Mắc lừa từ "online"

Cập nhật, 08:37, Thứ Tư, 04/08/2021 (GMT+7)

Ngồi đưa võng cho đứa con mới 3 tháng đang nằm ngủ trong nôi, chị Thúy ngồi suy nghĩ miên man. Mấy tháng qua nghỉ hộ sản không đi làm tại một cơ quan nước ngoài nên thu nhập gia đình khó khăn nhiều hơn trước. Tiếng chuông điện thoại vang lên:

- Phải nhà chị Thúy hông?

- Ờ đúng rồi. Chị là ai vậy, tìm tôi có chuyện gì hông?

- Chị ở công ty mỹ phẩm cao cấp T. và N., nghe mấy đứa bạn nói em đang nghỉ hộ sản. Em ở nhà chắc buồn, vậy thì làm đại lý bán hàng cho chị đi, thu nhập khá lắm mà không có phải đi đâu hết.

- Vậy là sao? Chị nói cụ thể hơn đi.

- Thì em nhận bán hàng cho chị qua Facebook, Zalo bằng cách chia sẻ bài chị chuẩn bị sẵn, càng nhiều càng tốt. Mỗi tháng chị sẽ trả cho em từ 8 đến 10 triệu đồng.

- Sao nhiều vậy? Tôi có làm gì cực khổ lắm đâu.

- Chuyện nhỏ mà. Chưa hết đâu, khi có người mua hàng, em còn được chia lãi từ 15- 20% doanh số bán nữa đó. Vậy nghe.

2 ngày sau, chị Thúy nhận được một cuộc điện thoại đặt hàng với tổng giá tiền trên 30 triệu đồng. Ngay lập tức chị gọi điện báo tin cho “sếp tổng” và được trả lời: Hàng xuất kho phải thanh toán bằng tiền mặt, phần hoa hồng sẽ là 20%. Vì vậy, chị phải vay mượn người thân đủ số tiền trên và nhận lấy thùng hàng. Người này còn cảnh báo, chị nên bắt người mua “dằn cọc” 20% để tránh trường hợp bị “bom hàng”. Chị nhẩm tính, chỉ cần ngồi nhà giao dịch mà lát nữa đây mình sẽ có tiền hoa hồng đến 6 triệu đồng, chuyện quá đơn giản và nhẹ nhàng. Để an tâm hơn, chị yêu cầu người mua hàng đặt cọc 20% và được một người phụ nữ đến tận nhà giao tiền sau khi đã nhận biên nhận và hẹn cuối ngày quay trở lại nhận hàng.

1 ngày, 2 ngày rồi cả tuần sau không thấy người đặt hàng đến nhận, gọi điện chỉ nghe tiếng tổng đài viên thông báo “số máy này đã bị khóa”; gọi đến số máy sếp tổng thì chỉ nghe mấy tiếng kêu tút... tút... tút kéo dài. Chị mơ hồ nhận ra mình đã bị quả lừa chăng? Để kiểm chứng, chị mang thùng mỹ phẩm cao cấp trên đến một công ty chủ quản gần nhất thì mới biết toàn bộ sản phẩm đều là hàng giả. Vậy là chị đã dính quả lừa ngọt xớt và mất trắng 24 triệu đồng bởi trả lại sản phẩm không được (chúng sử dụng các địa chỉ “ma”), muốn sử dụng cũng không xong.

Đây là thủ đoạn tương đối mới mà bọn bất lương thường nhắm vào phụ nữ không có việc làm ổn định, thường xuyên ở nhà, muốn có thêm thu nhập, có hiểu biết và sử dụng thành thạo điện thoại thông minh, trên các trang mạng xã hội nên người dân cần cảnh giác.

PHƯƠNG ANH