"Nóng" chuyện công khai rao bán tiền giả trên mạng xã hội

Cập nhật, 06:58, Thứ Ba, 13/12/2016 (GMT+7)

 

Nhiều tài khoản mạng xã hội công khai rao bán tiền giả như thế này.
Nhiều tài khoản mạng xã hội công khai rao bán tiền giả như thế này.

“1 triệu tiền thật đổi được 6 triệu tiền giả”, hay “2 triệu tiền thật đổi được 13 triệu tiền giả”,“hàng Thái giống 95%, chỉ máy quét mới phát hiện” hoặc “hàng mới in, hàng mới về, đảm bảo uy tín, giống y như thật”,… những lời chào hàng như thế gần đây xuất hiện khá nhiều và công khai trên mạng xã hội, nhất là facebook.

Thực tế, nếu giao dịch thành công thì cả người bán và người mua đều đã vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án cao nhất là chung thân.

1 vốn... 5, 6 lời

Chỉ cần tìm kiếm trên facebook với từ khóa “mua bán tiền giả” là có ngay hàng trăm kết quả. Những trang thế này cũng có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn thành viên theo dõi, với nhiều bình luận, chia sẻ, thậm chí “đánh dấu” thêm bạn bè để rủ rê.

Hơn 2 tuần nay, trên trang facebook “Chợ tốt Vĩnh Long” liên tục xuất hiện những hình ảnh tiền giả từ facebook tên T.N. và V.V.Q.

Liên tục úp hình ảnh những tờ tiền có mệnh giá 200.000đ, 500.000đ, tài khoản này giới thiệu: “Tiền mới in, bao ship, tỷ lệ giao dịch lần đầu: 1.000.000đ= 10.000.000đ, tỷ lệ giao dịch là khách quen 1 triệu đồng (thật)= 6 triệu đồng (giả), kèm theo số điện thoại để liên hệ.

Vài ngày sau, tài khoản này lại tiếp tục đăng thông tin: “Hàng về, hàng về, lô hàng tờ 200k và 500k, bao ship toàn quốc, tin thì mua giao dịch lần đầu thì phải đặt cọc”.

Đồng thời, còn “cẩn thận” chia tỷ lệ đặt cọc cụ thể: dưới 1 triệu đồng cọc 100%, trên 1 triệu đồng cọc 50%, trên 5 triệu đồng cọc 20%, trên 20 triệu đồng cọc 10%, và nhấn mạnh “không cọc không giao hàng”.

Tài khoản này còn khẳng định mình “làm ăn uy tín, chất lượng là hàng đầu,…” và còn “hướng dẫn” nên sử dụng tiền giả tại các quán ăn, quán bar,… để hạn chế bị phát hiện.

Tương tự, cũng đăng hình ảnh liên tục trên trang “Việc làm Vĩnh Long”, tài khoản facebook P.T.L. giới thiệu: đợt này còn khách nào muốn mua hàng thì inbox (nhắn tin riêng trên facebook), xong lô này bên mình trở lại “mua bán làm ăn ngầm” với khách.

Và còn thông báo tỷ lệ vẫn như cũ: 1 triệu đồng tiền thật đổi 6 triệu đồng giả, còn có khuyến mãi: 2 triệu đồng thật đổi 13 triệu đồng giả.

Tài khoản này còn công khai số điện thoại để khách hàng liên hệ. Trong khi đó, tài khoản facebook T.N. lại chào mời bằng những lời “có cánh”: Hàng Thái giống 95%, chỉ máy quét mới phát hiện và cũng mời gọi khách hàng inbox”.

Trong vai “khách hàng”, chúng tôi nhắn tin theo số điện thoại được công khai trên facebook P.T.L. và nhận được phản hồi “muốn mua bao nhiêu, sẽ giao hàng tận nơi với tỷ lệ đổi tiền là 1 triệu đồng tiền thật thành 6 triệu đồng tiền giả”.

Khi chúng tôi đặt nghi ngờ sự an toàn trong quá trình giao dịch, người này liền trấn an “an toàn, không gì đâu” và hỏi liên tục số lượng tiền giả cần mua và địa chỉ để “giao hàng”.

Người mua, người bán đều vi phạm

Hiện nay, việc lập tài khoản mạng xã hội khá dễ dàng nên nhiều đối tượng đã lợi dụng để biến thành “kênh quảng bá” cho hành vi phạm tội của mình, trong đó có hành vi mua bán tiền giả.

Đánh giá của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), việc rao bán tiền giả trên mạng thời gian gần đây hoạt động khá công khai. Có trường hợp lợi dụng việc mua bán tiền giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác.

Theo cơ quan chức năng, hành vi lưu hành tiền giả là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế vì tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ và làm mất giá trị của đồng tiền thật.

Theo luật sư Nguyễn Hòa Thuận- Chi nhánh Văn phòng luật sư Thuận Nguyễn (Phường 3- TP Vĩnh Long), hiện nay luật đã quy định rất rõ ràng về tội “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả”.

Khi giao dịch thành công thì cả người bán và người mua đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Và dù người mua tiền giả chỉ tàng trữ mà không sử dụng, nếu bị cơ quan chức năng phát hiện thì cũng được xem là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo đó, nếu người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có giá trị dưới 3 triệu đồng thì bị phạt tù 3- 7 năm.

Nếu giá trị tiền giả từ 3 đến dưới 50 triệu đồng, người phạm tội bị phạt tù 5- 12 năm, còn nếu từ 50 triệu đồng trở lên thì có thể chịu 10- 20 năm tù hoặc chung thân.

Luật sư Nguyễn Hòa Thuận cho biết thêm, trường hợp người mua chuyển tiền thật để mua tiền giả nhưng người bán không giao thì người mua vẫn có thể bị xử lý về hành vi lưu hành tiền giả.

Còn người bán có thể bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi có thể xảy ra trường hợp, bọn lừa đảo sau khi nhận được tiền đặt cọc sẽ “lặn” mất, đồng thời khóa tài khoản mạng xã hội, đổi số điện thoại,… thì người mua xem như mất trắng.

 

 

Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân nên kiểm tra thật kỹ các tờ tiền trước khi lưu hành.

 

Theo đó, đưa tờ tiền lên trước nguồn sáng để kiểm tra hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và dây an toàn (dây bảo hiểm).

 

Ở tiền thật sẽ nhìn thấy trên cả 2 mặt tờ tiền: hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nền giấy, được thể hiện bằng nhiều đường nét tinh xảo; dây an toàn có các chữ và số rõ ràng, sắc nét và sáng hơn màu nền xung quanh.

 

Ở tiền giả thì không có hình bóng chìm và dây an toàn; hoặc hình bóng chìm không tinh xảo như tiền thật, chỉ là hình mô phỏng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trên bề mặt; các chữ, số trên dây an toàn không rõ ràng, sắc nét và tối hơn nền giấy.

 

Dùng tay vuốt nhẹ tờ tiền để kiểm tra các chi tiết in nổi (tại các vị trí: dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”, Quốc huy, hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chữ và số mệnh giá...).

 

Ở tiền thật sẽ có cảm giác nhám, ráp khi vuốt lên các chi tiết này. Ở tiền giả thì chỉ có cảm giác trơn lì, không nhám, ráp như tiền thật.

 

 

Bài, ảnh: NGUYÊN HƯNG