Nỗi lo sạt lở bờ sông

Cập nhật, 09:41, Thứ Tư, 07/09/2016 (GMT+7)

Trong phiên họp lệ thường kỳ tháng 8 vừa qua, ông Trần Văn Dũng- Chủ tịch UBND huyện Tam Bình đã yêu cầu các phòng ban tăng cường công tác phòng chống thiên tai, bảo vệ các công trình thủy lợi, chống sạt lở trước mùa lũ sắp tới.

Đoạn đê lở ở ấp Bình An làm mất một khúc đường giao thông.
Đoạn đê lở ở ấp Bình An làm mất một khúc đường giao thông.

Điệp khúc “mưa là lở”

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Tam Bình, đầu mùa mưa đến nay huyện đã có nhiều điểm sạt lở. Trong đó, có những điểm sạt lở mới và nặng nề, đặc biệt là ở 2 xã Loan Mỹ và Bình Ninh.

Phó Chủ tịch UBND xã Loan Mỹ là ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết: Sạt lở là chuyện năm nào cũng có nhưng năm nay sẽ khó khăn hơn vì mới đầu tháng 7 âm lịch xã đã có hơn 220m đê bao bị lở: “Trong đó, có những đoạn muốn mất luôn đê, may là chưa có thiệt hại tài sản”.

Theo chân cán bộ nông dân xã Loan Mỹ, chúng tôi chạy vòng quanh các đê bao của xã. Bờ đê ấp Đại Nghĩa nằm quanh co bên bờ sông Loan Mỹ che chắn cho những vườn cam, măng cụt và bòn bon xanh um.

Ngay cổng ấp Đại Nghĩa, đê lở sâu 2m, dài khoảng 20m, hở hàm ếch, buộc chúng tôi phải chạy đường vòng hình chữ U hàng trăm mét trong đất vườn.

Chú Nguyễn Văn Tuấn có nhà gần điểm sạt lở cho biết: “Khoảng 2 tháng trước, đoạn đê chỗ này đổ sập xuống sông, mà trước đó chỉ có cái đường kiến bò nhỏ xíu hà”. Theo chú Tuấn đoán thì đoạn đê này lở là do dòng chảy ngay đoạn cua mạnh. Chú thở dài: “Mới đầu mùa mưa đã lở rồi, chúng tôi lo là còn con nước tháng 9, tháng 10 về sẽ lở nữa, tiêu luôn vườn cây ăn trái và ao cá”.

Cách đoạn lở đầu tiên hơn 200m lại là một đoạn đê khoảng 30m “nằm luôn xuống sông” chỉ còn cái bờ đê bề ngang chừng 1m. Đoạn đường này là đường đất, hôm chúng tôi đi trời nắng đã khó chạy, mưa sẽ càng trơn trợt.

Chị Huỳnh Thị Tám có nhà sát đoạn đê bị lở nói: “Hơn 1 tháng trước ngay ban ngày, tôi nghe đùng một cái thì chạy ra đã thấy nguyên đoạn đê nhào xuống sông hết”. Nói rồi, chị Tám chỉ mấy bụi cỏ voi dưới sông: “Đó, bứng vô cỡ 3m đất, dài mấy chục mét à”.

Tại xã Bình Ninh thì câu chuyện sạt lở- nói như ông Phan Thanh Sang- Phó Chủ tịch UBND xã là “vài bữa rớt cái đùng một khúc 5- 7m”.

Nặng nhất là ở ấp Bình An, cả con đường đan của ấp giữa khuya bỗng rơi xuống sông, ngang khoảng 4m, dài 40m. Bên cạnh những tấm đan lớn còn nằm chênh vênh nửa trên nửa dưới là những lằn nứt nhỏ, ông Sang nói thêm: “Cái này là còn ăn vô sâu nữa”.

May mắn là các điểm sạt lở chưa ảnh hưởng tài sản nhưng bà con ở các khu vực này đều rất hoang mang vì mùa lũ về thì sẽ còn lở, còn ngập. Sạt lở đê bao sẽ ảnh hưởng tới năng suất lúa, cây trồng và vật nuôi, đời sống sinh hoạt của mọi người.

