Xử lý hình sự "đinh tặc"

Cập nhật, 14:34, Thứ Tư, 15/06/2016 (GMT+7)

Từ 1/7, “đinh tặc” bị xem xét xử lý hình sự khi bị bắt quả tang mà không cần chứng minh hậu quả gây ra.

Vật nhọn “đinh tặc” rải xuống đường gây ra biết bao tai nạn cho người đi đường.Ảnh: NLĐ

Vật nhọn “đinh tặc” rải xuống đường gây ra biết bao tai nạn cho người đi đường.Ảnh: NLĐ

 

Bẫy đinh trên đường không đơn thuần chỉ gây tốn kém vài chục ngàn đồng vá xe, thay ruột mà nó còn gây TNGT làm chết người như nhiều trường hợp đã xảy ra trên cả nước. Từ ngày 1/7, khi áp dụng Bộ luật Hình sự 2015, “đinh tặc” sẽ khó sống; bởi chỉ cần bắt quả tang họ rải đinh là có thể xử lý hình sự mà không cần phải chứng minh hậu quả gây ra.

Theo Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015, hành vi rải vật sắc nhọn trên đường bộ nếu gây ra hậu quả chết người, gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 30- 100 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc tình tiết định khung tăng nặng thì “đinh tặc” có thể bị xử phạt đến 10 năm tù…

Việc áp dụng các khung hình phạt nói trên xảy ra khi “đinh tặc” đã gây ra hậu quả theo cấp độ mà điều luật đã liệt kê.

Cụ thể:

1. Phạt tiền từ 30.000.000- 100.000.000đ, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31- 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61- 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000- dưới 500.000.000đ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000- 300.000.000đ hoặc phạt tù từ 2- 7 năm:

a) Tại các đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm;

b) Làm chết 2 người;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122- 200%;

đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000- dưới 1.500.000.000đ.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5- 10 năm:

a) Làm chết 3 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000đ trở lên.

4. Gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31- 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31- 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000- 100.000.000đ hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

5. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5.000.000- 20.000.000đ hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm.

Như vậy, theo khoản 5 thì chỉ cần bắt quả tang họ rải “đinh” là có thể xử lý hình sự mà không cần phải chứng minh hậu quả gây ra.

HÙNG HẬU