Đau đầu vì... nợ thuế

Cập nhật, 10:35, Thứ Tư, 20/07/2016 (GMT+7)

6 tháng qua, số nợ đọng thuế trên cả nước chiếm khoảng 7,5% số thu ngân sách. Phần chậm nộp chủ yếu ở các doanh nghiệp phá sản, giải thể, ước khoảng 20.000 tỷ.

“Những địa phương có số nợ đọng cao hơn mức bình quân cần phải nghiêm túc xem xét để có những giải pháp phù hợp. 

Đồng thời Tổng cục Thuế thực hiện kiểm tra nội bộ và thanh tra công tác nợ thuế của những đơn vị có dấu hiệu bất bình thường, hỗ trợ để kéo lại mức nợ bình thường.”- Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến sơ kết ngành thuế 6 tháng đầu năm 2016, đồng thời yêu cầu 6 tháng cuối năm ngành thuế coi việc chống thất thu, chống chuyển giá là nhiệm vụ trọng tâm.

Kinh tế còn nhiều khó khăn ảnh hưởng không nhỏ cho sản xuất kinh doanh và thu ngân sách.
Kinh tế còn nhiều khó khăn ảnh hưởng không nhỏ cho sản xuất kinh doanh và thu ngân sách.

Tỷ lệ nợ đọng thuế còn cao

Theo Tổng cục Thuế, tính đến tháng 5, tổng số tiền thuế nợ 63 cục thuế cả nước đã thu hồi được 20.052 tỷ đồng tiền thuế nợ của năm 2015 chuyển sang, tăng 17,9% so cùng kỳ, nhưng mới đạt 37,7% chỉ tiêu thu nợ năm 2016.

Có 36/63 địa phương thu đạt khá trên 42%, như: Kiên Giang 83%, Hà Tĩnh 80,1%, Thái Nguyên 78,3%, Sóc Trăng 70,3%,...

Tuy nhiên, tổng nợ đọng thuế vẫn duy trì ở ngưỡng 75.000 tỷ đồng, không ít địa phương có số nợ thuế tăng trên 20% so với cuối năm ngoái. So với dự toán thu ngân sách, nhiều tỉnh- thành cũng đang để tình trạng nợ đọng thuế chiếm tới hơn 20% tổng thu.

Có khoảng 19 địa phương có tỷ lệ nợ đọng thuế cao hơn 7,5% thu ngân sách và tổng số nợ thuế tăng trên 20% so với cuối năm 2015 (bất bình thường) như: An Giang, Bến Tre, Bình Dương, Bình Thuận, Cao Bằng, Điện Biên, Đà Nẵng,...

Hiện có 9 cục thuế có số nợ đọng thuế chiếm hơn 20% nhiệm vụ thu ngân sách năm nay như: Bạc Liêu, Bắc Kạn, Bình Phước, Cao Bằng, Điện Biên,...

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, đánh giá công tác thu hồi nợ đọng có kết quả ban đầu, nhưng việc tỷ lệ nợ đọng thuế đang chiếm khoảng 7,5% dự toán là tương đối cao.

Cục thuế một số địa phương đề xuất Tổng cục Thuế cần rà soát, đôn đốc kiểm tra những khoản lợi nhuận sau thuế của các tập đoàn, tổng công ty.

Trên cơ sở đó mới có số liệu chính xác phục vụ công tác quản lý thuế, đồng thời có giải pháp kết nối thông tin giữa các bộ ngành để luân chuyển hồ sơ, tạo sự thuận lợi cho công tác quản lý, cho cả người dân và doanh nghiệp.

Kiểm tra dấu hiệu bất thường

Trong 6 tháng cuối năm, kinh tế dự báo còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ giá dầu giảm, thời tiết không thuận lợi cho sản xuất kinh doanh nhất là nông nghiệp, thu ngân sách sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tổng cục Thuế đã đề ra 6 nhiệm vụ và 20 giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ thu thuế, trong đó tập trung vào việc tham mưu, trình cấp có thẩm quyền giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế theo phương pháp quản lý rủi ro; tăng cường thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đạt tối thiểu; phấn đấu tăng thu qua thanh tra, kiểm tra trên 13.000 tỷ đồng.

Trong đó, các vụ- đơn vị thuộc Tổng cục Thuế phải thu tối thiểu trên 2.150 tỷ tăng thu ngân sách Trung ương và các địa phương tăng thu từ đề án chống thất thu doanh nghiệp…

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính và ngành thuế được Chính phủ giao xây dựng nghị định về chống thất thu, chống chuyển giá, do vậy, ngành thuế phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của 6 tháng cuối năm.

Nghị định này là hành lang pháp lý để đổi mới công tác quản lý, quy trình nghiệp vụ thu, cơ cấu tổ chức bộ máy, đồng thời tạo bước chuyển lớn trong chống thất thu thuế.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn còn cho rằng, dù khó khăn nhưng số thu vẫn tăng, đáng nói các khoản thu thông qua thuế đều tăng 12- 16%, vừa thể hiện được cả 2 vế của vấn đề.

Đó là tăng trưởng ở lĩnh vực sản xuất- kinh doanh vừa thể hiện công tác quản lý thuế đã có những bước chuyển tích cực.

Tuy nhiên, qua công tác thanh tra kiểm tra hiện nay còn 21 cục chưa đạt được 3%. Do vậy đề nghị Tổng cục Thuế có công văn đến từng cục thuế thúc đẩy 6 tháng cuối năm phải đạt được các chỉ tiêu thanh tra, kiểm tra đã đặt ra.

Về xử lý nợ đọng thuế, tuy đã có kết quả ban đầu nhưng chưa bền vững. Số nợ đọng chiếm khoảng 7,5% số thu ngân sách. Phần chậm của các doanh nghiệp phá sản, giải thể, theo tính toán khoảng trên dưới 20 ngàn tỷ.

Thứ trưởng yêu cầu những địa phương có số nợ đọng cao hơn mức bình quân cần phải nghiêm túc xem xét để có những giải pháp phù hợp, đồng thời Tổng cục Thuế thực hiện công tác kiểm tra nội bộ và thanh tra công tác nợ thuế của những đơn vị có dấu hiệu bất bình thường, hỗ trợ để kéo lại mức nợ bình thường.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế- Phi Vân Tuấn, thu 6 tháng đầu năm do Tổng cục Thuế quản lý ước trên 393.000 tỷ đồng, bằng 48,6% dự toán. Các khoản thu quan trọng từ hoạt động sản xuất, kinh doanh cơ bản đều đạt khá so dự toán và cao hơn cùng kỳ. 45/63 địa phương cả nước thu nội địa đảm bảo tiến độ dự toán (đạt từ 50% dự toán trở lên), trong đó không kể tiền sử dụng đất có 16 địa phương đạt trên 55% dự toán; 57/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH