Phỏng vấn

Ngập gia tăng ở ĐBSCL: đừng làm cho hậu quả nặng nề thêm

Cập nhật, 05:42, Thứ Ba, 06/11/2018 (GMT+7)

Triều cường đầu tháng 9 âl vừa qua, Vĩnh Long và nhiều nơi khác của ĐBSCL ngập nặng, có nơi ghi nhận mực nước cao nhất lịch sử 40 năm qua.

Đây có phải là hiện tượng bất thường, liệu sẽ còn tái diễn và đồng bằng nên ứng phó ra sao? Phóng viên Báo Vĩnh Long đã gặp PGS. TS. Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) để tìm hiểu nguyên nhân, cách ứng xử phù hợp trong thời gian tới.

PGS. TS. Lê Anh Tuấn.
PGS. TS. Lê Anh Tuấn.

* Thưa ông, vì sao Vĩnh Long và nhiều nơi khác của ĐBSCL ngập nặng trong đợt triều cường đầu tháng 9 âl vừa qua? Đây có phải hiện tượng lạ?

- Vừa rồi, mực nước đo được ở Cần Thơ tới 2,23m- vượt báo động 3 (thường là 1,9m), rất cao so mọi năm. Nếu so với lịch sử thì đây là điều bất thường.

Thật ra, lũ năm nay chỉ cao hơn trung bình chớ không cao lịch sử trong khi mực nước lại cao lịch sử. Nguyên nhân là khi lũ truyền từ trên xuống rơi vào giai đoạn triều cường ở dưới đi lên.

Đỉnh cao này nó không thoát được ra biển- bị chặn lại giống như một bức tường nên dâng cao hơn. Những năm trước thì cũng có hiện tượng đỉnh triều truyền về gặp lúc triều cường nên nước cao hơn. Nhưng cao như vừa rồi là hơi đặc biệt.

Một trong những nguyên nhân mà những người làm công tác chuyên môn chúng tôi thảo luận với nhau là coi trên không ảnh thì thấy những vùng chứa lũ xưa của ĐBSCL như tứ giác Long Xuyên hay vùng Đồng Tháp Mười là những chỗ trữ nước rất nhiều. Khi lũ về chứa trong 2 vùng trũng ở đó.

Bây giờ 2 vùng đó bị vây bởi nhiều đê bao, không gian chứa giảm đi thì nước chảy qua những vùng khác.

TP Cần Thơ, Vĩnh Long là vùng ở dưới nên nước dồn xuống. Không chỉ tổng lượng nước sẽ tràn về vùng hạ lưu mà nước sẽ chảy mạnh hơn nên sạt lở 2 bên bờ sông nhiều.

Tất nhiên không giống nhau giữa vùng này vùng khác, chỗ nào yếu thì nước nó phá chỗ đó.

Một phần, do người dân chủ quan, tâm lý lũ bây giờ không cao như ngày xưa nên không tu bổ đê bao. Năm nay, đột ngột nước cao hơn thì chỗ yếu nó vỡ, mà vỡ chỗ này thì nó phá chỗ khác.

Một yếu tố khác cần lưu ý tới là mặt đất ở đây đang lún, tạo nên hiện tượng ngập nhiều hơn. Theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới, ĐBSCL đang lún với cấp độ 2- 4cm/năm. Tất nhiên lún không đồng đều, có chỗ nhiều chỗ ít.

* Vì sao mặt đất lại lún, thưa ông?

- Do mật độ xây dựng ngày càng gia tăng. Bên cạnh, khai thác nước ngầm quá cao. Ngày xưa, khai thác nước ngầm chủ yếu ở vùng ven biển nhưng bây giờ ngay cả những vùng lũ vẫn thiếu nước ngọt nên khoan nước ngầm, đặc biệt là mùa khô.

Chúng tôi đi khảo sát ở Đồng Tháp Mười hay tứ giác Long Xuyên, người ta làm đê bao để làm lúa 3 vụ- nước trong đê bao như vùng nước tù rất ô nhiễm nên họ khoan nước ngầm để sử dụng.

