Để ứng phó hiệu quả với thiên tai bất thường

Cập nhật, 15:14, Thứ Ba, 23/05/2017 (GMT+7)

 

Ban Chỉ huy PCTT- TKCN khảo sát thực địa điểm xung yếu sạt lở bờ sông.
 

Thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) tỉnh, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2016 trên 310 tỷ đồng.

Các loại thiên tai gây ảnh hưởng trực tiếp và thiệt hại đến Vĩnh Long là giông, lốc xoáy, mưa lớn, sạt lở bờ sông, hạn, xâm nhập mặn triều cường,… và năm 2017, tình hình thiên tai sẽ xảy ra ngày càng phức tạp, bất thường và dữ dội hơn, đặt ra những thách thức lớn.

Nhận định của Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh, diễn biến khí tượng thủy văn mùa mưa, bão, lũ năm 2017 sẽ phức tạp, cần chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa rất to xảy ra trong thời gian ngắn, giông mạnh kèm theo tố lốc, sét… ảnh hưởng đến địa phương trong các tháng đầu mùa, và bão, lũ, triều cường trong các tháng cuối mùa.

Hiện nay, ENSO vẫn đang thời kỳ trung tính nhưng nghiêng về pha nóng. Dự báo nhiều khả năng sẽ đạt ngưỡng El Nino vào tháng 7, 8 với xác suất 60- 70% và tiếp tục phát triển đến cuối năm.

Hầu hết các nơi trong tỉnh bắt đầu mùa mưa xấp xỉ và trễ hơn một ít so với trung bình nhiều năm, trong nửa đầu tháng 5. Tổng lượng mưa toàn mùa năm 2017 ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm.

Lượng mưa mùa mưa tại các nơi khoảng 1.200- 1.500mm. Các tháng đầu và giữa mùa có khả năng lượng mưa xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm, các tháng cuối mùa lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm.

Mùa mưa kết thúc xấp xỉ hoặc sớm hơn trung bình nhiều năm trong nửa đầu tháng 11. Đây cũng là thời điểm cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa rất to xảy ra trong thời gian ngắn, giông mạnh kèm theo lốc, sét vào các tháng đầu mùa mưa và sau các đợt giảm mưa.

Trong ngày truyền thống Phòng chống thiên tai của Việt Nam, UBND các cấp và các ngành có liên quan tổ chức những hoạt động thích hợp, nhằm cổ vũ nhân dân, các cấp và các ngành có liên quan tổ chức những hoạt động thích hợp, nhằm cổ vũ nhân dân, cán bộ chiến sĩ tổng kiểm tra, hoàn tất mọi mặt công tác chuẩn bị phòng, chống lũ, lụt, bão với quyết tâm cao bảo vệ tốt tính mạng và tài sản của nhân dân và của Nhà nước.

 

Trong năm 2017, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông có khả năng xấp xỉ trung bình nhiều năm, khoảng 11- 13 cơn, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng 4- 5 cơn.

Cần đề phòng những cơn bão mạnh, hoạt động vào các tháng cuối mùa (tháng 10, 11, 12) ảnh hưởng đến các tỉnh Nam Trung Bộ- Nam Bộ. Đặc biệt chú ý tính bất quy luật của bão sẽ tăng cao vào các tháng giữa và cuối năm.

Lũ đầu nguồn tại Tân Châu, Châu Đốc trong năm 2016 thuộc loại thấp nhưng do các tháng đầu năm mực nước ở thượng nguồn sông Me Kong và đầu nguồn sông Cửu Long ở mức cao kết hợp mưa trái mùa xảy ra trên diện rộng, cá biệt có những trận mưa to đến rất to làm cho độ mặn không xâm nhập sâu vào trong nội đồng.

Lũ đầu mùa ít có khả năng xuất hiện ở đầu nguồn sông Cửu Long, tuy nhiên sẽ có các đợt nước lên trên sông Cửu Long vào tháng 6, 7.

Lũ chính vụ với đỉnh lũ cao nhất năm xuất hiện vào nửa đầu tháng 10, ở mức cao hơn đỉnh lũ 2016 và tương đương báo động 2.

