Quốc hội thông qua dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi)

Cập nhật, 20:55, Thứ Sáu, 08/06/2018 (GMT+7)

Ngày 8/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Quốc phòng (sửa đổi).

Luật gồm 7 chương, 40 điều quy định nguyên tắc, chính sách; hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng.

Điểm đáng chú ý của Luật Quốc phòng (sửa đổi) lần này là việc kết hợp quốc phòng với kinh tế- xã hội và kinh tế- xã hội với quốc phòng là sự gắn kết mọi hoạt động quốc phòng với các ngành, lĩnh vực kinh tế- xã hội có sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước để góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, phát triển kinh tế- xã hội.

Nhà nước có kế hoạch, chương trình kết hợp quốc phòng với kinh tế- xã hội và kinh tế- xã hội với quốc phòng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội và chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong từng thời kỳ.

Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế- xã hội của Bộ, ngành, vùng, địa phương, các dự án quan trọng quốc gia, khu vực biên giới, hải đảo, địa bàn chiến lược phải kết hợp với quốc phòng, phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức, quản lý hoạt động của doanh nghiệp phục vụ quốc phòng và đơn vị quân đội được giao thực hiện nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng theo quy định của pháp luật, phù hợp với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giải thích thêm về quy định này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết hiện nay, Bộ Quốc phòng đang thực hiện việc tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sẽ không còn doanh nghiệp quốc phòng hoạt động kinh tế đơn thuần và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bình đẳng như các doanh nghiệp khác.

Luật Quốc phòng (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.

TÂM HUỲNH