Tập trung toàn lực ứng phó hạn, mặn

Cập nhật, 07:18, Thứ Sáu, 25/03/2016 (GMT+7)

Như tin đã đưa, ngày 23/3, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp- PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu đã đến kiểm tra tình hình thực hiện phương án phòng chống hạn, mặn tại Vĩnh Long. Vĩnh Long đã và đang tập trung toàn lực cho công tác này.

Vĩnh Long thiệt hại trên 122 tỷ đồng do hạn hán, xâm nhập mặn.
Vĩnh Long thiệt hại trên 122 tỷ đồng do hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo nhận định của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, độ mặn tại các cửa sông vùng ven biển ĐBSCL tiếp tục tăng cao trong những tháng tới, cao nhất trong tháng 3, tháng 4.

Tại các điểm dự báo xâm nhập mặn thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long có điểm gần nhất là Thanh Bình, Trung Thành Tây (Vũng Liêm) và An Phú Tân (Cầu Kè- Trà Vinh).

Hướng xâm nhập mặn vào tỉnh Vĩnh Long từ sông Cổ Chiên ảnh hưởng đến toàn bộ cù lao Dài (Vũng Liêm). Trên đất liền, mặn sẽ xâm nhập vào các sông nối với sông Cổ Chiên như Cái Hóp, Nàng Âm (2 sông này đã xây cống ngăn mặn), sông Vũng Liêm, Trường Định và sông Mang Thít ảnh hưởng các xã thuộc huyện Vũng Liêm,
Mang Thít.

Theo hướng sông Hậu, ảnh hưởng đến toàn bộ cù lao Mây (Trà Ôn). Trên đất liền, mặn sẽ xâm nhập vào các sông nối với sông Hậu như rạch Tân Dinh, Rạch Chiết, Mương Điều, rạch Tra, rạch Bang Chang, sông Trà Ôn, ảnh hưởng các xã thuộc huyện Trà Ôn và một phần huyện Tam Bình.

Tỉnh Vĩnh Long dự báo có 5 huyện- thị xã bị ảnh hưởng xâm nhập mặn từ 2- 10‰ với diện tích tự nhiên bị ảnh hưởng rộng gần 70.000ha. Trong đó, Vũng Liêm 25.000ha, Trà Ôn 25.000ha, Mang Thít 10.000ha, Tam Bình 5.000ha và TX Bình Minh 5.000ha.

Vụ Hè Thu năm 2016, dự báo diện tích 55.000ha lúa (100% diện tích kế hoạch) có khả năng bị hạn. Cây màu gần 14.000ha (90% diện tích kế hoạch) bị thiếu nước. Cây lâu năm hơn 49.000ha có khả năng thiếu nước tưới.

Tổng số dân bị ảnh hưởng nguồn nước nhiễm mặn là 71.526 hộ, trong đó có 36.574 hộ đã sử dụng nước máy (tỷ lệ 51,2%). Toàn tỉnh còn 34.215 hộ ở nông thôn chưa sử dụng nước máy tập trung, hộ ở trong nội đồng xa kinh, rạch lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt do nguồn nước bị cạn kiệt và bị ô nhiễm, nhiễm mặn.

Tất cả số nhà máy nước thu nước mặt ở huyện Vũng Liêm, Trà Ôn đều bị ảnh hưởng nguồn nước bị nhiễm mặn trên 2‰. Riêng các nhà máy nước ở các xã Chánh An, An Phước, thị trấn Cái Nhum, Chánh Hội và Tân An Hội (Mang Thít) có thể bị ảnh hưởng với độ mặn này.

Từ những dự báo trên, kế hoạch phòng chống thiếu nước và hạn hán, xâm nhập mặn của tỉnh đã đề ra các biện pháp để ứng phó trong trường hợp mặn xâm nhập cao và rất cao đó là việc nạo vét công trình kinh thủy lợi tạo nguồn dự kiến thực hiện 119 công trình thủy lợi, diện tích phục vụ 48.203ha, kinh phí 524 triệu đồng.

Đối với việc bơm tát hỗ trợ, tỉnh huy động số máy bơm, trạm bơm tưới hiện có trong tỉnh gồm 3 trạm bơm điện, 7 điểm bơm cố định (moteur điện), 176 máy bơm dầu D15 và 16.309 máy bơm nhỏ trong dân. Diện tích bơm 1 lần là 16.889ha, tuy nhiên các máy bơm di động có thể bơm được 2 vị trí mỗi máy và bơm trong 3 tháng còn lại của mùa khô năm nay.

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn có kế hoạch nâng cấp, duy tu, sửa chữa, mở rộng 10 trạm cấp nước tập trung nông thôn, trong đó có 1 trạm nâng cấp công suất, mở rộng tuyến ống và 16 trạm khác với kinh phí trên 5,3 tỷ đồng.

Tỉnh cũng có kế hoạch cấp nước thùng cho 70.789 hộ sử dụng nước bị nhiễm mặn và chưa có nước máy, hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Có tính đến phương án dùng xe, hoặc xà lan chở nước ngọt cấp cho dân trong trường hợp hạn, mặn gay gắt, kéo dài. Số lượng nước thùng dự kiến cấp cho 80% số hộ bị nhiễm mặn và hộ chưa có nước máy sinh hoạt (khoảng 56.600 hộ).

Số lượng bột xử lý nước dự kiến cấp cho 80% số hộ gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt trong tổng số 34.215 hộ chưa có nước sinh hoạt (khoảng 27.372 hộ). Khai thác các giếng khoan nước ngầm đã có hơn 10.000 giếng bơm riêng lẻ và các giếng khoan cấp nước tập trung ở các huyện Vũng Liêm và Trà Ôn. Trà Ôn hiện có 3 giếng khoan tầng sâu, công suất lớn ở các xã Vĩnh Xuân, Thuận Thới và Hựu Thành.

Tổng vốn cần có để thực hiện kế hoạch này ước tính khoảng 541 tỷ đồng. Trong đó tỉnh Vĩnh Long đề nghị Bộ Nông nghiệp- PTNT hỗ trợ cho tỉnh khoảng 479 tỷ đồng để thực hiện nạo vét các kinh thủy lợi cấp tạo nguồn cấp nước tưới, công trình nâng cấp, trạm cấp nước sạch nông thôn và bơm tát hỗ trợ phục vụ phòng chống hạn, mặn đảm bảo yêu cầu sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân trong tỉnh.

Bên cạnh, tỉnh cũng đề nghị trung ương hỗ trợ 50% kinh phí bơm cho diện tích bơm tập trung bơm nước vào kinh sau cống, kinh cấp 3, từ đó dân dùng máy bơm riêng lẻ bơm vào ruộng, kinh phí bơm riêng lẻ do dân tự lo. Tổng cộng kinh phí đề nghị hỗ trợ bơm khoảng 34,4 tỷ đồng.

Tỉnh dự kiến hỗ trợ cho các huyện, thị, thành 33,8 tỷ đồng để thực hiện nạo vét các kinh nội đồng đảm bảo cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp trong điều kiện khô hạn, xâm nhập mặn gay gắt và cấp bột xử lý nước cho hộ gặp khó khăn về nước sạch.

Qua kiểm tra công tác ứng phó hạn, mặn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo rà soát lại quy hoạch hệ thống thủy lợi, tuyên truyền trữ ngọt, bảo vệ công trình thủy lợi, hệ thống cung cấp nước sạch, xây dựng hồ trữ nước để cấp nước cho sinh hoạt. Khu dân cư vùng sạt lở để có biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản người dân.

Việc cấp bách hiện nay là chỉ đạo sản xuất vụ Hè Thu và Thu Đông đạt hiệu quả để bù đắp thiệt hại. Tuy nhiên không quá chú trọng sản lượng mà tùy tình hình thực tế để đạt hiệu quả cao nhất trên cơ sở rà soát lịch thời vụ, cơ cấu cây trồng hợp lý.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng lưu ý, trong điều kiện không có lũ, hạn, mặn xâm nhập thì cần khép kín từng vùng sản xuất và trữ ngọt và giải pháp xây dựng hồ trữ ngọt là khả thi trong thời điểm hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Trần Thanh Nam:

“Trong điều kiện không có lũ, hạn hán, mặn xâm nhập cần khép kín từng vùng sản xuất và trữ ngọt!”

Bài, ảnh: LÊ SƠN