Bài toán chuyển đổi cây trồng

Cập nhật, 14:30, Thứ Năm, 31/03/2016 (GMT+7)

Trong bối cảnh xâm nhập mặn được dự báo sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến vựa lúa ĐBSCL, giải pháp chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đang được Bộ Nông nghiệp- PTNT cũng như các địa phương bị ảnh hưởng triển khai rộng rãi.

Đến thời điểm hiện nay, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến hàng chục ngàn hecta diện tích trồng lúa ở ĐBSCL, nhiều diện tích đất lúa buộc phải chuyển đổi cây trồng trong mùa vụ tới.

Theo tính toán của nhiều hộ sản xuất, việc sản xuất rau màu lời hơn so với trồng lúa. Nếu trồng lúa chỉ mang lại lợi nhuận khoảng 2 triệu đồng/công đất, cây rau màu có thể mang lại lợi nhuận 5- 6 triệu đồng/công. Tuy nhiên, việc sản xuất rau màu vẫn ít được nông dân quan tâm do đầu ra không ổn định.

Thế nhưng, trên thực tế giải pháp này vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bỏ lúa rồi trồng cây gì? Câu hỏi chưa ai dám đáp!

Nguyên nhân việc chuyển vụ ở địa phương hiện còn nhiều khó khăn, đó là do vướng đầu ra. Bởi trồng rau màu đầu ra rất bấp bênh. Chỉ cần ùn tắc cửa biên giới vài ngày thì dưa hấu phải cho bò ăn. Hành tím chỉ trồng ở Sóc Trăng nhưng mới năm ngoái Đoàn thanh niên phải mở cuộc vận động “mua hành tím giải cứu người trồng”…

ĐBSCL thích hợp trồng loại cây họ đậu tiết kiệm nước tưới nhưng cũng không hấp dẫn người dân và doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, do giá thành cao hơn so với giá nhập khẩu.

Theo một lãnh đạo Sở Nông nghiệp- PTNT, việc chuyển đổi cây trồng đang gặp nhiều khó khăn do diện tích trồng không tập trung. Điều này sẽ khó có thể chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng như không thể tạo thành vùng sản xuất đồng bộ để tạo ra sản lượng đủ để phục vụ yêu cầu thu mua của doanh nghiệp.

Điều đó cho thấy, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương cần phải có các phương án sản xuất cụ thể, hiệu quả và gắn với thị trường, từ đó mới khuyến cáo cho nông dân thay vì chỉ nói chung chung và đề nghị người dân cắt vụ, chuyển đổi cây trồng, sử dụng nước tiết kiệm… như hiện nay.

HOÀNG HÀ