Sổ tay

33 triệu người Việt bị hút thuốc thụ động

Cập nhật, 14:12, Thứ Tư, 08/03/2017 (GMT+7)

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), một nửa trong số những người thường xuyên hút thuốc lá, qua đời ở tuổi trung niên. Điều tra toàn cầu năm 2010 về sử dụng thuốc lá cho thấy Việt Nam là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới.

Tỷ lệ hút thuốc nam giới là hơn 47%, phụ nữ là 1,4%. 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc trong nhà (trong đó 2/3 là phụ nữ và trẻ em); 5 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít khói thuốc tại nơi làm việc.

Trong số 4 nguyên nhân gây tử vong cao ở nước ta thì thuốc lá đứng hàng thứ 2 sau HIV/AIDS. Việc sử dụng thuốc lá phổ biến là một nguyên nhân làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm một cách nhanh chóng.

Các bệnh như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ.

Hơn 75% các ca tử vong ở Việt Nam hàng năm là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó sử dụng thuốc lá là một nguyên nhân chính.

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không chống lại người hút thuốc, mà chỉ đưa ra các quy định để đảm bảo người hút thuốc cần hút đúng nơi quy định, nhằm bảo vệ những người không hút thuốc khỏi việc hút thuốc thụ động.

Các địa điểm cấm hút thuốc như trường học, bệnh viện, nơi làm việc, trên các phương tiện giao thông công cộng...

Chúng ta có khoảng 15 triệu người hút thuốc nhưng có hơn 75 triệu người không hút thuốc, vì vậy chúng ta cũng cần bảo vệ quyền của những người không hút thuốc được sống trong một bầu không khí trong lành không bị ô nhiễm bởi khói thuốc thụ động.

Nếu mỗi người không hút thuốc mạnh dạn nhắc nhở- chỉ một câu, khi gặp người hút thuốc không đúng nơi quy định thì chắc chắn rằng sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại Việt Nam.

MAI ANH