Thời tiết ngày càng cực đoan, khốc liệt

Cập nhật, 12:57, Thứ Sáu, 01/07/2016 (GMT+7)

Hiện tượng El Nino năm nay được ghi nhận là mạnh nhất trong lịch sử. Và sau El Nino có thể sẽ xảy ra La Nina- một kiểu thời tiết được cảnh báo với sự xuất hiện của những cơn bão mạnh, gây hậu nặng nề.

Mặc dù chỉ đầu mùa mưa nhưng lốc xoáy đã làm hư hại trên 100 căn nhà trong toàn tỉnh. Người dân xã Lộc Hòa (Long Hồ) gia cố lại nhà sau lốc xoáy.
Mặc dù chỉ đầu mùa mưa nhưng lốc xoáy đã làm hư hại trên 100 căn nhà trong toàn tỉnh. Người dân xã Lộc Hòa (Long Hồ) gia cố lại nhà sau lốc xoáy.

Hết El Nino tới La Nina

Cả El Nino và La Nina đều là hiện tượng tuần hoàn tự nhiên của thời tiết, không phải là sản phẩm của biến đổi khí hậu.

Chúng là một phần của hiện tượng giao động phương Nam (El Nino- Southern Oscillation- ENSO), một xu hướng thời tiết bị ảnh hưởng bởi các biến động của nhiệt độ bề mặt nước biển và các khuynh hướng áp suất không khí trong và xung quanh khu vực xích đạo Thái Bình Dương.

Chu kỳ ấm của ENSO được gọi là El Nino và chu kỳ lạnh mang lại hiện tượng La Nina. Theo ghi nhận thì La Nina đã xảy ra ngay sau 11 trong số 15 đợt El Nino trong quá khứ.

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, khả năng El Nino trở về trạng thái trung tính vào tháng 7, tháng 8/2016 và La Nina sẽ đến vào những tháng cuối năm 2016 với xác suất của dự báo này khoảng 52- 57%.

Theo đó, khả năng kiểu thời tiết La Nina sẽ xuất hiện vào các tháng 10, 11 và 12/2016, thậm chí có thể diễn biến nhanh hơn, đến sớm hơn, rơi vào tháng 9/2016.

Kiểu thời tiết La Nina diễn ra thì cần đặc biệt lưu ý và hết sức đề phòng là số lượng cơn bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện nhiều hơn, thậm chí có những cơn bão mạnh, trái quy luật, khó lường trước được những hậu quả.

Cơn bão số 5 với tên quốc tế là Linda đã gây thiệt hại và tang tóc cho hàng ngàn gia đình. Cơn bão này với diễn biến hết sức dị thường, hình thành ngay trên Nam biển Đông, mạnh lên và di chuyển với tốc độ nhanh ít thấy, chỉ trong vòng 48 giờ đã đổ bộ vào Cà Mau với cường độ ngày càng mạnh lên (trái với những cơn bão khác vào cuối mùa thường suy yếu khi vào gần bờ).

Cơn bão này xuất hiện sau thời kỳ El Nino mạnh kỷ lục và ngay sau đó một La Nina mạnh, kéo dài được ghi nhận).

Bão và áp thấp nhiệt đới sẽ tăng

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo, năm nay số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông có từ 10- 12 cơn. Trong đó có khoảng 5- 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.

Con số dự báo này gần gấp đôi so với số cơn bão và áp thấp nhiệt đới được ghi nhận thực tế trong 2 năm 2014- 2015 (mỗi năm chỉ có 7 cơn, bao gồm 5 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới).

Cần đề phòng những cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động vào các tháng cuối mùa (tháng 10, 11 và 12) sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Nam Trung Bộ- Nam Bộ.

Một điểm cần lưu ý là với dự báo năm nay đưa ra ngay từ tháng 10, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Nam Bộ, trong khi nhiều năm trước đây chỉ chịu ảnh hưởng vào cuối mùa bão (tháng 11 và 12).

Điều này khiến nhiều người nghĩ nhiều hơn đến những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.

Trước những dự báo về tình hình diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp khó lường, vừa qua Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã kiểm tra công tác này tại một số địa phương.

Mặc dù chỉ mới đầu mùa mưa nhưng giông, lốc xoáy đã xảy ra nhiều nơi. Thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thời gian gần đây giông, lốc xoáy đã làm hư hại trên 100 căn nhà tại hầu hết các địa phương.

Một con số không nhỏ khi mà mùa mưa bắt đầu chưa lâu. Một con số khác cũng đáng quan tâm khi toàn tỉnh hiện còn hơn 2.000 căn nhà không đảm bảo an toàn cần được chằng chống.

Thời gian qua, tình trạng sạt lở bờ sông đã xảy ra nhiều nơi như Trà Ôn, Mang Thít. Đặc biệt có nơi sạt lở nhiều đoạn gần nhau, xâm thực sâu vào đất liền.

Qua kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai tại một số địa phương, ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh- chỉ đạo các địa phương rà soát công trình thủy lợi, đê bao xung yếu ứng phó sạt lở, bảo vệ sản xuất và dân sinh.

Việc chằng chống nhà cần được chú trọng hơn nữa, ngành chuyên môn cần hướng dẫn người dân kỹ thuật chằng chống để giảm nhẹ thiệt hại khi có bão. Bên cạnh, địa phương cũng cần đánh giá đúng tình trạng cũng như mức độ an toàn để có giải pháp hỗ trợ người dân chằng chống hiệu quả hơn.

Ngoài ra, trong mùa mưa bão cần đảm bảo an toàn tại các bến đò khách ngang sông nhất là vấn đề tải trọng, phao cứu sinh,… bởi một khi sự cố xảy ra thì tính mạng của người dân bị đe dọa trực tiếp, hậu quả sẽ rất nặng nề.

Bài, ảnh: LÊ SƠN