"Cái bang" cũng vào mùa tết

Cập nhật, 06:08, Thứ Năm, 25/01/2018 (GMT+7)

Còn hơn 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, mỗi năm cứ vào thời điểm này là “cái bang” có mặt ngày càng nhiều ở chợ búa, bến tàu xe,… Thật giả lẫn lộn khiến cho tình hình an ninh trật tự (ANTT) thêm phức tạp.

Hồ Văn Tâm giả làm “cái bang”.
Hồ Văn Tâm giả làm “cái bang”.

Dịp tết, ai đi phà An Bình- Vĩnh Long không khỏi chạnh lòng khi đôi lúc trên chuyến phà có tới 2- 3 người ăn xin.

Trong số “cái bang” thường xuyên bám phà mưu sinh, có 2 phụ nữ khoảng 60 tuổi dáng người nhỏ thó, mặc quần áo cũ kỹ, rách rưới.

Một người mang theo toa thuốc, than vãn mắc phải căn bệnh hiểm nghèo nhưng không có tiền điều trị nên nhờ lòng thương hại của khách. Nghe bà lão kể hoàn cảnh, nhiều người cảm thương đã móc tiền ra giúp đỡ.

Những ngày này, ở bến phà An Bình lại xuất hiện thêm 2 “cái bang nghệ sĩ”. Khi phà đông khách thì người sáng mắt cầm đờn dẫn một người mù đánh chiếc trống nhỏ len lỏi trong dòng người.

Họ cất lên những bài ca thân phận nghe não lòng, làm cho nhiều người cảm kích “tài năng” mà móc túi cho tiền.

Cũng ở bến phà này, thi thoảng còn có nhóm trẻ em độ 6- 7 tuổi, người ốm nhom, đen nhẻm, tóc cháy vàng vì nắng trông rất đáng thương, xòe tay xin tiền khách lúc đợi phà. Nhưng nhiều người cho biết, các em đi xin nhưng cha mẹ ngồi quán hay ở nhà chờ các con đem tiền về nuôi.

Thời gian qua, một số đối tượng xem ăn xin như một cái nghề dễ kiếm ra tiền nên xuất hiện “cái bang dỏm”. Như trường hợp Hồ Văn Tâm (29 tuổi, xã Cần Đăng, huyện Châu Thành- An Giang) khoác lên mình bộ đồ rách rưới, quấn khăn rằn che kín mặt để giả người mù đi ăn xin.

Tâm thuê phòng trọ ở TP Vĩnh Long hàng ngày đến Khu công nghiệp Hòa Phú xin tiền công nhân. Mới hành nghề được vài ngày thì Tâm bị Công an xã Phú Quới vạch trần bộ mặt thật.

Tại trụ sở công an, Tâm khai nhận nhóm có 3 người hành nghề “cái bang” hơn 1 năm nay và mỗi ngày Tâm hành nghề 2- 3 tiếng, thu nhập khoảng 300.000đ. Tâm còn cho biết anh ta cùng với 2 “đồng nghiệp” phải trải qua 1 tháng “học nghề” ở trên núi mới “hạ sơn” làm ăn.

Không phủ nhận là trong cuộc sống vẫn còn những trường hợp vì hoàn cảnh nghèo khó, bệnh tật mà đẩy đưa ra đường sống nhờ vào lòng thương hại.

Những trường hợp ấy thật đáng thương và rất cần mọi người chung tay giúp đỡ. Tuy nhiên, có những người mạnh khỏe nhưng vì lười lao động hoặc lợi dụng trẻ em để kêu gọi lòng thương hại của mọi người thì rất đáng lên án.

Bài, ảnh: HOÀI NAM