Vĩnh Long cơ bản giải quyết hồ sơ liệt sĩ tồn đọng

Cập nhật, 08:05, Thứ Tư, 08/01/2020 (GMT+7)

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân gia đình liệt sĩ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân gia đình liệt sĩ.

Thời gian qua, Vĩnh Long thực hiện tốt công tác lao động, người có công và xã hội, đặc biệt là giải quyết cơ bản dứt điểm hồ sơ liệt sĩ tồn đọng nên được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chọn là địa điểm tổ chức lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sĩ trong cả nước. Đây là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Long trong năm 2019.

Luôn nhớ những người ngã xuống

Còn nhớ sáng 22/7/2019 là buổi sáng đầy xúc động và tự hào khi Vĩnh Long được chào đón 72 thân nhân liệt sĩ của cả nước về dự lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho đại diện 468 thân nhân liệt sĩ trong cả nước.

Trong số 468 liệt sĩ được Nhà nước trao Bằng Tổ quốc ghi công dịp này, phần lớn các liệt sĩ được xác nhận thuộc thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã hy sinh cách đây 70- 80 năm.

Đó là những bộ đội, đội viên du kích chống càn hoặc những trường hợp hoạt động cách mạng bị địch bắt, tra tấn đến chết trong tù, những thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và trong đó có những tín đồ tôn giáo yêu nước đã hy sinh thân mình vì sự nghiệp cách mạng.

Trong đó, người hy sinh cách đây lâu nhất vào năm 1940 là liệt sĩ Nguyễn Văn Trượng (huyện Vũng Liêm- Vĩnh Long) trong hoàn cảnh bị địch bắt và tra tấn đến chết trong tù.

Ông Lê Văn Truyền (xã Thanh Bình- Vũng Liêm bên Bằng Tổ quốc ghi công của người chú- liệt sĩ Lê Văn Chác.
Ông Lê Văn Truyền (xã Thanh Bình- Vũng Liêm bên Bằng Tổ quốc ghi công của người chú- liệt sĩ Lê Văn Chác.

Anh Trương Văn Nhiệm (32 tuổi, ở xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) đến để nhận bằng Tổ quốc ghi công cha mình- liệt sĩ Trương Văn Hai. Ông Hai làm du kích ở xã, trong một trận càn, ông bị thương tật mất 1 chân và 1 mắt. “Cha tui sống với nỗi đau đớn khi mất một phần cơ thể, là thương binh 1/4.

Đến năm 1991 thì vết thương tái phát rồi cha mất, bên trong mắt vẫn còn lại miếng miểng đạn. Hôm nay, được thay cha đến nhận bằng, tui thấy rất tự hào và cảm ơn vì luôn được Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm”- anh Trương Văn Nhiệm chia sẻ.

Đối với những hồ sơ hy sinh quá lâu thì rất phức tạp vì không tìm được nhân chứng, nội dung xác nhận chưa rõ… nhưng với quan điểm không để sót trường hợp nào, Vĩnh Long thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như mời các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa và các đồng chí nguyên là cán bộ chủ chốt của tỉnh để lắng nghe ý kiến về từng trường hợp hồ sơ.

Trường hợp của ông Trương Văn Vinh (sinh năm 1916, nguyên quán xã Quới Thiện- Vũng Liêm) bị địch bắt giam cầm, hy sinh tại nhà tù Côn Đảo. Năm 2018, hồ sơ của ông cũng được giải quyết công nhận liệt sĩ.

Bà Trương Thị Xinh- con gái liệt sĩ Trương Văn Vinh- xúc động: “Cầm giấy công nhận liệt sĩ của cha mà vừa mừng vừa khóc. Cảm động và tự hào khi cha là liệt sĩ”.

Qua 3 năm triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng với người có công, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành, địa phương đã xác nhận gần 2.000 liệt sĩ, trên 2.600 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh.

Vĩnh Long nỗ lực giải quyết hồ sơ liệt sĩ tồn đọng

Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long, trong quá trình giải quyết, còn nhiều trường hợp không đủ 2 người công tác chung xác nhận (người công tác chung hoặc bị địch bắt tù đày chung đã chết), những trường hợp này chưa đủ cơ sở để xác nhận liệt sĩ.

Để giải quyết những trường hợp này, tỉnh tiến hành xác minh những người hoạt động kháng chiến cùng thời với đối tượng để có thêm căn cứ đề nghị xác nhận liệt sĩ. Sau đó, xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy tổ chức họp cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ có ý kiến đối với từng trường hợp, để làm cơ sở xem xét giải quyết.

Đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện chỉ đạo các cấp trong tỉnh thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình Quyết định 408 như: đăng thông tin công khai trên trang thông tin điện tử của UBND tỉnh, Báo Vĩnh Long, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long và tiến hành họp BCĐ xác nhận người có công cấp tỉnh xét duyệt, UBND có văn bản đề nghị Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh thẩm định trình Thủ tướng chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công công nhận liệt sĩ.

Ông Lê Văn Chác (sinh năm 1915) tham gia hoạt động cách mạng tại huyện Vũng Liêm khi chưa tròn 20 tuổi và sau đó bị địch bắt giam cầm, hy sinh tại nhà tù Côn Đảo vào năm 1943. Với tính chất hồ sơ phức tạp, nhưng sự nỗ lực của các cấp, các ngành chức năng tỉnh trong việc thẩm định hồ sơ, thu thập thông tin từ các nhân chứng nên hồ sơ của ông Chác được giải quyết công nhận liệt sĩ vào năm 2018.

Thời gian qua, công tác giải quyết hồ sơ chính sách còn tồn đọng được tỉnh chỉ đạo chặt chẽ, tập trung. Đến nay, Vĩnh Long giải quyết xong 85 hồ sơ công nhận liệt sĩ tồn đọng, cơ bản không còn hồ sơ tồn đọng theo Quyết định 408 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.

Ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh- đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể quan tâm thực hiện đúng và đủ các chính sách ưu đãi người có công, không để xảy ra sai sót, tiêu cực; tiếp tục thực hiện tốt việc quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; chú trọng công tác chăm sóc, tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang và các công trình ghi công liệt sĩ…

Đây là hành động thiết thực nhất, ý nghĩa nhất, bày tỏ tấm lòng thành kính, một nén tâm nhang của những người làm công tác thương binh, liệt sĩ đối với những anh hùng, liệt sĩ ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Năm 2019, Vĩnh Long giải quyết dứt điểm hồ sơ liệt sĩ tồn đọng cho 85 liệt sĩ, lập hồ sơ thủ tục cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho 11 liệt sĩ, trong đó có trường hợp đã hy sinh cách đây 60 năm.

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN