Nghe em vào đại học

Cập nhật, 05:15, Thứ Bảy, 29/03/2014 (GMT+7)

“Nghe em vào đại học/ Nửa tin nửa ngờ tên lại trùng tên/ Hôm nay nhận được tin em/ Nét chữ nghiêng nghiêng cười trên giấy trắng”…

Nhà thơ Giang Nam từng chia sẻ rằng, đây là câu chuyện thật của mình. Khi mà quê hương “Đồn giặc bủa vây thôn xóm điêu tàn/ Trường giặc đốt rồi, còn lại ánh trăng/ Giữa hai trận càn, anh dạy em học chữ”; trong khi đó “Anh chưa bước chân vào trường đại học/ Chưa lên giảng đường, chưa mặc áo sinh viên” nên ước mơ vào đại học luôn cháy bỏng trong tim. Để rồi hôm nay “Anh không buồn vì anh biết em anh/ Đang ngồi thay anh dưới mái trường đại học”.

Khát khao được vào đại học, được ngồi trong giảng đường rộng lớn để vươn tới những tầm cao tri thức là chuyện muôn đời, không bao giờ cũ.

Song, hiện nay, dường như có “chút gì lấn cấn”. Hầu hết phụ huynh đều muốn con em vào đại học (không có gì sai) để rồi rất nhiều các cô cậu cử nhân, kỹ sư ra trường lại vất vả tìm việc
.
Theo thông tin về thị trường lao động mới đây, thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ cao đẳng là 6,74%, tăng 1,3 lần trong khi nhóm có trình độ đại học trở lên là 4,25%, tăng 1,7 lần (khoảng
72.000 người).

Nói về điều này, nhiều nhà chuyên môn cho rằng, việc đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội. Sinh viên tốt nghiệp thiếu việc làm trong khi các doanh nghiệp đang rất cần công nhân tay nghề cao lẫn quản lý giỏi, nhưng không tuyển dụng được.

Có thể thấy rằng, nhu cầu của thị trường lao động và ngành nghề đào tạo vẫn chưa gặp nhau được. Các trường chủ yếu vẫn đào tạo các ngành “mình có” chứ ít đào tạo theo hướng thị trường cần. Đặc biệt là sinh viên “lý thuyết” thì thừa nhưng “thực hành” lại thiếu. Các kỹ năng mềm- theo cách nói hiện nay, cũng còn nhiều điều cần nói.

Có lẽ cần phải có các quy chuẩn mới, sao cho sử dụng nhân lực theo năng lực hơn là bằng cấp. Lúc này vào đại học sẽ là “học thật” để nâng cao kiến thức cho bản thân, góp thêm nguồn nhân lực cao của đất nước.

Nếu không, cứ chạy theo bằng cấp và kiểu “thả lỏng điểm sàn” đầu vào cho các trường đại học, thì e rằng “nghe em vào đại học”, giờ đây có khi không mừng mà lại… hơi lo lo.

* “Nghe em vào đại học”- Giang Nam.

PHƯƠNG NAM