Dự thảo Luật Kiến trúc: Kỳ vọng phát huy bản sắc kiến trúc dân tộc

Cập nhật, 07:16, Thứ Tư, 14/11/2018 (GMT+7)

 

Trong tương lai, quần thể các cụm công trình Khu Hành chính tỉnh gắn kết trong bối cảnh chung tạo nét đặc trưng cho thành phố.
Trong tương lai, quần thể các cụm công trình Khu Hành chính tỉnh gắn kết trong bối cảnh chung tạo nét đặc trưng cho thành phố.

Quốc hội đang cho ý kiến về dự thảo Luật Kiến trúc. Dự án luật này đang nhận được sự quan tâm lớn của giới chuyên môn và cả cộng đồng.

Bên cạnh khắc phục những tồn tại, bất cập trong hoạt động kiến trúc và quản lý nhà nước về kiến trúc, dự luật còn được kỳ vọng khắc phục tình trạng kiến trúc lai tạp, chưa có bản sắc riêng tồn tại khá phổ biến ở các khu dân cư, khu đô thị (ĐT)… thời gian qua.

Trình bày Tờ trình dự án luật tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu rõ: Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nền kiến trúc Việt Nam và đội ngũ kiến trúc sư đã có những bước phát triển quan trọng, có đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật...

Tuy nhiên, quá trình này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: công tác quản lý kiến trúc chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tổ chức không gian, cảnh quan, kiến trúc công trình ở ĐT và nông thôn còn thiếu thống nhất, thiếu bản sắc...

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập có nguyên nhân về thể chế. Ngoài ra, còn do chất lượng đội ngũ kiến trúc sư, công tác đào tạo, công tác lý luận phê bình, phản biện chưa đáp ứng yêu cầu trong nước và hội nhập quốc tế. Từ đó cho thấy việc ban hành Luật Kiến trúc là hết sức cần thiết.

Phối cảnh tổng thể Khu cơ quan làm việc UBND tỉnh và các cơ quan khối tổng hợp.
Phối cảnh tổng thể Khu cơ quan làm việc UBND tỉnh và các cơ quan khối tổng hợp.

Dự thảo Luật Kiến trúc có 4 chương, 37 điều. Nội dung cơ bản quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc hoạt động kiến trúc, những hành vi bị cấm.

Đối với kiến trúc ĐT, dự án luật có một số quy định đáng lưu ý là yêu cầu kiến trúc ĐT phải đảm bảo: không gian, kiến trúc, cảnh quan phải được thiết kế gắn kết với cảnh quan hiện hữu, mang yếu tố bản sắc văn hóa, đặc thù địa phương và yêu cầu quốc phòng, an ninh;

công trình kiến trúc ở ĐT mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa quốc gia hoặc của địa phương, công trình tôn giáo, tín ngưỡng, tượng đài danh nhân, những biểu tượng văn hóa của ĐT được quy định trong Quy chế quản lý kiến trúc ĐT; chính quyền địa phương ở ĐT hàng năm rà soát, xây dựng danh mục các công trình kiến trúc và không gian kiến trúc trong ĐT cần bảo vệ, phát huy giá trị, bổ sung đưa vào kế hoạch chỉnh trang ĐT…

Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Kiến trúc. Tuy nhiên, nhiều đại biểu băn khoăn dự luật mới chủ yếu tập trung vào quản lý nhà nước về kiến trúc và quản lý hành nghề kiến trúc mà chưa thấy được nội dung quy định về bản sắc kiến trúc.

Phối cảnh tổng thể Khu cơ quan làm việc các sở, ngành khối kinh tế.
Phối cảnh tổng thể Khu cơ quan làm việc các sở, ngành khối kinh tế.

Dưới góc độ cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường- Trần Văn Minh cho biết, dù có dung lượng tương đối mỏng, chỉ 37 điều nhưng đây là dự án luật rất khó.

Trước hết vì chưa có tiền lệ (các quy định liên quan đến quy hoạch cũng đã có ở một số văn bản pháp luật chỉ mới ở dạng sơ khai). Thứ hai, dự luật này điều chỉnh lĩnh vực không chỉ mang tính kỹ thuật mà còn mang tính nghệ thuật, sáng tạo.

Nếu đưa ra công cụ quản lý quá chặt thì có thể không phát huy được tính nghệ thuật, sáng tạo. Ngược lại, nếu công cụ quản lý quá lỏng thì không khắc phục được tình trạng “lai tạp, tùy hứng, thiếu tính nghệ thuật” trong kiến trúc vừa qua. Một số đại biểu đặt câu hỏi về bản sắc kiến trúc của ĐT, của vùng đồng bằng, vùng núi... là gì?

Nhà nước cần làm gì để tuyên truyền, hỗ trợ người dân trong việc bảo đảm gìn giữ bản sắc kiến trúc của vùng, miền phù hợp với đời sống hiện đại? Trong khi có đại biểu đề xuất khôi phục kiến trúc sư trưởng ở ĐT- nhằm là nơi đảm bảo về chuyên môn và kiến trúc sư trưởng là “nhạc trưởng xác định cái hồn của ĐT”.

Phối cảnh tổng thể Khu cơ quan làm việc các sở, ngành khối văn hóa- xã hội.
Phối cảnh tổng thể Khu cơ quan làm việc các sở, ngành khối văn hóa- xã hội.

Tại Vĩnh Long, giới chuyên môn cũng đang rất quan tâm đến dự luật mới này. Theo ThS. KTS Nguyễn Quốc Duy- Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, tại ĐT lớn nhất tỉnh là TP Vĩnh Long, nhiều công trình đã được đầu tư xây dựng với quy mô lớn, kiến trúc hiện đại tạo bộ mặt trên các trục đường chính ĐT tạo thành quần thể không gian ĐT mang tính chất như hành chính, công cộng, thương mại- dịch vụ, giáo dục, y tế…

Trong tương lai, quần thể các cụm công trình Khu Hành chính tỉnh: Khu cơ quan làm việc UBND tỉnh với các sở ngành mang ý tưởng thiết kế sự luôn chuyển động, năng động của một nền hành chính luôn đổi mới; Khu cơ quan làm việc các sở ngành của khối Kinh tế mang ý tưởng thiết kế một sự ổn định, bền vững;

Khu cơ quan làm việc các sở ngành của khối Văn hóa- Xã hội mang ý tưởng thiết kế một sự luôn vận động uyển chuyển, mềm mại và linh hoạt… gắn kết trong bối cảnh không gian, cảnh quan thành tổng thể chung tạo diện mạo ĐT ngày càng khang trang, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội, mang nét đặc trưng riêng của thành phố.

Về việc Quốc hội đang cho ý kiến về dự thảo Luật Kiến trúc, ông Nguyễn Quốc Duy bày tỏ tin tưởng, kỳ vọng: Đây sẽ là tiền đề cho nền kiến trúc hiện đại, kế thừa và phát huy giá trị di sản kiến trúc truyền thống, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế- xã hội, yêu cầu quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN