Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Vĩnh Long cần chủ động để hội nhập

Cập nhật, 09:49, Thứ Ba, 14/06/2016 (GMT+7)

Ngày 11/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn công tác đến làm việc tại tỉnh Vĩnh Long về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội, khắc phục hạn, xâm nhập mặn và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. 

Một trong những vấn đề Thủ tướng nhấn mạnh là Vĩnh Long cần chủ động để hội nhập.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Công ty TNHH Tỷ Xuân- doanh nghiệp đã giải quyết gần 19.000 lao động trong khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Công ty TNHH Tỷ Xuân- doanh nghiệp đã giải quyết gần 19.000 lao động trong khu vực.

Tăng trưởng giảm do hạn, mặn

Mặc dù chịu ảnh hưởng của hạn và xâm nhập mặn nhưng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt trên 14.700 tỷ đồng, tăng 4,14%. Trong đó, sản xuất kinh doanh ổn định, thương mại- dịch vụ tiếp tục phát triển.

Thu ngân sách ước đạt trên 2.849 tỷ đồng, tăng 16,64% so cùng kỳ, trong đó thu nội địa trên 1.595 tỷ đồng, tăng 31,22%. Các hoạt động văn hóa xã hội, an sinh xã hội được đảm bảo. Cụ thể, tỉnh đã tập trung giải quyết việc làm trên 10.000 lao động, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, đào tạo nghề,…

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2014- 2020, tỉnh đã xây dựng các cánh đồng mẫu được 13.548,8ha, xây dựng hệ thống nhân giống lúa thuần cấp nguyên chủng đủ năng lực để cung cấp cho hệ thống nhân giống xác nhận và cung ứng 70% giống lúa xác nhận trong tỉnh. Tỷ lệ đàn bò lai Sind đạt trên 90%; nâng cao năng suất nuôi trồng thủy sản…

Ngoài ra, tỉnh chủ trương chuyển vụ sản xuất ở một số vùng sản xuất (2 vụ lúa- 1 vụ màu), chuyển đổi giống cây trồng, xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái, xây dựng và ứng dụng công nghệ trong sản xuất được triển khai và đạt kết quả.

Qua thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tỉnh tăng trưởng hàng năm bình quân gần 2,7%; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,92 lần so với năm 2010. Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2015, tỉnh có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, 6 tháng qua, do ảnh hưởng của hạn và xâm nhập mặn, việc sản xuất nông nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn, cụ thể sản lượng lúa giảm 10,63%, sản lượng cá tra giảm 8,37%.

Ước giá trị sản xuất nông- lâm nghiệp- thủy sản giảm 3,9%, kết quả trên dẫn đến tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh chỉ đạt 4,14% so với kế hoạch 7,2%.

Vĩnh Long cần chủ động để hội nhập

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi công nhân Vĩnh Long.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi công nhân Vĩnh Long.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Vĩnh Long. Là một tỉnh thuần nông nhưng với quyết tâm cao, đặc biệt có sự tập trung chỉ đạo của cấp ủy, tỉnh đã đạt kết quả khá tốt về phát triển kinh tế- xã hội.

Thực hiện tốt việc khắc phục hậu quả xâm nhập mặn, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp đạt kết quả bước đầu, thực hiện tốt công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới,…

Từ cuối năm 2015 và đầu năm 2016, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đã gây ra hiện tượng hạn, xâm nhập mặn làm thiệt hại nặng nề và đang tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân trong tỉnh. Theo đó, trên địa bàn tỉnh, mặn đã xuất hiện rất sớm và đạt mức kỷ lục về nồng độ mặn. Trên sông Cổ Chiên, tại cống Nàng Ân nồng độ mặn đạt 10‰, mặn đã đến cửa sông Măng Thít cách cửa biển 75km với độ mặn 5,5‰. Trên sông Hậu, mặn đã đến xã Tích Thiện (Trà Ôn) cách biển 60km với độ mặn 4,5‰. Tình trạng xâm nhập mặn đã làm khô hạn thiếu nước và nhiễm mặn đến 3 huyện Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít với hơn 70.000ha đất nông nghiệp và khoảng 15.000 hộ dân thiếu nước sản xuất và sinh hoạt.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số điểm hạn chế mà tỉnh cần khắc phục như việc giải ngân vốn đầu tư phát triển còn chậm; các doanh nghiệp xuất khẩu trên lĩnh vực chủ yếu của tỉnh như gạo, thủy sản chậm phục hồi; một số chỉ tiêu như tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp; tái cơ cấu nông nghiệp chưa thực sự đạt yêu cầu đề ra.

Định hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Vĩnh Long cần phải chủ động hội nhập trong điều kiện mới.

Đó là phải biết nắm bắt thời cơ hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là sau khi nước ta ký hiệp định TPP. Để làm được điều này, tỉnh cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho yêu cầu hội nhập.

Song song đó, trong tái cơ cấu nông nghiệp, Vĩnh Long phải lựa chọn được sản phẩm, hướng đi chủ đạo để hội nhập kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Đối phó với hạn và xâm nhập mặn, Thủ tướng đề nghị Vĩnh Long cần chủ động trong phòng chống thiên tai, có giải pháp trong trường hợp hiện tượng El Nino tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, nhất là về cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nghiên cứu áp dụng các loại cây giống, con giống thích ứng với môi trường nước mặn, sao cho giảm thiểu thiệt hại nếu thiên tai xảy ra.

Ngoài ra, Thủ tướng lưu ý cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn liền với cải cách hành chính, thu hút đầu tư phát triển và vấn đề khởi nghiệp cho phát triển. Thủ tướng nhấn mạnh Vĩnh Long phải có cải cách mạnh hơn, để có hệ thống hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. 

Thủ tướng đồng ý hỗ trợ 751 tỷ đồng cho 3 dự án ngăn mặn giữ ngọt

Để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống hạn, mặn đảm bảo phục vụ sản xuất ổn định và bền vững, Vĩnh Long đề nghị Trung ương hỗ trợ một số công trình thủy lợi, giao thông… và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Đó là dự án hệ thống thủy lợi ngăn mặn giữ ngọt Bắc Vũng Liêm, mục tiêu ngăn mặn giữ ngọt cho 10.000ha đất nông nghiệp; dự án hệ thống thủy lợi cồn Lục Sĩ (Trà Ôn), mục tiêu ngăn mặn giữ ngọt cho 3.800ha đất nông nghiệp; dự án hệ thống thủy lợi ngăn mặn tiếp ngọt huyện Vũng Liêm, mục tiêu ngăn mặn tiếp ngọt cho 70.000ha đất nông nghiệp với tổng kinh phí 751 tỷ đồng. Tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ thực hiện đường Võ Văn Kiệt và Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch- Đầu tư phối hợp với tỉnh để hoàn thiện thủ tục, tìm kiếm nguồn đầu tư, kết hợp giữa Trung ương và địa phương để triển khai. Đối với các dự án khác như Trung tâm hội nghị và nhà khách (500 tỷ đồng); dự án Bảo tàng nông nghiệp vùng ĐBSCL… Thủ tướng yêu cầu tỉnh kết hợp với các nhà đầu tư để tìm nguồn xã hội hóa.

Bài, ảnh: THANH TÂM