Tại Vĩnh Long, mực nước triều cường cao nhất năm 2017 tại Mỹ Thuận sẽ ở mức cao hơn báo động 3 từ 0,1- 0,2m, khoảng 1,9- 2m, xuất hiện trong các kỳ triều cường nửa đầu tháng 10, 11. Mực nước thấp nhất năm tại Mỹ Thuận vào khoảng -1,45 đến -1,55m, xuất hiện trong các tháng 6, 7.

Theo ông Lưu Nhuận- Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh, bên cạnh các biện pháp công trình và phi công trình đã và đang được triển khai, để ứng phó tốt thiên tai thì cần nâng cao hiệu quả công tác diễn tập của ban chỉ huy PCTT- TKCN các cấp.

Diễn tập tốt sẽ giúp chủ động mọi tình huống, phát huy hiệu quả “4 tại chỗ”, không bất ngờ trước những diễn biến bất thường của thiên tai và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

 

Nhằm chủ động phòng chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh xây dựng những biện pháp công trình cho từng khu vực cụ thể. Đây cũng là điểm mới trong công tác PCTT- TKCN 2017. Cụ thể:

 

Khu vực ngoại ô

Đẩy nhanh tiến độ các công trình PCTT, thủy lợi, kịp thời gia cố, sửa chữa, nâng cấp, duy tu bảo đảm an toàn cho các công trình, hệ thống bờ bao khi mực nước dâng cao do triều cường, mưa lớn, lưu ý các khu vực xung yếu, trọng điểm có nguy cơ xảy ra bể bờ, tràn bờ.

Trong tình huống cấp bách, các địa phương phải thực hiện gia cố tạm thời một số đoạn bờ bao để bảo đảm đối phó với các đợt triều cường, theo phương châm “4 tại chỗ”. Đối với công trình, gói thầu chưa bàn giao mặt bằng thi công, yêu cầu các địa phương phải thực hiện gia cố các vị trí xung yếu. Riêng các công trình, gói thầu đã được bàn giao mặt bằng thi công, chủ đầu tư chịu trách nhiệm kiểm tra gia cố các vị trí xung yếu, các đê quây, kinh dẫn dòng phù hợp đảm bảo không gây bể và tràn bờ trong những đợt triều cường.

Triển khai các dự án nạo vét kinh, rạch đồng thời vận động nhân dân phát quang, nạo vét thông thoáng dòng chảy, tháo dỡ, dọn dẹp những vật cản trên bờ, lòng sông, kinh, rạch làm ách tắc dòng chảy, hạn chế việc tiêu thoát nước.

Tiếp tục thực hiện lắp các biển cảnh báo nguy hiểm tại những khu vực xung yếu, hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân các biện pháp chằng chống nhà cửa an toàn nhằm phòng tránh tốc mái, sụp đổ khi xảy ra giông, gió, lốc xoáy.

 

 

 

Khu vực nội ô

Thường xuyên kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước, nạo vét các hố ga, cống rãnh và sông, kinh, rạch bị bồi lắng; sử dụng hiệu quả các máy bơm đã được trang bị, bảo đảm việc vận hành kịp thời và bảo vệ an toàn tuyệt đối các cống ngăn triều, công trình chống ngập.

Trang bị, nâng cấp và bảo vệ hệ thống, phương tiện thông tin liên lạc, thiết bị điện, trạm biến thế; khắc phục sửa chữa ngay khi xảy ra sự cố đường dây tải điện và có phương án đảm bảo nguồn điện dự phòng.

Kiểm tra, khuyến cáo, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện chằng chống các biển quảng cáo đúng kỹ thuật do ngành xây dựng quy định nhằm đảm bảo an toàn khi có bão, lốc xoáy, giông gió.

Kiểm tra và có kế hoạch chặt tỉa, đốn hạ cây xanh không an toàn, không để xảy ra tình trạng đổ ngã khi có giông gió, mưa bão.


Bài, ảnh: LÊ SƠN