Câu chuyện nông thôn

Hội chứng mì cay

Cập nhật, 13:40, Thứ Tư, 19/10/2016 (GMT+7)

Gọi là hội chứng, biến chứng hay gì gì đó cũng chưa “trúng” với cái bản chất của hiện tượng lớp trẻ nhỏ đua nhau mê đồ ăn ngoại, xem như một trào lưu sành điệu “nửa mùa”.

Cái hội chứng này xâm nhập tràn lan khắp thành thị, giờ lại đang mò về tận vùng nông thôn, Hai Lúa tui cảm thấy có nhiều suy nghĩ hổng vui chút nào.

Ăn uống là văn hóa, chuyện giao lưu trong thời buổi hội nhập này. Cho nên, ăn mì cay, ăn sushi, uống sake hay nhai gà rán, ngoạm bánh mì kẹp thịt... là chuyện rất bình thường, nhưng ăn uống đến mức độ sùng bái, mê mẩn cái văn hóa xứ người lại là chuyện rất không bình thường.

Cũng có thể người già ở quê như Hai Lúa tui nhiều khi theo hổng kịp tụi trẻ mà đâm ra lẩm cẩm chăng?

Nhớ mấy lần nhà có khách miền Bắc, miền Trung vào chơi, Hai Lúa tui luôn chăm chút nồi mắm kho miền Tây đãi khách. Khách sành ăn mà vẫn thấy họ xuýt xoa đắm đuối cái hương vị mắm nhà quê của mình, nên cũng mừng trong bụng.

Nhưng khi khách hỏi: “Mắm kho ngon vậy sao không thấy quán bán lẩu mắm, có phải người miền Tây giờ ít ăn mắm rồi không, tại sao vậy?” Hai Lúa tui cảm thấy bối rối hổng biết giải thích thế nào đây.

Phải chăng những món ăn quê mình giờ đây đã bị “hụt hơi” trong cuộc cạnh tranh với các món Hàn, món Nhật rồi chăng?

Thiển nghĩ “còn khuya” những món ăn đậm đà phong vị xứ mình mới... đi vào quên lãng. Bằng chứng là chúng quá hấp dẫn với người xứ khác, quá quyến rũ với người nước ngoài sành ăn, thì chắc rằng nó sẽ mãi tồn tại trong văn hóa ẩm thực nước mình.

Chỉ có điều là cần phải nhắc nhở trẻ nhỏ đừng quá mê các loại ẩm thực thời thượng, ngồi máy lạnh ăn bánh mì kẹp thịt, thức ăn nhanh, gà rán, mì cay,... cho rằng mình sành điệu mà bỏ qua cái văn hóa ẩm thực tinh tế, quốc hồn quốc túy xứ mình.

Ăn uống chính là cái bản sắc nhất, cái văn hóa “người” nhất trong đời sống của mỗi người, mỗi vùng miền, mỗi quốc gia. Nó là câu chuyện gốc rễ, chớ không phải là chuyện nhỏ. Hai Lúa tui nghĩ vậy đó!

Hailua@.com