Những người đi khảo sát chứng minh rằng ĐBSCL mực nước ngầm giảm đi rất nhanh. Một khi nước ngầm mất đi thì lún nhiều hơn.

Vậy là, ngoài chuyện bất thường của thiên nhiên như mưa nhiều, lũ cao rồi nước dâng thì hoạt động của con người ta làm cho ngập gia tăng lên.

Đừng làm cho hậu quả 
nặng nề thêm

* Theo ông, cần nhìn nhận các đợt triều cường vừa qua như thế nào cho đúng?

- Hiện nay vấn đề khó chớ không phải dễ. Sắp tới, không có gì cản được triều cường- đó là cái tự nhiên. Về lâu dài, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng thì có thể những hiện tượng này sẽ lặp lại trong những năm tới. Năm nào mưa nhiều thì hiện tượng này có khả năng lặp lại.

Tuy nhiên, đừng thấy một hai hiện tượng như vậy hoảng hốt cả xã hội. 1 ngày có 2 lần triều cường, mà chỉ xảy ra vào tháng 10 của năm. Cho nên, không cần thiết là những công trình đê bao thiệt to để an dân. Chúng tôi khuyến cáo nên chọn giải pháp tự nhiên, giải pháp mềm trước.

* Cụ thể nên lựa chọn những giải pháp ứng phó khả thi nào, thưa ông?

- Chuyện mặt đất lún hay sự thay đổi nguồn nước đã được cảnh báo rất nhiều rồi. Bây giờ ngập như vậy nhưng qua mùa ngập là khô hạn, xâm nhập mặn vô tới liền.

Hồi xưa, ở vùng trên có chỗ trữ nước thì giảm bớt lũ cho vùng dưới. Mùa khô nước từ từ thấm qua, giảm xâm nhập mặn. Bây giờ vùng trữ nước không còn nữa thì mặn xâm nhập.

Cho nên, cần có chiến lược đừng làm cho hậu quả nặng nề thêm rồi từng bước tìm ra những giải pháp thay thế.

Trước tiên, cần cảnh báo nguy cơ nước dâng cao để người dân có cách phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại. Rồi có những quy hoạch lại, bố trí dân vào. Không nên xây quá nhiều công trình nặng nề trên vùng đồng bằng này.

Về lâu dài, cần khôi phục lại những vùng trũng trữ nước tự nhiên. Khi có nước sạch cho người dân sử dụng thì họ bớt khai thác nước ngầm.

Không xây thêm những đê bao kiên cố để làm lúa 3 vụ nữa vì trồng lúa đâu có giá bao nhiêu, trong khi ô nhiễm ngày càng tăng, phải trả giá cho chuyện đó.

Ví dụ như ngập đô thị, hư hỏng đường sá, trì trệ làm ăn… Như vậy, tăng lúa chưa chắc bù cho thiệt hại khác của xã hội.

Do đó, những chỗ nào trong đê bao sản xuất không hiệu quả nữa thì dần “mở đê”, những dự kiến làm thêm đê bao nữa thì hoãn lại. Hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu xem mình có thể bơm nước lũ xuống nước ngầm hay không để trả lại nước ngầm đã bị hạ thấp.

Sắp tới, cần nghĩ đến những chiến lược nhà cửa, đường sá vì mình đang ở đồng bằng thấp. Trong tương lai, một số nước chấp nhận làm nhà giống nhà sàn (bằng bê tông) trên mặt đất, mùa khô thì vẫn sinh hoạt ở dưới nhưng tới mùa mưa lũ thì lên trên.

Hay một số nước làm xa lộ trên cao, xe cộ chạy ở trên, nước lũ ở dưới vẫn chảy mà không bị cản… Nói chung, phải chấp nhận ĐBSCL có rất nhiều thử thách về nguồn nước, chuyện quy hoạch tích hợp lại các ngành là rất quan trọng.

- Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho buổi gặp gỡ này!

TUYẾT HIỀN (thực hiện)