Đồng bằng "khát"!

Cập nhật, 06:59, Thứ Sáu, 15/07/2016 (GMT+7)

Lâu nay, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của ĐBSCL đã được nhận diện. Nói về ĐBSCL, người ta thường dẫn ra những đóng góp như: trên 60% tổng sản lượng lương thực (hơn 90% cho xuất khẩu); cung cấp khoảng 70% lượng trái cây, trên 40% sản lượng thủy sản đánh bắt và trên 74,6% sản lượng thủy sản nuôi trồng của cả nước.

Thế nhưng tôm, lúa, mía, cây ăn trái- cả 4 mặt hàng sản xuất nông nghiệp chủ lực của ĐBSCL- đã bị thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng trong đợt hạn, mặn vừa qua để lại cho hàng trăm ngàn hộ dân những khó khăn mà khó thể khắc phục trong ngày một, ngày hai.

Câu chuyện đầu tư đúng mức cho ĐBSCL một lần nữa được bàn luận nhân diễn đàn MDEC- Hậu Giang 2016.

Theo ước tính, nguồn vốn của các tổ chức tín dụng trên vùng ĐBSCL chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu vốn, đặc biệt là nhu cầu vốn trung và dài hạn lớn và thường xuyên đang là áp lực lớn cho các doanh nghiệp (DN) khi thực hiện các dự án đầu tư tại ĐBSCL.

Về đầu tư vốn của hệ thống ngân hàng đối với ĐBSCL, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay dư nợ cho vay tại ĐBSCL gần 400.000 tỷ đồng, trong khi huy động vốn tại địa phương chỉ hơn 300.000 tỷ đồng.

Điều này được Bộ Nông nghiệp-PTNT lên tiếng là nhiều DN ở ĐBSCL- nhất là ngành hàng lúa gạo- chưa có đủ điều kiện về vốn để đầu tư ứng trước cho nông dân cũng như tổ chức hệ thống thu mua nên vẫn dựa vào thương lái. Tựu trung là cả DN và nông dân ở vùng đều thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất.

Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL- Hậu Giang 2016, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh- Phó trưởng BCĐ MDEC- Hậu Giang 2016- cho rằng, khó tiếp cận vốn vẫn là một trong những vấn đề nan giải nhất đối với địa phương và các DN vùng ĐBSCL trong quá trình đáp ứng tiêu chuẩn từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Lâu nay, chuyện ĐBSCL thiếu vốn sản xuất được nói nhiều, sau đợt hạn mặn hồi đầu năm thì càng “khát vốn”. Hy vọng từ Diễn đàn MDEC- Hậu Giang 2016, “vấn đề nan giải nhất” của ĐBSCL sẽ được giải tỏa. 

HOÀNG HÀ