Để nông dân không lâm vào "ma trận" về phân bón

Cập nhật, 07:57, Thứ Ba, 23/05/2017 (GMT+7)

Từ nhiều năm nay, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng tồn tại dai dẳng trên thị trường đã gây thiệt hại về kinh tế không nhỏ cho nông dân, đồng thời còn ảnh hưởng tới sản xuất, môi trường, lẫn chất lượng sản phẩm nông sản.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi, phỏng vấn ông Nguyễn Như Cường- Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT) xung quanh vấn đề này.

Ảnh: Nguyễn Kiểm

Ông Nguyễn Như Cường- Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT). 

Ảnh: Nguyễn Kiểm

* Thưa ông! Tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng, sản xuất phân bón theo “công nghệ cuốc xẻng” sẽ được xử lý như thế nào?

- Trước đây khi chưa có Nghị định 202 thì việc sản xuất phân bón không cần cấp phép mà sản xuất theo danh mục. Từ khi Nghị định 202 ra đời thì sản xuất phân bón là sản xuất có điều kiện: môi trường, phòng chống cháy nổ, máy móc trang thiết bị, nguồn nhân lực, quy trình công nghệ…

Những nhà máy đã được Bộ Nông nghiệp- PTNT cấp phép thì phải đạt yêu cầu. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận thực tế hiện nay là vẫn có những nhà máy mặc dù chưa được cấp phép nhưng vẫn hoạt động, sản xuất.

Tới đây, chúng ta sẽ phải thắt chặt công tác quản lý, thanh- kiểm tra, xử lý thật nghiêm những doanh nghiệp sản xuất mà chưa được cấp phép, trong đó có các cơ sở sản xuất phân bón theo kiểu “cuốc xẻng”.

* Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tồn tại lâu nay đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp lẫn thiệt hại cho người nông dân, vậy Cục Trồng trọt đã có những giải pháp gì để góp phần đấu tranh ngăn chặn tình trạng này thưa ông?

- Phân bón giả, phân bón kém chất lượng là có thật và là vấn đề khá nhức nhối lâu nay. Trước đây, việc quản lý phân bón được giao cho 2 bộ: Bộ Công thương quản lý phân bón vô cơ, Bộ Nông nghiệp- PTNT quản lý phân bón hữu cơ.

Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về phân bón hữu cơ, Bộ Nông nghiệp- PTNT liên tục tổ chức các đoàn thanh- kiểm tra cơ sở sản xuất và trên thị trường để góp phần ngăn chặn việc sản xuất, lưu thông, tiêu thụ phân bón giả, kém chất lượng.

Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/2/2017 của Chính phủ có quy định Bộ Nông nghiệp- PTNT quản lý nhà nước về phân bón và để thống nhất quản lý nhà nước về phân bón, bao gồm phân vô cơ, phân hữu cơ và phân bón khác thì ngành nông nghiệp sẽ phải tăng cường công tác quản lý để ngăn chặn, hạn chế phân bón giả, phân bón kém chất lượng trên thị trường. 

Cùng với đó, chúng tôi sẽ phải tiếp tục hướng dẫn người dân nhận biết phân bón giả, kém chất lượng cho người dân tránh. Vừa rồi, Cục Trồng trọt có văn bản gửi các địa phương công bố danh sách các nhà máy, cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác đã được cấp phép để các địa phương tăng cường công tác quản lý, thanh- kiểm tra ngăn chặn phân bón giả, kém chất lượng trên thị trường.

* Trên thị trường có nhiều loại phân bón, vậy làm sao để nông dân lựa đúng loại phân bón để sử dụng cho cây trồng tốt nhất, thưa ông?

- Hiện nay trên thị trường có khoảng 5.300 tên phân bón (tên phân bón khác với loại phân bón). Với lượng tên phân bón như vậy, theo tôi là khá nhiều. Rõ ràng bất cập do tên phân bón quá nhiều tồn tại trên thị trường đã gây khó khăn cho nông dân trong việc lựa chọn tốt nhất, phù hợp nhất, hiệu quả nhất cho cây trồng.

Đã đến lúc chúng ta cần phải quản lý việc quảng cáo phân bón rõ ràng để tránh cho nông dân lâm vào “ma trận” về phân bón.

Khắc phục tình trạng phân bón được quảng cáo theo kiểu trên trời, phân bón lại có tác dụng như thuốc bảo vệ thực vật. Thứ hai, chúng ta sẽ phải tập trung quản lý chặt nhãn mác bao bì, phải ghi rõ thành phần, hàm lượng các chất, hướng dẫn sử dụng, tác dụng… chứ không để tình trạng như thế này.

* Một số ý kiến đưa ra rằng sản xuất nông nghiệp chỉ cần 400- 500 tên phân bón, ông nghĩ sao về ý kiến này?

- Tôi không nghĩ như vậy. Đài Loan hiện có hơn 8.000 tên phân bón, còn ở Thái Lan hơn 7.000 tên phân bón.

Ở Việt Nam, do địa hình kéo dài, đa dạng về hệ sinh thái và cây trồng nên đương nhiên mỗi một loại cây trồng, một vùng sinh thái có yêu cầu về loại phân bón phù hợp. Chứ nếu bảo chỉ cần 100 tên phân bón thì chưa phù hợp và không có nước nào lại làm như vậy. Theo tôi, nếu 100 tên phân bón là quá ít nhưng nếu 100 loại phân bón thì quá nhiều.

Vấn đề ở đây chúng ta phải quản lý việc sản xuất phân bón đảm bảo chất lượng, tem, nhãn bao bì phân bón đúng tiêu chuẩn công bố, tránh tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng, gây thiệt hại cho nông dân.

Ở Việt Nam có các loại phân bón hữu cơ: phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, phân bón khoáng vi sinh, phân hữu cơ khoáng, phân khoáng hữu cơ; phân vô cơ: phân đa lượng: NPK, phân trung lượng…

* Thưa ông! Không chỉ sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây lãng phí mà ngay cả với phân bón chất lượng mà nông dân sử dụng không hợp lý cũng sẽ gây lãng phí, Cục Trồng trọt có giải pháp nào để giúp nông dân tránh được tình trạng này?

- Đối với việc sử dụng phân bón, về phía Cục Trồng trọt đã có các quy trình kỹ thuật hướng dẫn canh tác, hướng dẫn sử dụng phân bón, giống.

Thứ hai, phối hợp với các cơ quan liên quan cơ quan khuyến nông và các địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng hướng dẫn bà con nông dân các quy trình kỹ thuật canh tác trong đó có sử dụng phân bón hợp lý.

Chúng ta không thể đòi hỏi thói quen của nông dân có thể thay đổi một sớm một chiều được mà phải làm từng bước để nông dân thay đổi dần dần và họ sử dụng phân bón một cách phù hợp.

* Thưa ông! Việc lạm dụng phân bón không chỉ làm tăng giá thành sản phẩm nông sản và gây ảnh hưởng tới môi trường và chất lượng sản phẩm?

- Cây trồng thì phải cần phân bón thì mới phát triển được nhưng nếu sử dụng không hợp lý thì rõ ràng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Ví dụ, bón phân đạm quá nhiều, không đảm bảo thời gian cách ly thì đối với cây rau, hàm lượng Ni-tơ-rát trong rau sẽ cao- ảnh hưởng chất lượng. Sử dụng quá nhiều phân bón ngoài thiệt hại kinh tế (giá thành sản phẩm), ảnh hưởng môi trường, nó ảnh hưởng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như chất lượng sản phẩm.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Vĩnh Thái