (20/4). Với phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, vấn đề tiêm chủng cho đến thời điểm này những khẩu chuẩn bị của ngành y tế cũng như đơn vị phối hợp đã đảm bảo việc an toàn. Còn lại tôi cũng yêu cầu người đi tiêm chủng cũng chuẩn bị tinh thần tốt sức khỏe tốt trước khi đi tiêm chủng”.

Phòng tiêm vắc xin COVID-19 tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh đã sẵn sàng.
Phòng tiêm vắc xin COVID-19 tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh đã sẵn sàng.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, với mục tiêu đảm bảo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021, Việt Nam cần 150 triệu liều vắc xin phòng COVID- 19 để tiêm chủng cho 75% dân số. Trong chiến dịch tiêm đợt 1, hệ thống giám sát ghi nhận gần 33% người được tiêm có phản ứng nhẹ thông thường sau khi tiêm và tự hết sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị, chăm sóc y tế.

Có khoảng 1‰ (một phần ngàn) trường hợp có phản ứng quá mẫn sau tiêm, được xử trí theo quy định. Sức khỏe của những người này đều đã ổn định, trở lại đi làm sau 1- 2 ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế. Đến nay Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị đông máu và huyết khối xảy ra sau khi tiêm chủng.

Mặc dù đang kiểm soát tốt tình hình, nhưng nguy cơ dịch COVID-19 vẫn còn rất lớn, cho nên dù có vắc xin nhưng người dân vẫn phải luôn thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng dịch COVID-19. Bên cạnh đó, lợi ích lớn nhất của vắc xin chính là giúp cá nhân được tiêm nếu nhiễm SARS-CoV-2 sẽ mắc bệnh nhẹ, hạn chế nguy cơ tiến triển bệnh nặng hoặc tử vong.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN