Người dân đồng lòng, quê hương đổi mới

Cập nhật, 06:18, Thứ Tư, 13/03/2019 (GMT+7)

Là xã vùng ven của huyện Mang Thít, trước khi xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Tân An Hội có sự đầu tư trong từng lĩnh vực. Song, vẫn còn hạn chế nhiều mặt, nhất là cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, các hoạt động văn hóa- xã hội còn hạn chế, đời sống người dân còn nhiều khó khăn…

Qua hơn 8 năm xây dựng NTM, diện mạo xã đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân nâng lên rõ rệt, đã mở ra cho Tân An Hội nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội những năm tiếp theo.

Nhờ làm tốt công tác huy động, nhiều công trình đã hoàn thành đúng tiến độ.
Nhờ làm tốt công tác huy động, nhiều công trình đã hoàn thành đúng tiến độ.

Phát huy hiệu quả những công trình

Trước đây, kinh tế xã Tân An Hội chủ yếu dựa vào cây lúa, nhưng mùa vụ không đồng loạt, người dân chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chất lượng sản phẩm làm ra chưa đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ chưa phát triển.

Tổ chức sản xuất chưa được chuyển đổi tích cực. Lao động có chuyên môn kỹ thuật còn thấp... “là những yếu tố bất lợi cho phát triển kinh tế của xã”- ông Trương Thành Phước- Chủ tịch UBND xã, Trưởng BCĐ xây dựng NTM xã- kể về những khó khăn khi bắt tay xây dựng NTM.

Thời điểm đó, xã Tân An Hội cũng chưa có các mô hình thiết thực mang lại lợi ích kinh tế- xã hội cho địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 4,9% (năm 2012).

Cùng với đó là nhiều vấn đề phát sinh làm mất trật tự an toàn xã hội trên địa bàn... gây ra những bất lợi trong sản xuất và đời sống nhân dân.

Nay nhìn lại, hệ thống đường giao thông được đấu nối từ đường liên xã, liên ấp, liên xóm với các đường tỉnh, đường huyện rất thuận lợi cho việc đi lại vận chuyển hàng hóa; hệ thống thủy lợi khép kín đảm bảo tưới tiêu; hệ thống điện đảm bảo an toàn; trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư cũng được nâng cấp, mở rộng.

Điều làm ông Trương Thành Phước phấn khởi là “tất cả những công trình dự án đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần làm cho kinh tế- xã hội phát triển”.

Trong sản xuất nông nghiệp, đã hình thành những mô hình trồng trọt, chăn nuôi có chất lượng như: nuôi bò sinh sản theo hướng an toàn sinh học; nuôi heo- gà theo hướng trang trại; trồng bưởi da xanh, sầu riêng Ri6 theo đúng kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của xã, giá trị ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng bình quân 4,5%/năm.

Bên cạnh, tiểu thủ công nghiệp- dịch vụ hoạt động có hiệu quả; chương trình dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và đưa lao động làm việc nước ngoài được thực hiện tốt, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 41,19 triệu đồng/người/năm, tăng 19,6 triệu đồng so năm 2012.

Quê hương nhiều đổi thay

Nhiều tuyến đường được điểm tô bởi bông hoa, đèn đường kết hợp cột cờ tạo nên diện mạo sáng- xanh- sạch- đẹp.
Nhiều tuyến đường được điểm tô bởi bông hoa, đèn đường kết hợp cột cờ tạo nên diện mạo sáng- xanh- sạch- đẹp.

Qua 2 năm cải tạo vườn tạp, ông Phạm Văn Mát (ấp Tân Quy I) chuyển sang trồng dừa xiêm lửa. Chưa kịp thu hoạch thì Nhà nước đầu tư xây đường giao thông, nhưng ông Mát vẫn không chút đắn đo, gật đầu “cái rụp” hiến 600m2 đất vì “xây được con lộ là rất quý, cần gì chỉ cần a lô là có thể giao hàng tới tận nhà, tui thấy phấn khởi chứ tiếc gì”- ông Mát nói chắc nịch.

