Xã Bình Ninh còn nhiều việc cần làm

Cập nhật, 13:07, Thứ Tư, 16/01/2019 (GMT+7)

Là 1 trong 6 xã điểm nông thôn mới (NTM) năm 2019 của tỉnh, xã Bình Ninh (Tam Bình) còn ngổn ngang các công việc cần phấn đấu vì đây là địa phương có địa bàn rộng lớn (11 ấp) nhưng cũng có số nhà tạm, dột nát nhiều nhất (93 căn) và hơn 7km đường giao thông liên ấp cần phải đầu tư cùng với nhiều tiêu chí “mềm”...

Tuyến đường liên xóm (tại ấp An Thạnh A) vừa được đầu tư xây mới đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Tuyến đường liên xóm (tại ấp An Thạnh A) vừa được đầu tư xây mới đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Còn nhiều băn khoăn

Đi một vòng các tuyến đường trong xã Bình Ninh sẽ thấy, ngoài đường liên xã Bình Ninh- Loan Mỹ- Ngãi Tứ (dài 4.800m) được nhựa hóa, đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm, thì các tuyến đường liên ấp (dài 14.400m) đều chưa đạt chuẩn (quy định từ 50% trở lên).

Điều này đồng nghĩa xã phải có sự chuẩn bị thật tốt về công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo công trình thi công xuyên suốt và đạt tiến độ.

Theo đánh giá của BCĐ xây dựng NTM xã, trong năm 2018 đã hỗ trợ cho 110 hộ vươn lên thoát nghèo và 21 hộ thoát cận nghèo.

Đã giúp kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 6,7% xuống còn 1,9% (hiện còn 77 hộ nghèo) và kéo giảm tỷ lệ hộ cận nghèo từ 4,5% xuống còn 3,7% (hiện còn 104 hộ cận nghèo).

Đây là con số “đáng mơ ước” đối với các địa phương có nhiều hộ nghèo và cận nghèo như Bình Ninh. Song, qua đi thực tế một số hộ vừa vươn lên thoát nghèo cho thấy bức tranh đời sống người dân còn nhiều vấn đề đáng quan tâm.

Tại ấp An Bình, chúng tôi tiếp chuyện với một chủ nhà quá bảnh bao, nếu không nói chắc không ai nghĩ ông vừa mới... thoát nghèo.

Đến ấp An Thạnh A, ghé thăm nhà ông Đinh Văn Hưởn- hộ hưởng trợ cấp xã hội vừa thoát nghèo do có đứa cháu trai nghỉ học đi làm (có thu nhập) nhưng nhà cửa thì trống trơn, chẳng có vật dụng gì ngoài vách tường bê tông.

Còn hộ chị Tiêu Thị Hoài Thương thì nhà cửa khá tuềnh toàng với tường gạch được xây tạm, công việc không ổn định lại còn 3 con nhỏ...

Điều này đã làm cho bà Vương Thị Thu Hương- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh- tỏ ra khá băn khoăn về cách tính hộ nghèo của xã.

Bà cho rằng: “Tỷ lệ hộ nghèo tương đương với hiện trạng nhà ở, nhưng khi đi quanh xã cho thấy nhà tạm và nền đất vẫn còn khá nhiều”.

Điều này đồng nghĩa vẫn còn nhiều nhà chưa đạt chuẩn “3 cứng” theo quy định của Bộ Xây dựng. Bên cạnh, bà cũng lưu ý xã cần quan tâm chỉnh trang lại các trụ sở ấp vì cũng đã xuống cấp rất nhiều.

Nhiều phần việc cần làm

Năm 2019, xã Bình Ninh sẽ vận động người dân tăng gia sản xuất để nâng cao thu nhập.
Năm 2019, xã Bình Ninh sẽ vận động người dân tăng gia sản xuất để nâng cao thu nhập.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn- Bí thư Đảng ủy xã Bình Ninh, Trưởng BCĐ xây dựng NTM xã, đến nay xã đã xây dựng đạt 12/19 tiêu chí.

Bên cạnh, các tiêu chí “cứng” cần được đầu tư như: giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư thì các tiêu chí “mềm” còn lại là thông tin truyền thông vẫn còn thiếu 8 loa không dây để bố trí cho 4 ấp (cũng do trên đầu tư); về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, xã vẫn còn 1 công chức địa chính chưa qua đào tạo về trung cấp chính trị; về thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2018 là 41,09 triệu đồng/người/năm (quy định năm 2019 là 45 triệu đồng/người/năm).

Bí thư Đảng ủy xã Bình Ninh Nguyễn Văn Sơn

Để nâng cao thu nhập bình quân đầu người, năm 2019 xã tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình liên kết gắn với tiêu thụ lúa; vận động người dân cải tạo vườn kém hiệu quả, nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao; khuyến khích người dân trong độ tuổi lao động học nghề và làm việc tại các công ty, xí nghiệp; vận động tăng gia sản xuất, nhân rộng các hình thức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đạt hiệu quả cao; khuyến khích phát triển ngành nghề truyền thống, đan lục bình, đan ghế, may gia công...

Qua đi thực tế, bà Vương Thị Thu Hương lưu ý xã cần quan tâm cập nhật hồ sơ theo chương trình tập huấn NTM năm 2018 do có sự thay đổi về phụ biểu, để có cơ sở ghi nhận xã đạt 12/19 tiêu chí. 

Bên cạnh, xã cần quan tâm niêm yết bản quy hoạch, tuyên truyền cho người dân về quy chế quản lý quy hoạch xã NTM và cắm mốc khi các tuyến đường hoàn thành.

Về tiêu chí môi trường, tuy xã báo cáo đã đạt, nhưng trên các tuyến đường vẫn còn nhiều cầu cá cùng các bãi rác và tình trạng xịt thuốc cỏ- trong khi đây là vấn đề “tối kỵ” vì gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Bà Vương Thị Thu Hương đề nghị, xã cần quan tâm làm đẹp trụ sở làm việc để vận động người dân đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền trong xây dựng NTM, nhất là tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm.

Bên cạnh, cần tạo điểm nhấn trên tuyến đường vào trụ sở làm việc của xã, có thể trồng hoa hoặc cây xanh để làm đẹp cảnh quan.

*Theo thống kê, đến nay xã Bình Ninh còn 93 căn nhà tạm; trong đó hộ nghèo, cận nghèo là 46 căn; gia đình chính sách 2 căn; hộ mới thoát nghèo, cận nghèo là 12 căn; hộ khó khăn 16 căn, còn lại là hộ có điều kiện nhưng chưa xây cất. Song, để có con số chính xác, còn chờ Sở Xây dựng khảo sát và đánh giá lại.

* Năm 2018, xã Bình Ninh đã vận động xây mới 4 cầu giao thông ở các ấp An Hòa, An Hòa A, An Phú Tân với tổng số tiền gần 687 triệu đồng, góp phần tạo điều kiện cho người dân thuận tiện trong đi lại và trao đổi hàng hóa, đặc biệt là giúp cho học sinh đến trường an toàn hơn.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI