Khẩn cấp đối phó với bão số 10

Cập nhật, 07:23, Chủ Nhật, 29/09/2013 (GMT+7)

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương chiều qua (28-9) đã phát đi thông báo khẩn về bão số 10.  Chiều 28-9, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 113,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 170km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133km một giờ), giật cấp 13, cấp 14. Dự báo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, sau đó có khả năng đổi hướng theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km và còn có khả năng mạnh thêm.

Đến 16 giờ ngày 29-9, vị trí tâm bão ở  khu vực quần đảo Hoàng Sa. Đến 16 giờ ngày 30-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Hướng đi của cơn bão số 10

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.

Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi từ chiều 29-9 gió sẽ mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Vùng biển vịnh Bắc Bộ từ sáng sớm 30-9 có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12.

Từ trưa 30-9, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 13, cấp 14. Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ từ đêm mai có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triền cao 3-4m.

Để ứng phó với bão số 10, ngày 28-9, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương tiếp tục có công điện số 70 gửi cho 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh do cơn bão đã tăng cấp và diện ảnh hưởng của bão được dự báo gây mưa lớn từ Thanh Hóa tới Thừa Thiên-Huế.

Ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương tùy theo diễn biến của bão chủ động xác định thời điểm cấm biển; chỉ đạo thu hoạch ngay các trà lúa đã chín để tránh thiệt hại. Riêng khu vực Tây Nguyên cần đặc biệt đề phòng lũ quét, sạt lở và bảo đảm an toàn hồ đập. (THÁI PHÚC)

* Bộ Tổng tham mưu điện triển khai ứng phó bão số 10

Ngày 28-9, Bộ Tổng tham mưu có điện số 166 gửi: Bộ tư lệnh (BTL) Quân khu 4, 5; BTL Quân chủng Hải quân, Phòng không-Không quân; BTL Bộ đội Biên phòng; BTL Quân đoàn 3; BTL Cảnh sát biển yêu cầu:

1- Các đơn vị thực hiện nghiêm túc Điện số 165/TK ngày 27-9-2013 của Bộ Tổng tham mưu.

2- Các Quân khu: 4, 5; Quân đoàn 3 chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền có biện pháp bảo đảm an toàn doanh trại, kho tàng, trang bị của đơn vị; theo dõi diễn biến bão, mưa lũ, phối hợp cùng chính quyền địa phương trên địa bàn cảnh báo dân cư sống ở vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng, thấp và những nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở nguy hiểm; đồng thời triển khai các phương án sẵn sàng lực lượng, phương tiện giúp dân ứng phó với mưa bão, lũ, sạt lở đất và di dời người và tài sản khỏi vùng nguy hiểm. Các đơn vị triển khai thực hiện, báo cáo thường xuyên về Bộ Tổng tham mưu qua Cục  Cứu hộ - Cứu nạn và Sở chỉ huy Bộ.

- Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên phối hợp với địa phương và gia đình chủ tàu theo dõi, kiểm đếm, bằng mọi biện pháp thông báo, hướng dẫn các tàu thuyền đánh bắt xa bờ biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm (khu vực nguy hiểm được xác định Bắc Vĩ tuyến 16). Quản lý chặt chẽ tàu, thuyền ra khơi, giữ vững thông tin liên lạc đối với các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.

- Quân chủng Hải quân, Phòng không-Không quân, BTL Cảnh sát biển: Có biện pháp bảo đảm an toàn cho các phương tiện đang hoạt động trên biển; duy trì nghiêm các kíp trực; tàu trực sẵn sàng làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh. (CHUNG THỦY)

* Cán bộ, chiến sĩ quân đội và dân quân, tự vệ sẵn sàng phòng, chống bão số 10

Thực hiện Điện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão (PCLB) Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn (TKCN) và Bộ Tổng tham mưu, ngày 28-9, các đơn vị đã huy động hơn 181 nghìn cán bộ, chiến sĩ quân đội, dân quân, tự vệ và 1.524 phương tiện các loại tham gia ứng trực sẵn sàng phòng, chống bão số 10, khắc phục hậu quả thiên tai và TKCN.

Trong đó có 17.285 cán bộ, chiến sĩ quân đội thường trực với 886 ô tô và 634 tàu, xuồng các loại, cùng 4 máy bay của Quân chủng Phòng không-Không quân.

Trong ngày, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tuyến biển từ Quảng Bình đến Cà Mau đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn gần 33.000 phương tiện với hơn 180.000 người đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh.

Hơn 1000 phương tiện đã vào khu vực quần đảo Trường Sa tránh trú bão an toàn. Tại các khu vực khác và neo đậu tại bến có 31.713 phương tiện. (Hương Hồng Thu)

* Do ảnh hưởng của bão số 10 và gió Tây Nam hoạt động mạnh, ở vùng biển và các địa phương ven biển tỉnh Cà Mau đã xảy ra mưa dông kèm theo lốc xoáy đã làm sập, tốc mái hơn 250 căn nhà của người dân, gây sạt lở nghiêm trọng nhiều đoạn sông.

Ban chỉ huy PCLB tỉnh Cà Mau đã chủ động phương án di dời gần 10.000 hộ dân vùng ven biển ra khỏi vùng nguy hiểm. Các lực lượng BĐBP tỉnh Cà Mau, Cảnh sát biển và dân quân, tự vệ thường trực sẵn sàng tham gia giúp dân di dời người, tài sản và TKCN trên biển, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai. (XUÂN GIANG)

* Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN thông tin, đến 7 giờ ngày 28-9, nhóm 10 tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi đang hành trình về đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Trước đó, lúc 11 giờ ngày 27-9, nhóm 10 tàu cá trên đã đề nghị vào tránh bão tại quần đảo Hoàng Sa.

Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN đã yêu cầu Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Ngãi, Bộ tham mưu BĐBP, Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng tìm biện pháp liên lạc với các chủ tàu, thuyền trưởng của 10 tàu trên nhanh chóng về bờ, không vào quần đảo Hoàng Sa vì đó là hướng đi của bão số 10.

Qua nắm thông tin, 10 tàu trên đã neo tại đảo của huyện (Hoàng Sa, Đà Nẵng). Đến sáng 28-9, được các cơ quan chức năng đôn đốc, nhóm 10 tàu trên đã nhổ neo hành trình về bờ. (Đức Giang)

* Đắc Lắc: Mưa lũ làm chết 2 người, ngập 37 căn nhà và 154ha cây trồng

Thông tin từ Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh Đắc Lắc: Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ nối với bão số 10 trên Biển Đông, từ ngày 25 đến 28-9, trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc tiếp tục có mưa vừa đến mưa to diện rộng.

Mực nước trên hầu hết các sông trong tỉnh đang lên cao, trên sông Sê-rê-pốk (tại Bản Đôn) lúc 11h ngày 28-9, đạt trên mức báo động cấp III: 0,65m. Hầu hết các hồ chứa thủy lợi, thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh mực nước đã qua tràn. Trước diễn biến bất lợi trên, UBND tỉnh Đắc Lắc ban hành Công văn số: 6749/CV-UBND ngày 27-9-2013, “về việc chỉ đạo công tác phòng chống lũ lụt trên địa bàn tỉnh”, yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, kịp thời triển khai công tác PCLB, chủ động ứng phó bảo đảm an toàn về người và tài sản, đặc biệt tăng cường công tác bảo đảm an toàn các hồ chứa nước.

Thống kê sơ bộ đến chiều 28-9, trên địa bàn Đắc Lắc có 5 xã thuộc các huyện Ea Súp, Buôn Đôn và Krông Bông bị ngập lụt. Mưa lũ đã làm chết 2 người, ngập 37 căn nhà và 154ha cây trồng, hư hỏng hơn 3,4km đường giao thông.

Ngoài ra, tại thành phố Buôn Ma Thuột, do mưa to kèm gió mạnh xảy ra sáng 28-9 đã làm đổ 1 cây cổ thụ dẫn tới sập 2 gian nhà và hư hỏng một số công trình phụ của Cơ quan thường trú Báo Quân đội nhân dân và cơ quan Tỉnh ủy Đắc Lắc. (BÌNH ĐỊNH)

Theo QĐND Online