Cần mở rộng đối tượng đào tạo cao cấp lý luận chính trị

Cập nhật, 15:18, Thứ Năm, 16/03/2017 (GMT+7)

Ngày 16/3, Thường trực Tỉnh ủy phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (CTQG) tổ chức tọa đàm khoa học” Đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh tại Học viện CTQG Hồ Chí Minh từ 2006- 2016, định hướng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý đến năm 2030”.

Theo đó, giai đoạn từ 2006- 2016, Tỉnh ủy đã đưa đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị 1.399 đồng chí, trong đó đào tạo tại Học viện CTQG Hồ Chí Minh 19 đồng chí.

Việc đào tạo tại Học viện CTQG Hồ Chí Minh ít do tiêu chuẩn chức danh cán bộ và chức danh quy hoạch cán bộ quá cao (Tỉnh ủy viên, trưởng, phó các sở, ngành tỉnh, Bí thư, Phó Bí thư huyện, thị, thành phố…).

Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng, đa số cán bộ sau khi đào tạo đã nâng cao kiến thức, trình độ lý luận và vận dụng tốt trong quá trình công tác.

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng đào tạo thời gian tới, đại biểu đề nghị nên mở rộng đối tượng đào tạo cao cấp lý luận chính trị (Bí thư, Phó Bí thư cấp xã không có quy hoạch cấp ủy cấp trên; giảng viên  Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, Trường Chính trị tỉnh; phó, trưởng phòng, ban đoàn thể và tương đương từ huyện đến tỉnh); đề nghị không quy định tuổi đối với học tập trung; về nội dung, chương trình bài giảng nên giảm bớt lý luận, đi sâu thêm thực tiễn đang đặt ra cần phải giải quyết.

Ngoài ra, những địa phương có Trường Chính trị đảm bảo cơ sở vật chất tốt thì cho phép phối hợp mở các lớp cao cấp lý luận chính trị tại tỉnh (kể cả tại chức và tập trung).

Tin, ảnh: THANH TÂM