Lên phương án chủ động phòng tránh thiên tai

Cập nhật, 06:00, Chủ Nhật, 13/01/2019 (GMT+7)

Năm 2018, lốc xoáy, mưa lớn, sạt lở, triều cường… diễn biến thất thường đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản ở các địa phương trong tỉnh.

Dự báo, tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong năm 2019. Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Trần Hoàng Tựu lưu ý cần tích cực, chủ động các phương án phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Thiên tai “ngốn” hàng chục tỷ đồng

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT- TKCN), năm 2018, toàn tỉnh không xảy ra hạn mặn trên diện rộng, bão- áp thấp nhiệt đới không ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, gió mạnh, lốc xoáy, mưa lớn, sạt lở, triều cường… diễn biến thất thường.

Cụ thể, lốc, mưa lớn, gió mạnh, sét khiến 2 người chết, 4 người bị thương, sập và tốc mái hơn 400 căn nhà, thiệt hại gần 143ha hoa màu, 245ha lúa, hơn 100ha cây lâu năm và cây ăn trái.

Triều cường cuối tháng 8 âl năm 2018 gây ngập, thiệt hại đến 80% một số vườn bưởi thuộc xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh).
Triều cường cuối tháng 8 âl năm 2018 gây ngập, thiệt hại đến 80% một số vườn bưởi thuộc xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh).

Trong đó, trận lốc xoáy ngày 10/9 đã gây thiệt hại nặng tại xã An Phước (Mang Thít) với 96 căn nhà bị hư hỏng, 2 người bị thương.

Bên cạnh, rải rác các thời điểm trong năm và nhất là vào mùa mưa lũ, toàn tỉnh xảy ra 221 điểm sạt lở trong nội đồng và sông chính, tấn công trên 11.531m bờ sông, kinh, rạch và công trình đê bao, đường giao thông.

Theo đó, “nuốt chửng” mất hơn 57.500m2 đất, 228 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong năm, UBND tỉnh đã công bố thiên tai do sạt lở bờ kinh Hai Quý thuộc Khóm 1 (phường Thành Phước- TX Bình Minh) và công bố thiên tai do sạt lở bờ sông tại ấp Phong Thới (thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm).

Gây thiệt hại nhiều nhất trong năm qua phải kế đến ảnh hưởng của mưa lớn và triều cường rằm tháng 8, tháng 9 âl (gần 32,7 tỷ đồng- chiếm gần 50% tổng thiệt hại).

Lũ năm 2018 trên sông Mekong đến sớm hơn so trung bình nhiều năm khoảng nửa tháng. Tại Vĩnh Long, mực nước sông rạch lên vào cuối tháng 8, trùng với kỳ triều rằm tháng 7 âl.

Vào đầu tháng 10, do ảnh hưởng của 2 yếu tố cực đại là lũ đầu nguồn sông Cửu Long đạt đỉnh và triều cường 30/8 âl nên mực nước trong các sông rạch lên rất cao, đạt đỉnh vào 9- 10/10 ở mức trên báo động III, vượt đỉnh lũ lớn năm 2011 và đạt mức kỷ lục mới trong dải quan trắc.

Theo đó, sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và dân cư tại các vùng trũng, vùng ven các sông rạch, cù lao trên sông lớn bị đe dọa và thiệt hại đáng kể.

Các đô thị nằm ven sông lớn như TP Vĩnh Long, TX Bình Minh, thị trấn Trà Ôn bị ngập nặng, ngay thị trấn Mang Thít “nhiều năm không ngập” thì năm nay cũng không tránh khỏi.

Ông Lưu Nhuận- Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh cho biết, trong năm, công tác phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương chặt chẽ, công tác dự báo, cảnh báo kịp thời, chính xác.

Bên cạnh, các sở ngành, địa phương đã chủ động phương án nên công tác tổ chức phòng chống, ứng phó thiên tai ngày càng hiệu quả.

Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm hơn 66,7 tỷ đồng. Tổng kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai toàn tỉnh năm 2018 là hơn 107 tỷ đồng (Trung ương hỗ trợ 80 tỷ đồng, tỉnh hỗ trợ hơn 27,1 tỷ đồng).

Chủ động phòng, tránh là chính

Cần tiếp tục rà soát di dời, bố trí lại dân cư tại những điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Trong ảnh: Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp- PTNT trong một đợt khảo sát sạt lở tháng 9/2018.
Cần tiếp tục rà soát di dời, bố trí lại dân cư tại những điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Trong ảnh: Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp- PTNT trong một đợt khảo sát sạt lở tháng 9/2018.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng- thủy văn Trung ương, năm 2019, hiện tượng ENSO được dự báo sẽ có xu hướng duy trì trạng thái El Nino trong nửa đầu năm 2019 với xác suất 80- 90%.

Tháng 1/2019 có mưa trái mùa tại khu vực Nam Bộ. Nguồn nước 6 tháng mùa khô năm 2019 về ĐBSCL thấp so trung bình nhiều năm do đó khả năng xâm nhập mặn có khả năng xảy ra và xảy ra sớm, sâu với những biến động phức tạp và gay gắt nhưng có thể ít nghiêm trọng hơn năm 2015- 2016. Các tháng cuối năm, thời tiết cực đoan xảy ra khó lường.

Theo đó, dự báo sơ bộ bước đầu của Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long thì tình hình thời tiết, thủy văn năm 2019 sẽ diễn biến phức tạp, xâm nhập mặn, đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa rất to trong thời đoạn ngắn; giông mạnh kèm theo lốc, sét, gió giật mạnh, triều cường gây ngập úng… ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất.

Theo đó, mưa trái mùa khả năng xuất hiện nhiều trong tháng 1. Từ tháng 2- 5, mưa phổ biến ở mức xấp xỉ hơn trung bình nhiều năm; thời kỳ bắt đầu mưa có khả năng ở mức xấp xỉ hoặc muộn hơn trung bình nhiều năm; cần đề phòng thời tiết cực đoan.

Nhiệt độ trung bình năm ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ. Các tháng đầu năm, ít có khả năng xuất hiện bão- áp thấp nhiệt đới nhưng để phòng các cơn bão- áp thấp nhiệt đới hoạt động vào các tháng cuối mùa (10, 11, 12) tác động trực tiếp tới Vĩnh Long.

Đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước đang ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và dao động theo triều. Triều cường vùng hạ lưu sẽ lên cao vào tháng 10, 11, 12, đỉnh triều cường tại các trạm cao hơn mức báo động III từ 0,15- 0,3m. Xâm nhập mặn sẽ đến sớm và mức độ ảnh hưởng gay gắt hơn 2017- 2018.

Để chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh vừa triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2019.

Ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh- chỉ đạo cần kiện toàn BCH PCTT các cấp; tăng cường tuyên truyền tập huấn kiến thức PCTT trong cộng đồng; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, phương châm

“Chủ động phòng, tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả” trong phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, lấy phòng, tránh là chính.

Bên cạnh, chủ động triển khai nhanh xây dựng các công trình theo kế hoạch năm như giao thông, thủy lợi… Phấn đấu đạt gần hết kế hoạch vào cuối mùa khô. Đồng thời, rà soát di dời bố trí lại dân cư tại những điểm sạt lở nguy hiểm và có nguy cơ sạt lở…

Ông Trần Hoàng Tựu đặc biệt lưu ý công tác phòng chống hạn mặn mùa khô. Theo đó, các địa phương phải xây dựng kế hoạch phòng chống hạn, mặn riêng, đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh, đặc biệt ở huyện Trà Ôn và Vũng Liêm.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN