Chuẩn bị đối phó với hạn, mặn gay gắt

Cập nhật, 07:01, Thứ Sáu, 18/12/2015 (GMT+7)

Liên tiếp trong 2 năm gần đây, ở Nam Bộ, lũ đầu nguồn sông Cửu Long về sớm nhưng ở mức thấp; bão, áp thấp nhiệt đới giảm hẳn; mùa mưa kết thúc sớm và lượng mưa thiếu hụt hơn bình thường…

Đó là hậu quả tác động của hiện tượng El Nino xuất hiện hồi năm 2014, được các cơ quan khí tượng- thủy văn dự báo còn kéo dài, khả năng dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt trong mùa khô năm 2016.

Kiểm tra cống, đập tích cực tu sửa để trữ nước phục vụ chống hạn, ngăn mặn.
Kiểm tra cống, đập tích cực tu sửa để trữ nước phục vụ chống hạn, ngăn mặn.

Khí tượng- thủy văn đã có những bất thường

Số liệu quan trắc trong những năm gần đây trên địa bàn Vĩnh Long đã cho thấy khí tượng- thủy văn và hạn, mặn diễn biến bất thường: Lượng mưa và thời gian mưa có xu hướng giảm, mùa mưa bắt đầu muộn nhưng kết thúc sớm.

Năm 2013, lượng mưa trung bình năm đạt 1.309mm (giảm 381mm so với năm 2010), năm 2014 còn 1.651mm. 9 tháng đầu năm 2015: chỉ đạt từ 515- 1165mm, xấp xỉ và thấp hơn từ 185- 495mm và chỉ đạt từ 50- 80% so trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ.

Trong mùa khô, mực nước thấp nhất có xu hướng giảm theo từng năm. Từ năm 2011- 2014, ở mức từ -1,44m đến -1,47m. Riêng trong mùa khô năm 2015, mực nước sông Tiền tại trạm Mỹ Thuận đạt thấp nhất lịch sử trong dãy số liệu hiện có với -1,60m (ngày 24/5).

Độ mặn sông, rạch ngày càng gia tăng từng năm, đặc biệt là phía sông Cổ Chiên: Từ năm 2007- 2015, độ mặn cao nhất (đỉnh mặn) phía sông này luôn cao hơn 2‰ (phần ngàn).

Mùa khô năm 2012- 2013, độ mặn ở đây lên mức kỷ lục: tại cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm): 6‰; vàm Vũng Liêm: 5‰; tại vàm Mang Thít (xã Quới An): 2‰ (trước đây không có). Phía sông Hậu, xuất hiện độ mặn 4,9‰ vào năm 2011 tại vàm Tân Dinh (xã Tích Thiện- Trà Ôn).

Mùa khô 2014- 2015, mặn xâm nhập sớm hơn mọi năm, ngay vào giữa tháng 12/2014, độ mặn 2‰ đã xuất hiện trên sông Cổ Chiên (đoạn thuộc huyện Vũng Liêm), điều chưa từng thấy trong những năm trước đây. Đỉnh mặn năm 2015 phía sông Cổ Chiên lên cao vượt đỉnh mặn năm 2014 và thấp hơn đỉnh mặn mùa khô 2012- 2013 một ít (tại cống Nàng Âm: 5‰, tại vàm Vũng Liêm là 4,2‰).

Chuẩn bị đối phó với hạn, mặn

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng- Thủy văn Trung ương, hiện tượng El Nino tiếp tục ảnh hưởng đến nước ta, có khả năng đạt cường độ mạnh kỷ lục tương đương với El Nino vào năm 1997- 1998 và xác suất kéo dài đến hết mùa Đông Xuân 2015-2016 là 90%.

Ngoài cường độ mạnh, nhiều khả năng El Nino năm 2014- 2016 sẽ trở thành một trong những El Nino kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua (kể từ khi có những quan trắc về nó).

Tác động của hiện tượng này đến thời tiết nước ta là hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam ít hơn hoặc xấp xỉ TBNN nhưng thường có những cơn bão mạnh hoặc trái với quy luật hàng năm, mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, lượng mưa tiếp tục bị thiếu hụt, dòng chảy sông suối suy giảm, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn ở nhiều nơi trên cả nước, đặc biệt là khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Theo Đài Khí tượng- Thủy văn khu vực Nam Bộ, trong 9 tháng đầu năm 2015, ở khu vực Nam Bộ, tổng lượng mưa đạt phổ biến từ 600- 1.500mm, thiếu hụt hơn so với TBNN cùng thời kỳ từ 20- 50%. Nhiệt độ phổ biến cao hơn TBNN cùng thời kỳ từ 1- 1,80C.

