Nỗi niềm cây lác Thanh Bình

Cập nhật, 07:03, Thứ Sáu, 27/09/2013 (GMT+7)

Cù lao Dài hay còn gọi là cù lao Quới Thiện thuộc huyện Vũng Liêm chia tách thành 2 xã là Quới Thiện và Thanh Bình từ năm 1985. Ở cù lao này, trước năm 1986, nhân dân còn trồng lúa 2 vụ/năm, nhưng từ sau năm 1986 đến nay, bà con không còn trồng lúa và chuyển sang trồng cây ăn trái và trồng cây lác (còn gọi là cói).


Giá lác sơ chế thường bấp bênh, do địa phương có nguyên liệu nhưng thiếu những ngành nghề làm các sản phẩm đặc thù từ lác. Ảnh: Vinh Hiển

Đây là hai xã thuộc vùng cù lao, nằm trên dòng Cổ Chiên, giữa bốn bề là sông nước. Nhờ thế mà cù lao đã được thiên nhiên ban tặng đất đai phù sa, màu mỡ- lại cách xa biển Đông, nên nước ngọt quanh năm.

Diện tích trồng lác tập trung nhiều ở 6 ấp vùng cuối cù lao thuộc xã Thanh Bình, với diện tích khoảng 115ha thuộc các ấp: Lăng, Cái Dứa, Thanh Khê, Bình Thủy, Thanh Tân và Thông Lưu.

Đã 25 năm qua, người dân Thanh Bình đã gắn bó và sinh sống cùng cây lác. Nếu so sánh giữa cây lác với cây lúa thì thu nhập kinh tế từ 1 công đất lác sẽ hơn hẳn 1 công đất lúa. Lác lại dễ trồng, chăm bón cũng đơn giản. Tuy nhiên, khâu thu hoạch thì vất vả vô cùng. Hơn nữa, giá cả cũng không ổn định, luôn bấp bênh trước sự biến động chung của thị trường.

Trước năm 2011, giá lác xuống thấp có lúc từ 3.000- 4.000 đ/kg loại 1, nhưng từ đầu 2011 đến cuối tháng 10/2012, giá lác tăng cao từ 12.000- 13.000 đ/kg loại 1. Người trồng lác ở Thanh Bình đã trúng giá, phấn khởi. Rất nhiều nhà tường đẹp đua nhau mọc lên khang trang nhờ thu nhập từ cây lác.

Kể từ sau tháng 10/2012 đến nay, giá lác ở Thanh Bình tụt giảm một cách đáng kể. Từ 12.000- 13.000 đ/kg, nay chỉ còn 7.000- 8.000 đ/kg. Nhẩm tính người trồng lác đã mất đi 5.000 đ/kg. Nếu 1 công đất lác trúng sẽ thu hoạch được 1.000kg lác khô thì người trồng lác mất tương đương 5.000.000đ.
 
Đối với người nông dân, 5.000.000đ là món tiền không nhỏ trong thời buổi khó khăn này. Chị Phụng (ấp Bình Thủy) than thở: “Trồng lác đã truân chuyên, mệt nhọc, vất vả rồi, nay bán không được giá- giá sụt thê thảm- nên thấy còn truân chuyên hơn!”

Ông Thông- một người cao tuổi (98 tuổi) vẫn còn minh mẫn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện trồng lác: Lác dễ trồng, một lần trồng có thể thu hoạch được trong 5- 6 năm, cá biệt có diện tích tốt sẽ thu hoạch được gần 10 năm.

Cứ 5 tháng thì thu hoạch một lần. Một công đất lác trúng sẽ thu được 1.000kg lác khô, nhưng thường khoảng 600- 700kg. Trong 5 tháng sinh trưởng, phải làm cỏ 4- 5 lần, mỗi lần làm cỏ cần 3- 4 người/1 công. Kết hợp với làm cỏ là bón phân.

Phân bón lác là phân u rê kết hợp với phân 16-16-8, chi phí cho một công từ 1- 1,2 triệu đồng. Đến kỳ thu hoạch lác, phải cần 1 người phát lác và từ 10- 12 người giũ lác (giũ lác: phân loại lác, bó lác…) làm trong khoảng 3 ngày mới xong 1 công đất lác.
 
Tiền nhân công cho 1 người phát lác từ 150.000- 180.000 đ/ngày, còn người giũ lác từ 80.000- 110.000 đ/ngày (không bao cơm). Trời nắng thì sau 3 ngày, việc phát 1 công đất lác sẽ hoàn thành. Sau đó là công đoạn chẻ và phơi lác. Cách đây trên 10 năm, lác được chẻ bằng tay, nay chẻ bằng máy nên thời gian có nhanh hơn.

Lác chia thành 3 loại: lác khô, cây trắng, nhỏ đều như nhau, chiều cao từ 1,8m trở lên (loại 1); lác bị thấm nước mưa, cây bị đen, không đều nhau, chiều cao từ 1,7m đến dưới 1,8m (loại 2); lác còn lại (loại 3)”.

Người trồng lác nhẩm tính, tổng chi phí (công chăm sóc, phân bón, nhân công lao động…) sau khi thu hoạch 1 công đất lác sẽ từ 5- 6 triệu đồng. Nếu bán giá 7.000- 8.000 đ/kg lác khô loại 1 theo thời điểm hiện tại, người trồng lác thu nhập 7- 8 triệu đồng, lãi chỉ còn 2 triệu đồng sau 5 tháng vất vả với 1 công đất lác.

Xin nói thêm, cây lác sau khi chẻ xong (chẻ làm hai), nếu gặp trời nắng thì việc phơi lác sẽ thuận lợi, lác trắng, cây nhỏ đều, có giá; nhưng chỉ cần mắc mưa, lác có thấm nước một ít, thì dẫu có phơi khô, lác vẫn không trắng, cây không nhỏ đều như nhau, đồng nghĩa với việc mất giá, đồng thời, thương lái mua lác, lại “làm eo, làm sách” không chịu mua lác bị mắc mưa hoặc nếu có mua thì giá cũng rất thấp.


Người làm lác cũng vất vả để duy trì làng nghề.Ảnh: VINH HIỂN

Thương lái thu gom, mua lác tại xã Thanh Bình phần lớn là người ở địa phương, chở đi bán tại tỉnh Đồng Tháp và tỉnh An Giang dùng để dệt chiếu, xe lõi, đan thảm và xuất khẩu sang thị trường các nước có nhu cầu…

Ngày 20/9 vừa qua, bà con trồng lác ở Thanh Bình bộc bạch tâm sự: “Làm lác vốn đã lam lũ, cực khổ. Giờ sống với lác- trong mùa mưa- giá cả thấp, lại càng cực khổ, truân chuyên hơn”.

Thiết nghĩ, Nhà nước cần sớm có chính sách với người trồng lác và vùng chuyên canh trồng cây lác. Việc này, có thể thông qua việc thành lập các tổ hợp tác (hoặc hợp tác xã) thuộc nhà nước, để thu mua cây lác tận gốc, tránh để cho thương lái là tư thương ghìm giá hoặc thương lái “bắt tay” với thương lái để ém giá, ép giá.

Trước mắt, nếu nhà nước làm tốt việc này, cây lác ở Thanh Bình sẽ tiếp tục phát triển, đời sống của bà con trồng lác sẽ tiếp tục vươn lên khá hơn trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Những nỗi niềm, tâm tư, suy nghĩ của bà con nông dân cũng đúng thôi, bởi bà con tự trồng, tự thu hoạch, tự thỏa thuận giá cả với thương lái, chứ thực ra, Nhà nước cũng chưa có chính sách nào đối với người trồng lác hay đối với vùng trồng lác.

Lê Hữu Hiền