HỘI NGHỊ GIAO BAN CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN KHU VỰC PHÍA NAM

Biện pháp và phương thức chỉ đạo quyết định thành công

Cập nhật, 18:48, Thứ Năm, 26/12/2013 (GMT+7)


Việc đào tạo nghề thủ công nghiệp, giúp LĐNT có thêm thu nhập ổn định cuộc sống.

Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Nguyễn Ngọc Phi, thành viên BCĐ Trung ương thực hiện Quyết định 1956 đã nhấn mạnh điều này tại hội nghị giao ban về dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) với Thường trực BCĐ của các tỉnh- thành vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ vào ngày 26/12/2013 tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long.

Thứ trưởng cho rằng, trong quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp phải có định hướng chọn ngành nghề đào tạo, như dạy nghề nông dân phải đồng bộ từ giống đến khâu chăm sóc, thu hoạch; lựa chọn cơ sở dạy nghề có đủ năng lực, kinh nghiệm. Đặc biệt là sự chỉ đạo của chính quyền các cấp bởi biện pháp và phương thức chỉ đạo quyết định thành công.

Giai đoạn 2010- 2013, 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã tổ chức dạy nghề cho hơn 275.000 LĐNT, trong đó có 76,5% người có việc làm mới và tiếp tục nghề cũ với năng suất, thu nhập cao hơn, với tổng kinh phí đào tạo là 430 tỷ đồng.

Thực hiện dự án đổi mới và phát triển dạy nghề, đến nay cả nước đã có gần 250 trường nghề được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề trở thành trường trọng điểm và trường nghề chất lượng cao, đồng thời bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề 16.000 giáo viên dạy nghề trọng điểm quốc gia.

Tại hội nghị, các tỉnh, thành đều cho rằng đề án đào tạo nghề cho LĐNT là chính sách hiệu quả thiết thực, có tính định hướng chiến lược trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Việc triển khai đề án những năm qua cơ bản đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đặt ra.

Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn chưa bố trí được cán bộ chuyên trách và đội ngũ giáo viên cơ hữu; công tác đào tạo nghề chưa gắn kết với quy hoạch phát triển của từng địa phương, còn sai phạm trong việc quản lý sử dụng kinh phí hỗ trợ dạy nghề và trang thiết bị dạy nghề.

Năm 2014, mục tiêu cả nước là đào tạo khoảng 700 ngàn LĐNT. Riêng các tỉnh, thành phía Nam đào tạo khoảng 220 ngàn LĐNT.

Tin, ảnh: THÚY QUYÊN