Câu chuyện cuối tuần

Miền Tây mùa trái cây

Cập nhật, 05:05, Thứ Bảy, 08/06/2019 (GMT+7)

Trong suy nghĩ của bạn bè, du khách phương xa, miền Tây là vùng trái cây xanh tốt. Quả thật như vậy, trái cây ĐBSCL hiện nay gần như quanh năm đều có, đặc biệt mùa hè là mùa trái cây chín rộ. Ai cũng mong muốn được đến đây “vào vườn chôm chôm chín” và thưởng thức hương vị tươi ngon tại chỗ.

Rất nhiều loại trái cây đã thành thương hiệu gắn với địa danh ở miền Tây. Chẳng hạn, vú sữa Lò Rèn (Vĩnh Kim, Tiền Giang), sầu riêng Ngũ Hiệp (Tiền Giang), dừa (Bến Tre), xoài Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp), dâu Hạ Châu (Hậu Giang)… Riêng Vĩnh Long, cù lao An Bình không chỉ có “vương quốc” nhãn một thời nổi như cồn, mà còn đi vào lòng người rất nên thơ trong bài hát “Tình đẹp mùa chôm chôm”.

Nói tới miệt vườn sông nước Vĩnh Long là nói tới vườn trái cây: bưởi Năm Roi Mỹ Hòa; sầu riêng, măng cụt Quới Thiện, Thanh Bình; cam sành Tam Bình, Trà Ôn… Vùng đất nằm giữa 2 con sông lớn đồng bằng, thiên phú cho phù sa ngọt tạo nên những vườn cây trái ngọt ngay quanh năm.

Nhưng sao Vĩnh Long chưa có lễ hội trái cây? Người bạn mới đi Lễ hội trái cây ở Chợ Lách (Bến Tre), qua bắc Đình Khao hỏi nhà báo. Trái cây Chợ Lách bạn mới biết qua lễ hội. Ngoài mục đích giới thiệu cây trái đặc sản địa phương, “trái cây” còn dẫn khách tới xứ sở cây giống, hoa kiểng Cái Mơn và sau mấy năm tổ chức lễ hội trái cây, huyện Chợ Lách đang tính mở “làng du lịch” cho du khách đến với vùng đất này.

Đó là một sự tính toán phát triển hợp lý và lan tỏa trong cộng đồng. Cũng vậy, dâu Hạ Châu, quýt hồng Lai Vung, sen Tháp Mười… trở thành những “đại sứ” cuốn hút khách phương xa đến với con người và vùng đất độc đáo đó.

Đó không chỉ là cơ hội “xuất khẩu trái cây tại vườn”, còn mở ra những cơ hội phát triển du lịch, thu hút đầu tư nhà máy chế biến tạo giá trị tăng thêm cho trái cây.

Khi đến làm việc tại Vĩnh Long, ông Hironori Sakai- Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Việt- Nhật được mời thưởng thức trái quýt đường Vĩnh Long đã bảo rằng ở tỉnh Wakayama- Nhật Bản, cũng trồng trái quýt tương tự, ngoài ăn tươi như ở Việt Nam, họ còn làm bánh kẹo từ trái quýt, vỏ quýt phơi khô tận dụng làm thức ăn cho cá. “Rất nhiều sản phẩm, trái quýt không bỏ gì cả”- ông Hironori Sakai bảo vậy.

Miền Tây đã là “vựa trái cây”, đã là vùng nguyên liệu lớn của cả nước. Nhiều lô hàng trái cây như nhãn, chôm chôm, chuối… và gần đây nhất là xoài đã được cấp “visa” sang nhiều thị trường xuất khẩu khó tính. Với sản lượng lớn, phong phú chủng loại, nhưng ngành công nghiệp chế biến còn bỏ ngỏ nên chưa tận dụng được hết thế mạnh và tạo thêm nhiều sản phẩm đa dạng từ trái cây.

Đó vẫn còn là trăn trở lớn đối với vùng trái cây ĐBSCL.

TRẦN PHƯỚC