Nghĩ vậy nên mỗi khi uống trà cùng anh em chòm xóm là ông Mát động viên mọi người cùng hiến đất, bởi “nếu cứ dùng dằng hoài thì khi nào mới có lộ, lỡ khi bệnh tật cũng có xe cứu thương tới nhà mà kịp thời cứu chữa”. Chính những lời nói thấu tình đạt lý đó mà con lộ đã hoàn thành trong niềm phấn khởi của bà con.

Ông Mát còn cho biết thêm, con lộ xây xong thì ông làm hàng rào trước nhà, khi công trình bàn giao thì trồng thêm hoa để làm đẹp con đường. Điều ông mong mỏi là Nhà nước sẽ kéo điện thắp sáng đường quê thêm sáng và an toàn hơn.

Ông Nguyễn Văn Diên- Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BCĐ xây dựng NTM huyện: Thời gian tới, xã cần tiếp tục phát huy trí tuệ và sức mạnh của nhân dân, để nhân dân hiến kế, đề xuất cách thức thực hiện; huy động sức dân để chăm lo lợi ích chính đáng cho nhân dân; giữ vững danh hiệu và phấn đấu đạt xã NTM nâng cao trong những năm tiếp theo.

Với vai trò là Phó ấp An Hội 1, ông Lê Văn Tươi vận động bà con tham gia hưởng ứng trồng hoa trên đoạn đường từ đầu cầu Ngọc Sơn Quang đến cầu Số 8 (dài 1,8km).

Theo ông Tươi, đến nay toàn ấp chỉ còn 2 hộ nghèo và khoảng 4 hộ cận nghèo, tôi mong địa phương tiếp tục mở thêm các lớp dạy nghề mà tạo việc làm gia công tại nhà để giúp người dân nâng cao thu nhập.

Là Chủ tịch Hội Khuyến học xã, bà Nguyễn Thị Bé Tám góp sức vận động cán bộ, công chức và các hộ gia đình tham gia học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập; vận động cất nhà, cấp học bổng cho học sinh nghèo để các em an tâm học tập, góp phần xây NTM về tiêu chí giáo dục.

Trong các đợt ra quân trồng hoa, dọn dẹp cảnh quan, thấy bà Tám tuổi đã cao, nên lãnh đạo địa phương không phân công, tuy nhiên bà vẫn nhiệt tình, chủ động trồng hoa để tạo điểm nhấn trên đoạn đường từ nhà đến UBND xã.

Theo bà Tám, quê hương mình giờ đã đổi thay nhiều lắm! Điều bà tâm đắc nhất là những con đường ọp ẹp giờ đã được nâng cấp hoàn chỉnh, trường học đạt chuẩn khang trang, chất lượng giáo dục nâng lên.

Bên cạnh, người dân ngày càng có ý thức trong xây dựng NTM, nhất là xóa cầu cá, giữ gìn cảnh quan sáng- xanh- sạch- đẹp, những căn nhà tre lá giờ được thay bằng nhà bê tông, ai cũng phấn đấu làm ăn để có đời sống tốt hơn.

Theo ông Trương Thành Phước, những lợi ích thiết thực mang lại từ phong trào xây dựng NTM đã làm cho người dân trong xã càng nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn trong việc hưởng ứng các phong trào thi đua do địa phương phát động, từ đó tích cực hơn trong lao động sản xuất, góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội của xã nhà và đạt chuẩn NTM như ngày nay.

Tân An Hội là xã thứ 6 của huyện Mang Thít đạt chuẩn NTM. Xã được đầu tư nguồn vốn gần 174,3 tỷ đồng, trong đó, nhân dân và các Mạnh thường quân còn đóng góp hơn 69 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động. Hiện, tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia an toàn và tiết kiệm đạt 99,8%; hộ sử dụng nước máy 84,1%; lệ hộ nghèo còn 0,9%; hộ sử dụng điện thoại 100%, người dân tiếp cận các dịch vụ cung cấp từ bưu chính, viễn thông ngày càng nhiều hơn...

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI