Về làng gốm cổ Bàu Trúc

Cập nhật, 05:41, Thứ Ba, 06/11/2018 (GMT+7)

Đây là làng nghề thủ công truyền thống của người Chăm, là điểm đến không thể bỏ qua nếu đã một lần đặt chân đến đất Ninh Thuận đầy nắng gió…

Làng gốm Bàu Trúc nằm trên địa bàn thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước- Ninh Thuận). Theo tài liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, làng gốm Bàu Trúc được xem là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại cho đến ngày nay với những sản phẩm gốm thủ công và kỹ thuật nung độc đáo, mang đậm nét văn hóa Chăm.

Theo dân gian truyền tụng, tổ nghề của gốm Bàu Trúc là ông Poklong Chanh. Hơn ngàn năm trước, ông từ chối làm quan triều đình về làng dạy cho phụ nữ cách lấy đất, nặn, rồi nung thành những dụng cụ, vật trang trí trong nhà. Để tỏ lòng biết ơn tổ nghề, người dân làng Bàu Trúc đã lập đền thờ tưởng nhớ và tổ chức cúng tế ông vào dịp lễ hội Katê hàng năm.

Nét độc đáo của gốm Bàu Trúc là “gốm người xoay”. Đây là công đoạn làm gốm của các nghệ nhân, dù có nhiều công cụ hiện đại áp dụng vào ngành gốm nhưng bà con tại làng Bàu Trúc vẫn duy trì phương thức làm thủ công.

Thay vì dùng những chiếc bàn xoay khi nặn gốm, các nghệ nhân nơi đây lại dùng bàn chân để xoay quanh chiếc bàn cố định, dùng tay “nặn”, “nắn”, “miết” để biến một cục đất trở thành một tác phẩm nghệ thuật…

Trong khi đó, trong nghệ thuật chế tác gốm, đất sét được tạo dáng hình trên bàn kê, nghệ nhân vừa đi giật lùi xung quanh bàn kê, vừa dùng tay tạo hình sản phẩm ban đầu.

Nghệ nhân dùng từng lọn đất sét khác ráp nối với phần gốm cơ bản ban đầu để nâng thân gốm cao dần lên, sau đó bắt đầu tạo kiểu gốm theo ý tưởng của mình.

Công đoạn này người thợ sẽ dùng vải cuộn xếp thành 2- 3 lớp để thấm nước chà láng thân gốm. Sau đó bắt đầu công đoạn tạo hình cho miệng gốm được uốn lượn theo nét đặc trưng riêng của gốm Bàu Trúc.

Hoa văn trang trí trên gốm Bàu Trúc là những đường khắc vạch hình sông nước, chấm vỏ sò và thực vật, có cả hoa văn móng tay trên vai cổ gốm rất mộc mạc, gần gũi, nhẹ nhàng…

Sản phẩm gốm được nung lộ thiên ở nhiệt độ khoảng 500- 6.000 độ C trong 6 giờ, sau đó lấy ra để phun màu (loại màu này được chiết xuất từ trái dông, trái thị ở rừng) rồi được tiếp tục nung lại trong khoảng 2 giờ.

Do vậy, các sản phẩm gốm Bàu Trúc có màu đặc trưng, các màu, hoa văn ở mỗi sản phẩm đều khác nhau, tạo thành nét độc đáo cho các sản phẩm gốm, là món quà ý nghĩa sau mỗi lần đến thăm.

Năm 2017, nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

NGUYỄN DUY (thực hiện)

Đến với làng gốm Bàu Trúc, du khách như lạc vào không gian của đất, nước và con người hiền hòa, mang đậm nhiều nét văn hóa đặc trưng của người Chăm.
Đến với làng gốm Bàu Trúc, du khách như lạc vào không gian của đất, nước và con người hiền hòa, mang đậm nhiều nét văn hóa đặc trưng của người Chăm.

 

Bàn tay khéo léo của các nghệ nhân tạo thành các sản phẩm gốm độc đáo, đặc trưng.
Bàn tay khéo léo của các nghệ nhân tạo thành các sản phẩm gốm độc đáo, đặc trưng.

 

Công đoạn lấy lọn đất ráp nối với phần gốm cơ bản đã định hình ban đầu.
Công đoạn lấy lọn đất ráp nối với phần gốm cơ bản đã định hình ban đầu.

 

Từng công đoạn là từng động tác tỉ mỉ của các nghệ nhân, do được nặn thủ công nên các sản phẩm đều có nét riêng, không giống nhau.
Từng công đoạn là từng động tác tỉ mỉ của các nghệ nhân, do được nặn thủ công nên các sản phẩm đều có nét riêng, không giống nhau.

 

Công đoạn chà láng sản phẩm.
Công đoạn chà láng sản phẩm.

 

Một sản phẩm đặc trưng của nét văn hóa người Chăm.
Một sản phẩm đặc trưng của nét văn hóa người Chăm.

 

Màu sắc, hình dạng của gốm Bàu Trúc luôn mang trong mình sự khác biệt, là món quà độc đáo mỗi khi ghé đến đây.
Màu sắc, hình dạng của gốm Bàu Trúc luôn mang trong mình sự khác biệt, là món quà độc đáo mỗi khi ghé đến đây.