Lở đê ở ấp Đại Nghĩa, bà con lo cho vườn cây ao cá.
Lở đê ở ấp Đại Nghĩa, bà con lo cho vườn cây ao cá.

Gia cố đê bao trước mùa nước lũ

Nhiều hộ dân quanh đê lở cho biết họ đã trồng cây giữ mé, trồng cỏ nuôi bò, cặm tre, tràm… nhưng vẫn lở. Tuy nhiên, sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng đã kịp thời ngăn chặn thiệt hại về người và của.

Chị Phan Thị Thuận có nhà cạnh đoạn đê lở ấp Bình An cho biết: “Đê sụp lúc 11 giờ khuya thì cỡ 12 giờ khuya xã đã có mặt để làm biển báo chắn cho người dân biết”. Ông Phan Thanh Sang nói: “Vì đoạn đê này cũng là đường giao thông trong ấp, nếu không làm biển báo, không mở đèn, khuya bà con đi chợ sẽ rất nguy hiểm”.

Hiện tại, con đường giao thông trong ấp chuyển sang chạy vòng trước sân nhà bà Chung Thị Giàu. Tuy nhiên, chị Thuận cũng như nhiều hộ dân ở khu vực này rất lo cho vườn cây, ruộng lúa của mình vì những “vết kiến bò” kia đang ăn sâu vào trong, cho thấy nguy cơ sạt lở vẫn còn.

Chị Huỳnh Thị Tám cũng băn khoăn: “Chỉ mong Nhà nước làm nhanh nhanh trước con nước tháng 9 tới, để nông dân tụi tui yên tâm sản xuất, đi lại. Nói rồi chị Tám chỉ đoạn đê nhỏ xíu: “Chỗ này nè, hễ mưa là dân mình đi ngang té sông hoài hà”.

Đoạn đê kinh 19 Tháng 5 vừa được xã Bình Ninh và bà con gia cố.
Đoạn đê kinh 19 Tháng 5 vừa được xã Bình Ninh và bà con gia cố.

Những đoạn đê bao sạt lở cục bộ như đoạn kinh 19 Tháng 5 và các khu vực nhỏ lẻ khác xã Bình Ninh vận động bà con cùng làm và đã gia cố xong. Riêng những đoạn sạt lở nhiều thì địa phương đã báo về huyện và đã đề ra phương án giải quyết.

Ông Sang cho biết: “Như đoạn ở ấp Bình An này, dự kiến dùng tre và dừa gia cố xung quanh rồi xáng dây cạp đất giữa sông đắp vào. Nghe thì đơn giản vậy nhưng kinh phí hơn trăm triệu đồng”.

Ông Nguyễn Quốc Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Loan Mỹ cho biết hướng giải quyết đoạn đê ấp Đại Nghĩa: “Đối với những đoạn lở sâu như vầy rất khó, chúng tôi đã tổ chức họp dân và xin ý kiến các hộ bỏ đê cũ làm đê mới, tức là dời đê vô khoảng 7m”.

Vấn đề đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai đã và đang được UBND huyện Tam Bình quan tâm triển khai các công tác đối phó, phòng chống. Tin rằng, với sự vào cuộc kịp thời của chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân sản xuất nông nghiệp sẽ được đảm bảo an toàn.

 

 

Ông Trần Văn Dũng- Chủ tịch UBND huyện Tam Bình cho biết 4 tháng cuối năm, huyện tập trung vào các nhiệm vụ cơ bản: Trước hết phải bảo vệ tốt hệ thống đê, bờ bao cống đập trong vấn đề sản xuất, nhất là bảo vệ lúa Thu Đông, các vườn cây ăn trái. Đảm bảo an toàn tính mạng tài sản của dân, hạn chế tối thiểu ảnh hưởng thiên tai. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thủy lợi chống lũ đảm bảo phục vụ tốt giao thông và bảo vệ mùa màng, thực hiện tốt chuẩn bị cứu hộ cứu nạn nếu có xảy ra.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN