Đạt "mục tiêu kép" phòng chống dịch COVID-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế

Cập nhật, 10:54, Thứ Ba, 29/12/2020 (GMT+7)

(VLO) Ngày 28/12/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị Chính phủ trực tuyến với 63 tỉnh- thành trực thuộc Trung ương. Hội nghị lần này có ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra vào cuối nhiệm kỳ và chuẩn bị bước vào năm đầu của giai đoạn mới ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Hội nghị sẽ bàn về những cơ hội, thách thức và sẽ đưa ra những quyết sách quan trọng để đưa đất nước vững bước vào thời kỳ phát triển mới.

 Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long tham dự hội nghị trực tuyến.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long tham dự hội nghị trực tuyến.

Thích ứng nhanh sẽ làm nên thành công

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Như đã thành thông lệ quý báu, hôm nay chúng ta vui mừng đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến tham dự hội nghị và có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng.

Chính phủ cũng vui mừng đón đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ ngành trung ương, địa phương cùng tham dự hội nghị quan trọng hôm nay.

Thủ tướng cho rằng, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm chúng ta cần phải củng cố niềm tin vào những giá trị truyền thống, tin vào bản lĩnh, khí phách, sự gan góc của một dân tộc anh hùng.

Nền kinh tế chúng ta, đất nước chúng ta đang tiến nhanh về phía trước với tốc độ mà cách đây ít năm một số đánh giá cho rằng điều này khó có thể xảy ra. Tôi tin những đặc tính của dân tộc ta như tinh thần đoàn kết, ý chí, quyết tâm, tính cần cù, lạc quan và thích ứng nhanh sẽ làm nên thành công.

Thủ tướng chia sẻ, nhớ lại 5 năm trước, khi Chính phủ bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội (KT- XH) 5 năm 2016-2020, nền kinh tế đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước.

“Hôm nay, nhìn lại cả chặng đường đã đi, tôi vui mừng được chia sẻ rằng đất nước ta thực sự tốt đẹp hơn bao giờ”. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao, mọi người dân được hưởng thành quả phát triển, biên cương, bờ cõi được giữ vững, niềm tin được củng cố, niềm tự hào với bè bạn năm châu được nhân lên.

Riêng năm 2020, dưới tác động của COVID-19, trong khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới rơi vào suy thoái, Việt Nam chúng ta là quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng dương. Đến thời điểm này có thể khẳng định chúng ta đã đạt được “mục tiêu kép” trong phòng chống dịch COVID-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế.

Nhìn rộng hơn, chúng ta không chỉ thành công về phát triển kinh tế mà công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng cũng được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh, qua đó thiết lập lại kỷ cương phép nước, đẩy lùi tiêu cực, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ các cấp, từng bước lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và môi trường xã hội.

Thủ tướng cho rằng, tăng trưởng nay đã bao trùm hơn rất nhiều, không chỉ ở đô thị mà còn ở nông thôn, không chỉ ở đồng bằng mà còn miền núi, biên giới, hải đảo.

Tăng trưởng kinh tế nay đã không còn phụ thuộc nhiều vào riêng một thành phần kinh tế nào, dù là doanh nghiệp nhà nước hay FDI, mà vai trò của kinh tế tư nhân đang từng bước được khẳng định là một động lực quan trọng của đất nước như tinh thần Nghị quyết 10 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII).

Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT- XH của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%, lạm phát khoảng 4%, cùng 10 chỉ tiêu KT- XH khác. Những chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở đã tính toán, cân đối các nguồn lực gắn với bối cảnh dự báo cho năm 2021, nhất là tình hình COVID-19 trong nước và thế giới.

“Mặc dù để đạt được mục tiêu này là rất thách thức, nhưng với quyết tâm chính trị cao, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu trong điều hành GDP 2021 thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, lên mức 6,5% và đặt quyết tâm cao hơn cho các chỉ tiêu KTXH khác”- Thủ tướng nêu rõ.

Đất nước ta sẽ tiếp tục đối diện với nhiều cơ hội mới đan xen thách thức mới. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta cần tiếp tục hun đúc, gìn giữ ngọn lửa khát vọng, tinh thần lạc quan, bền bỉ cho 5 năm tiếp theo và xa hơn, với niềm tin và sự kiên định với lý tưởng và con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Quyết tâm cao, sát cánh cùng Chính phủ

Tình hình KT- XH của tỉnh Vĩnh Long năm 2020 cơ bản ổn định, ước đến cuối năm có 18/22 chỉ tiêu KT-XH chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Tình hình KT- XH của tỉnh Vĩnh Long năm 2020 cơ bản ổn định, ước đến cuối năm có 18/22 chỉ tiêu KT-XH chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc, hội nghị nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình  bày báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT- XH năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.

Tiếp đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2020 và 5 năm 2016- 2020.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giới thiệu dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển KT- XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giới thiệu dự thảo Nghị quyết 02 của Chính phủ thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Sau khi nghe các báo cáo nói trên và ý kiến phát biểu của lãnh đạo một số địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Buổi chiều, hội nghị nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình bày báo cáo tóm tắt kết quả cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của tổ công tác năm 2020 và 5 năm 2016-2020 phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hội nghị cũng nghe các địa phương phát biểu tham luận, đại diện các tập đoàn, tổng công ty phát biểu ý kiến.

Lãnh đạo các địa phương đều đồng tình, thống nhất cao với nội dung các báo cáo tình hình KT- XH 2020 và những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT- XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Đồng thời, quyết tâm cùng Chính phủ thực hiện bằng được “mục tiêu kép”.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC