ĐBSCL ứng phó hạn, mặn- không thể làm riêng lẻ

Cập nhật, 06:29, Thứ Bảy, 16/07/2016 (GMT+7)

Liên kết được xem là giải pháp mang tính cấp bách vừa được đa số đại biểu, nhà khoa học đề xuất tại hội thảo “Các giải pháp kiểm soát mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh”. 

Đây là một hội thảo thu hút sự chú ý đặc biệt với các nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương cũng như giới truyền thông tại MDEC- Hậu Giang 2016.

Nhiều nhà khoa học cho rằng sản xuất lúa ở ĐBSCL hiện đang rất lãng phí tài nguyên nước.
Nhiều nhà khoa học cho rằng sản xuất lúa ở ĐBSCL hiện đang rất lãng phí tài nguyên nước.

Còn lúng túng

Đợt hạn, mặn năm 2016 được xem là trận hạn, mặn khốc liệt nhất lịch sử ĐBSCL trong vòng 100 năm qua.

Trong đó, nguồn nước nhiễm mặn đã xâm nhập đến hầu hết các khu vực trồng cây ăn trái tập trung tại các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng,... với hơn 9.400ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau.

Ngoài ra, toàn vùng đã có khoảng 208.000ha lúa bị thiệt hại, trong đó 60% bị thiệt hại nặng và nhiều vùng bị mất trắng; hơn 2.000ha thủy sản bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, trên thượng nguồn sông Mekong, thuộc lãnh thổ Trung Quốc đã hoàn thành và đưa vào vận hành 6 đập thủy điện từ năm 2010 và 2013, đã gây ra những tác động lớn đến cả chế độ dòng chảy và phù sa bùn cát về phía hạ lưu, trong đó có ĐBSCL.

“Tổng lượng phù sa tới vùng hạ lưu vực sông Mekong trước khi có đập là khoảng 85 triệu tấn/năm, nhưng nay đã giảm tới 78% và chỉ còn khoảng 10,4 triệu tấn/năm”- bà Nguyễn Thu Phương- Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên- Môi trường) thông tin.

Trước thiệt hại nặng nề do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra, thời gian qua, các địa phương của vùng ĐBSCL đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó và bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà khoa học, trong quá trình thực hiện các giải pháp vẫn còn tồn tại những bất cập, nhất là giải pháp công trình và phi công trình hiện hữu.

Bởi nhìn tổng thể toàn vùng, hiện vẫn chưa có công trình mang tính liên kết vùng, mỗi địa phương đều có cách làm riêng, nơi cần ngọt, nơi lại cần mặn nên rất khó trong quá trình kiểm soát, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất hiệu quả.

Ngoài bất cập trong việc thực hiện các công trình, theo ý kiến của nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL, một trong những nguyên nhân không kém phần quan trọng dẫn đến tình hình thiệt hại do nước mặn là phần lớn bà con chưa bắt kịp tình hình nước mặn xâm nhập sớm và nồng độ mặn cao như năm nay.

Bên cạnh đó, hầu hết nông dân không có trang bị thiết bị đo nồng độ mặn chính xác trong nước dẫn đến việc sử dụng nguồn nước có nồng độ mặn cao để tưới cho cây trồng. Song song đó, tình trạng sản xuất không theo lịch thời vụ cũng khiến cho công tác ứng phó khó khăn hơn.

Hạn, mặn ảnh hưởng lớn đến sinh kế người dân.
Hạn, mặn ảnh hưởng lớn đến sinh kế người dân.

Ở góc nhìn của một nhà nghiên cứu tâm huyết và thẳng thắn, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, cho rằng năm 2016 sản xuất nông lâm thủy sản Việt Nam lần đầu tiên phát triển âm, trong đó có nguyên nhân là hạn hán, xâm nhập mặn. Mà những ách tắc trong ứng phó hiện nay, theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân là do sự chồng chéo về quy hoạch và trong quản lý nhà nước.

“Vấn đề không phải ở chỗ nhiều hay ít quy hoạch, mà là sự hài hòa, khớp với nhau giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội với các quy hoạch ngành ở mỗi cấp, và giữa các cấp.

Tiếp đến, sự chồng chéo trong quản lý tài nguyên nước trong cơ chế hiện nay giữa các bộ ngành ở Trung ương, giữa Trung ương và các địa phương, và giữa các địa phương. ĐBSCL trong khi thừa chồng chéo thì rất thiếu sự liên kết giữa các tỉnh.

Sự chồng chéo ở nhiều tầng nấc, trong chức năng, trong quy hoạch, đặc biệt trong lĩnh vực tài nguyên nước, khiến cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) manh mún, hiệu quả thấp, thậm chí bị vô hiệu hóa. Tháo gỡ các chồng chéo là một điều kiện tiên quyết để ứng phó với BĐKH có hiệu quả”- GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân nhận định.

Cần giải pháp căn cơ

Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ Nông nghiệp- PTNT) đưa ra các giải pháp cấp nước, kiểm soát mặn, triều cường và lũ cụ thể ở 5 vùng thuộc Đông Nam Bộ và ĐBSCL.

Trong đó, giải pháp tổng thể mang tính liên kết vùng là tiếp tục đầu tư, xây dựng các công trình thủy lợi ít bị ảnh hưởng do BĐKH và nước biển dâng; xây dựng và nâng cấp các cụm tuyến dân cư và bảo vệ các thị trấn, thị xã, thành phố trong vùng ngập do lũ và nước biển dâng; củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang gắn với tuyến đê biển vùng ĐBSCL với đường giao thông ven biển.

Năm 2016 được xem là trận hạn, mặn khốc liệt nhất lịch sử ĐBSCL trong vòng 100 năm qua.
Năm 2016 được xem là trận hạn, mặn khốc liệt nhất lịch sử ĐBSCL trong vòng 100 năm qua.

Đồng thời kết hợp chặt chẽ các công trình thủy lợi, giao thông, dân cư trong tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng chung nhằm đạt được hiệu quả cao trong đầu tư; xem xét các tuyến giao thông nông thôn khi xây dựng mô hình nông thôn mới trong vùng ngập lũ; nâng cấp và xây dựng mới tuyến đê sông đảm bảo yêu cầu thiết kế; hạn chế lũ tràn từ biên giới vào vùng ĐBSCL bằng hướng thoát lũ ra biển Tây (vùng tứ giác Long Xuyên), sang sông Vàm Cỏ và qua sông Tiền (vùng Đồng Tháp Mười).

Ngoài quy hoạch của Viện Quy hoạch thủy lợi, nhiều nhà khoa học đã đưa ra các giải pháp kiểm soát nước mặn mang tính căn cơ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Hoàng Văn Thắng

Những thách thức của vùng ĐBSCL là rất to lớn, trong đó có vấn đề BĐKH, nước biển dâng và sử dụng quá mức tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, cần có những việc làm thiết thực để ứng phó hiệu quả. Trước hết là cần có thể chế cho ĐBSCL phát triển, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, phục hồi và bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ ven biển. Đổi mới mô hình tăng trưởng, sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, phát huy thế mạnh của từng vùng…

GS, TSKH Nguyễn Ngọc Trân cho biết: Để ứng phó với BĐKH ở vùng ĐBSCL cần phải xây dựng một cơ chế sử dụng nguồn nước chung của 6 nước trong lưu vực sông Mekong với tinh thần hợp tác cùng phát triển; các bộ, Ủy ban Mekong Việt Nam, cùng các nhà khoa học phải phát hiện, theo dõi, đánh giá tác động của các dự án khai thác nguồn nước ở thượng nguồn; tiến hành rà soát lại quy hoạch tổng thể bằng cách tiết kiệm nước ngọt, chung sống với hạn, mặn, khai thác nước lợ và nước mặn như một tài nguyên; chú trọng vấn đề đổi mới thể chế và xác định cơ chế phối hợp; tập trung liên kết chuỗi, liên kết vùng, phát triển kinh tế vùng, tái cơ cấu nông nghiệp.

Còn PGS, TS Trịnh Công Vấn- Viện trưởng Viện Đổi mới công nghệ thủy lợi Mekong, cho rằng: Công tác nạo vét kinh, rạch ở ĐBSCL là rất quan trọng nhằm duy trì sự phát triển châu thổ một cách bền vững.

Trong bối cảnh hiện nay, việc nạo vét kinh rạch ở khu vực này càng trở nên cần thiết và luôn là sự đầu tư không hối tiếc.

Vì vậy, kiến nghị Bộ Nông nghiệp- PTNT xây dựng một đề án (hay chương trình) để Chính phủ phê duyệt nhằm quản lý vận hành duy tu hệ thống kinh, rạch ở ĐBSCL, trong đó xây dựng một chương trình dài hạn cho công tác nạo vét.

Viện Cây ăn quả miền Nam đề xuất cần bố trí thêm nhiều hồ chứa nước, kinh mương tưới, hệ thống dẫn nước. Các vườn cây, trang trại lập thêm các hồ chứa nước mưa quy mô vừa và nhỏ để dự trữ nước cho nhu cầu tưới.

Bên cạnh đó, nghiên cứu chọn tạo giống gốc ghép và giống thương mại có khả năng chống chịu với điều kiện hạn, mặn, thích ứng với BĐKH.

Xây dựng các mô hình thích ứng với điều kiện bất lợi của môi trường nhằm ứng phó với tác động của BĐKH. Nghiên cứu tác động của BĐKH đến môi trường và sự phát sinh, phát triển sâu bệnh hại trên cây ăn quả và xây dựng quy trình quản lý tổng hợp hiệu quả.

GS. TSKH Nguyễn Ngọc Trân- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước

Nằm ở tận cùng của lưu vực, những biến đổi nhanh chóng của BĐKH và việc sử dụng nguồn nước sông Mekong từ thượng nguồn buộc chúng ta phải thường xuyên cập nhật nhận thức về những thách thức đối với ĐBSCL dưới tác động kép của BĐKH và sử dụng nguồn nước.

Nguồn nước sông Mekong phải được xem là tài sản chung của tất cả các quốc gia trong lưu vực là nhận thức cơ bản và cần thiết. Nhận thức về sự khan hiếm nước ngọt đã được dự báo và các tình huống cực đoan có thể sẽ xảy ra nhiều hơn, với cường độ mạnh hơn.

Từ đó quản lý tốt nguồn nước sông Mekong là một yêu cầu bắt buộc để giảm thiểu các tác hại.

Đối với các quốc gia trong lưu vực, đặc biệt ở châu thổ, sử dụng tiết kiệm với hiệu quả cao nguồn nước ngọt trong sản xuất nông nghiệp là một thay đổi cơ bản trong nhận thức cần có.

Cùng với đó, việc chung sống với nước mặn, xem nước mặn và lợ là một dạng tài nguyên cần được khai thác là một sự thay đổi cần thiết trong nhận thức để phát triển bền vững.

Bên cạnh các công trình “cứng” 1 công năng thì cần có những công trình “mềm” có thể thay đổi công năng.

Trước khi quyết định xây dựng 1 công trình cần trả lời các câu hỏi: xây dựng ở đâu, lúc nào, hiệu quả kinh tế- xã hội và tác động đến môi trường ra sao? ĐBSCL là một hệ thống, các tiểu vùng không thể ứng phó riêng lẻ.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- LÊ SƠN