Thu nhập- tính chất sống còn của nông thôn mới

Cập nhật, 14:05, Thứ Tư, 12/10/2016 (GMT+7)

Tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những tiêu chí có tác động trực tiếp đến nhiều tiêu chí khác.

Thế nhưng, đây không chỉ là tiêu chí khó đạt, mà ngay cả khi đã đạt rồi thì việc giữ vững, nâng chất tiêu chí này cũng không hề dễ. Thu nhập bình quân đầu người ở xã NTM đòi hỏi phải tăng theo quy chuẩn hàng năm. Vậy giải pháp nào để nâng chất tiêu chí thu nhập?

Cây giống có giá trị kinh tế cao được nhiều nông dân xã NTM đưa về trồng để tăng thu nhập trong vài năm tới.
Cây giống có giá trị kinh tế cao được nhiều nông dân xã NTM đưa về trồng để tăng thu nhập trong vài năm tới.

Sản xuất nông nghiệp bất lợi

Tính đến giữa năm 2016, Vĩnh Long đã có 45/89 xã đạt tiêu chí thu nhập. Tuy nhiên, hiện hầu hết các xã trong tỉnh thuộc địa bàn nông thôn, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trong khi lĩnh vực nông nghiệp lần đầu tiên bị tăng trưởng âm.

Nguyên nhân có nhiều, nhưng trong đó tình hình thiên tai do hạn hán và bị nước mặn xâm nhập gây cho nông dân nhiều xã bị thất thu lớn không chỉ trước mắt mà còn trong nhiều năm nữa, như: Thanh Bình, Quới Thiện, Tích Thiện,…

Trồng màu nếu đầu ra ổn định thì thu nhập sẽ cao hơn so với trồng lúa. Tuy nhiên, thực tế điều làm nông dân không an tâm là giá cả nông sản luôn lên xuống thất thường.

Chính vì vậy, thu nhập của nông dân cũng không ổn định. Đó là chưa kể thu nhập của nông dân càng bị ảnh hưởng do diễn biến phức tạp của tình hình thiên tai, thời tiết bất lợi.

Nhiều nông dân bức xúc, vì từ trước tới nay thông thường cứ được mùa thì rớt giá. Nếu doanh nghiệp, Nhà nước hỗ trợ giải quyết cho đầu ra mạnh thì nông dân yên tâm, không hồi hộp mà cũng không sợ lỗ nữa.

Giải pháp tốt sẽ thành công

Theo quy chuẩn năm nay, để đạt tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM thì thu nhập bình quân đầu người phải đạt 33 triệu đồng/người, tăng 4 triệu so với năm 2015. Cho nên các địa phương đang có nhiều giải pháp để đạt tiêu chí thu nhập năm 2016 và những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Diên- Chủ tịch UBND huyện Mang Thít- cho biết, để đạt tiêu chí thu nhập, cấp ủy, chính quyền địa phương chúng tôi đang tập trung chỉ đạo cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú ý xây dựng các mô hình ở nông thôn gắn với điều kiện hiện có của người dân để chúng ta xây dựng mô hình có hiệu quả rồi nhân rộng.

Song song, phải có sự hợp tác, liên kết giữa các nhóm hộ, tổ hội trong các mô hình để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Việc nữa là tập trung cho giải pháp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nhưng phải đào tạo theo địa chỉ, sau đó cung ứng cho các công ty, xí nghiệp cần lao động.

Ông Lê Tiến Dũng- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tam Bình- đề ra giải pháp cho huyện như: nắm lại cơ cấu lao động trên địa bàn của từng xã để xét xem những lao động chưa có việc làm ổn định hoặc là những lao động có việc làm nhưng chưa thường xuyên và phải tính để các lao động này có việc làm chắc chắn.

Muốn có thu nhập tăng lên bằng cách phải tổ chức đào tạo nghề tạo việc làm, mở thêm các làng nghề, các ngành nghề dịch vụ tiểu thủ công nghiệp. Để ngoài lao động nông nghiệp chính ra, số lao động nhàn rỗi còn lại phải có việc làm, phải có thu nhập khá hơn.

Ông Nguyễn Thanh Triều- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trà Ôn- cũng cho biết những tính toán của huyện là sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm tăng năng suất, tăng giá trị để góp phần tăng thu nhập cho người dân.

BCĐ huyện, các xã rà soát lại tiêu chí về hộ nghèo để tập trung giải quyết giảm tỷ lệ hộ nghèo thông qua giải quyết việc làm.

Ông Đặng Văn Chính- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bình Tân- chia sẻ, Bình Tân có những lợi thế tốt hơn so với các huyện khác về phát triển nông nghiệp.

Là vùng đất mới khá thuận lợi cho phát triển chuyên canh các loại cây màu có giá trị kinh tế cao như khoai lang, hành lá, mè,…

Các phụ phẩm từ khoai lang người dân cũng tận dụng để phát triển chăn nuôi. Nuôi cá tra công nghiệp ven bờ sông Hậu cũng phát triển tốt trong những năm gần đây.

Ông cũng không giấu cách chỉ đạo của huyện triển khai vận động nông dân trồng các loại màu rải vụ để luôn giữ được giá đầu ra khá cao và ổn định, mang lại thu nhập khá cho nông dân.

Hiện nay, giá trị sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi của tỉnh đã đạt 160 triệu đồng/ha, tăng gần 59 triệu đồng/ha so với cách đây năm 5.

Đồng thời, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm đều tăng, ở khu vực nông thôn đã đạt hơn 26 triệu đồng/năm.

Thế nhưng nếu so với mức quy định thu nhập bình quân đầu người ở xã NTM thì vẫn còn thấp hơn gần 7 triệu đồng.

Đây là vấn đề mà các ngành, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn, nhất là các xã điểm trong xây dựng NTM, để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016- 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: Một số nơi vẫn chưa quan tâm đến sản xuất và đời sống nhân dân, phải làm gì để đời sống nhân dân tốt hơn, chứ không phải chỉ lo phát triển hạ tầng.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Xây dựng NTM phải kiên trì, kiên nhẫn; NTM là để kéo giảm khoảng cách giữa đô thị và nông thôn. Phải hiểu bản chất của NTM là để nâng cao mức sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn; NTM phải có kết cấu hạ tầng tốt, có cơ cấu kinh tế phù hợp, có tổ chức sản xuất hợp lý, xây dựng cuộc sống của người dân tốt hơn, dân chủ tốt hơn, xã hội tốt hơn, giữ vững bản sắc văn hóa, đảm bảo môi trường và đặc biệt là đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn”.

Được sự quan tâm của BCĐ xây dựng NTM các cấp, dù còn nhiều khó khăn nhưng người dân nông thôn, nhất là các xã điểm xây dựng NTM vẫn đặt niềm tin đạt tiêu chí về thu nhập từng năm, tạo động lực mới cho mục tiêu 50% xã NTM vào năm 2020.

Phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “NTM phải là nông thôn kiểu mẫu gắn với đô thị hóa, như đô thị xanh, đô thị sạch, đảm bảo môi trường,… NTM phải là nông thôn khát vọng khởi nghiệp, thu hút các nguồn lực phát triển bền vững. NTM phải là nông thôn của thế hệ nông dân trí thức, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo,…”. “Muốn công nghiệp hóa thành công phải xây dựng NTM thành công. Các cấp, các ngành chung sức chung lòng thì xây dựng NTM thành công”.

Bài, ảnh: TRẦN ÚT