 Lượng dòng chảy tại một số trạm chính ở lưu vực sông Mekong thấp hơn TBNN từ 35- 48%. Từ giữa tháng 5 đến nay, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long luôn thấp hơn TBNN từ 1,5- 1,8m; đỉnh lũ cuối tháng 9 tại Tân Châu (sông Tiền) chỉ đạt cao nhất ở mức 2,51m, tại Châu Đốc (sông Hậu) chỉ ở mức 2,35m, thấp hơn mức báo động I từ 0,65- 0,9m. Đây là năm có đỉnh lũ thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc.

Mực nước thượng nguồn sông Mekong tiếp tục xuống nhanh. Ở đầu nguồn sông Cửu Long, đến cuối tháng 12/2015, mực nước sẽ xuống thấp hơn TBNN từ 0,3- 0,4m.

Do vậy, trên hệ thống sông Cửu Long, mặn trong mùa khô năm 2015- 2016 sẽ xuất hiện sớm (khoảng đầu tháng 12/2015) và sâu. Độ mặn cao nhất mùa khô có khả năng xuất hiện trong tháng 3/2016, ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn độ mặn cao nhất của mùa khô năm 2004- 2005, cao hơn TBNN và cao hơn độ mặn mùa khô năm 2014- 2015.

 Nhiệt độ trung bình trong toàn khu vực Nam Bộ trong các tháng còn lại của năm 2015 và 3- 4 tháng đầu năm 2016 có xu hướng cao hơn TBNN từ 0,5- 1,50C; lượng mưa từ tháng 10/2015 đến tháng 4/2016 có khả năng ở mức thấp hơn so với TBNN từ 20- 40%.

Sớm hơn 2 năm trước 1 tháng, ngày 22/10/2015, Tổng cục Thủy lợi đã triệu tập hội nghị các sở nông nghiệp- PTNT, chi cục thủy lợi, đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi 13 tỉnh khu vực ĐBSCL và các cơ quan nghiên cứu như Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam, Đài Khí tượng- Thủy văn khu vực Nam Bộ tổ chức tại tỉnh Bến Tre để bàn giải pháp phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn vụ Đông Xuân 2015- 2016 và vụ Hè Thu năm 2016 các tỉnh ĐBSCL.

Ngày 31/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị trực tuyến ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn năm 2015- 2016 và ảnh hưởng hiện tượng EL Nino trên phạm vi cả nước.

Tại Vĩnh Long, để chủ động phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, đối phó với hiện tượng El Nino, ngày 21/10/2015, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh ban hành Công văn số 39/PCTT&TKCN yêu cầu UBND, ban chỉ huy PCTT và TKCN các huyện- thị- thành tổ chức thực hiện nghiêm Công điện số 32/CĐ-TW ngày 12/10/2015 của BCĐ Trung ương về phòng, chống thiên tai, triển khai, quán triệt, phổ biến, tuyên truyền đến các sở, ban ngành tỉnh, ban, ngành cấp huyện, đến tận xã- phường- ấp- khóm để chính quyền, nhân dân hiểu, chủ động, chung tay phòng, chống hạn, mặn.

Mỗi huyện- thị- thành, mỗi sở, ngành tỉnh, ban ngành cấp huyện có liên quan khẩn trương lập kế hoạch phòng, chống hạn, mặn. Trong đó, ưu tiên cho cấp nước phục vụ dân sinh, kế đến là cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2015- 2016, vụ Hè Thu 2016- đặc biệt Vũng Liêm, Trà Ôn là 2 huyện có khả năng bị ảnh hưởng hạn, mặn gay gắt nhất.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp- PTNT giữ vai trò chủ đạo trong tham mưu UBND, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh xây dựng kế hoạch, triển khai, đôn đốc các huyện- thị- thành và các sở, ban ngành tỉnh thực hiện, hướng dẫn các địa phương trong chuyển đổi cơ cấu, thời vụ, kỹ thuật gieo sạ, chăm sóc và bảo vệ cây trồng phù hợp với tình hình nguồn nước trong mùa khô; bố trí nguồn vốn thực hiện công tác phòng, chống hạn, mặn; theo dõi diễn biến tình hình, thông báo kịp thời cho UBND, ban chỉ huy PCTT và TKCN các huyện- thị- thành, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và nhân dân để có biện pháp chỉ đạo, đối phó…

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh còn yêu cầu các sở, ngành tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp- PTNT, UBND các huyện- thị- thành trong công tác chuẩn bị, ứng phó với hạn, mặn đảm bảo cấp nước cho dân sinh và sản xuất nông nghiệp trong mùa khô năm 2015- 2016.

Bài, ảnh: Thành Thặng