Nhờ tòa đòi... "hụi chết"

Cập nhật, 08:19, Thứ Năm, 20/01/2022 (GMT+7)

Hụi là hình thức huy động vốn xoay vòng do người dân tổ chức, dựa trên sự tự nguyện giữa hụi viên và đầu thảo (chủ hụi). Nhờ hụi, nhiều người tích lũy được của cải, sửa sang nhà cửa, chăm lo con cái học hành. Còn mặt trái, hụi cũng tiềm ẩn vô số rủi ro, bởi khi chủ hụi hoặc hụi viên không thực hiện đúng cam kết hoặc cố tình thực hiện hành vi gian dối buộc đôi bên phải kéo nhau ra tòa giải quyết.

Ông Đ.V.L. (ngụ huyện Bình Tân) là chủ hụi, còn bà T.T.T.V. là hụi viên. Người phụ nữ này dành dụm được chút vốn, trích ra một phần chơi hụi với mong muốn kiếm chút đỉnh tiền lời trang trải cuộc sống. Dù vậy, khi hốt hụi xong, bà V. không đóng “hụi chết”, còn ông L. thì nể tình chỗ quen biết vì bà V. và vợ ông là đồng nghiệp nên đứng ra “gánh” thay.

Mãn hụi, ông L. “kết sổ” thì bà V. nợ ông 151 triệu đồng. Chủ hụi làm biên nhận cho hụi viên ký tên và cam kết mỗi ngày trả 300.000đ đến khi hết nợ. Sau đó, bà V. có trả cho ông L. nhiều lần với tổng số tiền hơn 26 triệu đồng rồi… lặn biệt tăm. Liên lạc nhiều lần nhưng bà V. cố trình né tránh, ông L. làm đơn kiện ra TAND huyện Bình Tân yêu cầu giải quyết buộc người phụ nữ này phải trả khoản nợ còn lại hơn 124 triệu đồng.

Quá trình giải quyết vụ án, tòa nhiều lần triệu tập nhưng và V. đều vắng mặt không lý do. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ, trong đó có biên nhận nợ giữa chủ hụi và hụi viên, HĐXX nhận định việc bà V. thiếu ông L. 151 triệu đồng là có thật và đã trả được hơn 26 triệu đồng, còn thiếu hơn 124 triệu đồng. Do vậy, HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bà V. phải trả cho ông L. số tiền này.

Trường hợp vợ chồng bà N.T.P. và ông V.V.H. (Vũng Liêm) tham gia đến 5 dây hụi tháng. Do không “lượng sức” nên mất cân đối tài chính, hốt rồi không đủ khả năng đóng “hụi chết” dẫn đến tranh chấp, thưa kiện kéo dài.

Chủ hụi là bà V.T.V. (Vũng Liêm) cho biết hụi viên chủ yếu là người thân, hàng xóm, trong đó có vợ chồng bà P.. Do nể nang nên bà “bấm bụng” gom tiền nhà đóng bù “hụi chết” cho bà P. nhiều tháng liền với số tiền lên đến 251 triệu đồng. Cầm cự hết nổi, bà V. kiện ra tòa đòi quyền lợi. Sau đó, vợ chồng bà P. có trả được 70 triệu đồng, còn lại 181 triệu đồng xin trả dần hàng tháng.

Khi tòa triệu tập, vợ chồng bà P. cố tình vắng mặt không lý do, không hợp tác nhưng qua nghiên cứu các tài liệu và các chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ và lời trình bày của đương sự, được thẩm tra tại phiên tòa, HĐXX nhận định, hợp đồng góp hụi giữa bà V. với vợ chồng bà P. được ký kết trên cơ sở tự nguyện. Bà V. đã thực hiện xong nghĩa vụ là giao tiền hụi nên vợ chồng bà P. phải có nghĩa vụ trả lại cho bà V. 181 triệu đồng.

Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi tắt là hụi) được pháp luật thừa nhận và quy định tại Điều 471 của Bộ luật Dân sự. Điều này nêu rõ hụi là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh hụi và quyền, nghĩa vụ của các thành viên. Việc tổ chức hụi nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp việc tổ chức hụi có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của bộ luật này. Đồng thời, nghiêm cấm việc tổ chức hụi dưới hình thức cho vay nặng lãi.

Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 19/2019/NĐ-CP, quy định không được tổ chức hụi để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.

TRUNG HƯNG