Câu chuyện pháp luật

Vợ lớn kiện vợ bé đòi thừa kế

Cập nhật, 07:17, Thứ Năm, 31/07/2014 (GMT+7)

Do chồng chết không để lại di chúc nên vợ “lớn” và các con đã gửi đơn kiện ra tòa đòi lại khối tài sản mà vợ “bé” đang quản lý.

Ông B.V.L. ở xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn) và bà P.T.T. sống với nhau từ năm 1961, sinh được 4 người con. Quá trình chung sống, ông L. có quan hệ “ngoài luồng” với một phụ nữ tên N.H.C. Được một thời gian, ông L. chia tay bà C. và chung sống như vợ chồng với bà P.T.N. tại nhà số 135B (Khóm 4, Phường 5- TP Vĩnh Long).

Năm 1996, ông L. nộp đơn xin ly hôn bà T. nhưng bị TAND các cấp xử bác yêu cầu. Sau đó, ông L. vẫn tiếp tục chung sống với bà N. tại Phường 5, còn bà T. thì sống cùng các con ở Trà Ôn.

Tháng 9/2010, ông L. chết không để lại di chúc nên bà T. và các con gửi đơn ra tòa yêu cầu bà N. phải giao trả căn nhà 135B gắn với 987,9m2 đất tại Phường 5. Bà T. sẽ hỗ trợ cho bà N. 50 triệu đồng. Theo bà T., khối tài sản này là của chung vợ chồng bà nên mỗi người sở hữu một nửa. Do ông L. chết không để lại di chúc nên một nửa tài sản của ông L. là di sản thừa kế chỉ có vợ và các con ông được hưởng.

Không đồng ý với yêu cầu trên, ngày 21/1/2013, bà N. có đơn phản tố, cho rằng: Bà và ông L. tuy không đăng ký kết hôn nhưng chung sống như vợ chồng từ năm 1990. Năm 1991, bà và ông L. hùn mua căn nhà gỗ gắn với 1.500m2 đất của ông Phạm Hồng Sơn tại Phường 5.

Trong đó, phần bà bỏ ra 18 chỉ vàng 24K và 2 triệu đồng (chiếm 92,97%), ông L. bỏ tiền ra mua thêm 41,8m2 và chịu chi phí làm thủ tục trước bạ sang tên (chiếm 7,03%) nên toàn bộ nhà đất là tài sản chung của bà và ông L.

Quá trình chung sống, ông L. đã chiết bán một phần đất lấy tiền cất nhà số 135B, làm sân, xây hàng rào, cho bà T. và các con một số tiền nên hiện nay, khối tài sản chung của bà và ông L. chỉ còn căn nhà 135B gắn với quyền sử dụng đất (QSDĐ) diện tích 987,9m2.

Do đó, bà N. không đồng ý giao trả nhà đất cho bà T. mà yêu cầu tòa công nhận cho bà được quyền sở hữu sử dụng 92,97% khối tài sản; bà sẽ hoàn giá trị của 7,03% tài sản còn lại quy ra tiền hơn 7,5 triệu đồng cho bà T.

Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện đòi tài sản và hưởng thừa kế. Riêng bị đơn thay đổi yêu cầu phản tố đòi chia đôi khối tài sản gồm nhà và đất, tổng giá trị hơn 257 triệu đồng.

Theo HĐXX: Bà T. và ông L. chung sống với nhau từ năm 1961, tuy không đăng ký kết hôn nhưng vẫn được pháp luật công nhận là vợ chồng vì đây là hôn nhân thực tế theo quy định của pháp luật. Năm 1996, ông L. xin ly hôn bà T. nhưng bị TAND các cấp xử bác yêu cầu.

Như vậy, về mặt pháp lý hôn nhân giữa ông L. và bà T. vẫn tồn tại nên khối tài sản trên là tài sản chung của ông L. và bà T. Việc ông L. chung sống như vợ chồng với bà N. là vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.

Riêng nguồn tiền dùng để mua nhà đất của ông Sơn, bà N. cho rằng do bà hùn với ông L. Chuyện này, có bà Hồ Ngọc Huệ biết rõ. Nhưng qua làm việc, bà Huệ khai “chỉ nghe bà N. và ông L. nói lại chứ không tận mắt chứng kiến giao dịch giữa các bên”. Bà N. cũng không xuất trình được chứng cứ chứng minh việc hùn vốn mua nhà và đất của ông Sơn.

Trong khi ông Sơn thừa nhận chỉ giao dịch bán nhà và đất cho một mình ông L. Khi giao tiền cũng chỉ có ông L. đưa, không có người phụ nữ nào khác. Tại thời điểm đó, ông L. đang quan hệ nam nữ với bà N.H.C., còn bà N. là ai ông không biết.

Năm 2001, khi kê khai đăng ký QSDĐ, ông L. không ghi tên bà T. là người được đồng sử dụng mà tự ý ghi tên bà N. vào và được cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ có 2 thành viên là ông và bà N. Do đó, việc ông L. tự ý định đoạt toàn bộ khối tài sản chung cho bà N. được quyền đồng sử dụng khi chưa có sự đồng ý của bà T. là không đúng pháp luật.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 219 Bộ luật Dân sự, nếu ông L. cho bà N. được quyền đồng sử dụng tài sản thì cũng chỉ được quyết định trong phạm vi một nửa khối tài sản thuộc quyền sử dụng của ông.

Vì thế, một nửa tài sản ông L. và bà N. đồng sử dụng được chia ra 2 phần bằng nhau, một phần thuộc quyền sở hữu của bà N., phần còn lại những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông L. là bà T. và các con được thừa hưởng. Cụ thể, bà T. và các con được sở hữu 3/4, bà N. sở hữu 1/4 khối tài sản chung này.

Xét hiện trạng căn nhà 135B diện tích hẹp không thể phân chia bằng hiện vật và để thuận tiện cho việc phân chia không làm manh mún, giảm giá trị tài sản, HĐXX căn cứ tình hình thực tế và nhu cầu chỗ ở thì bà N. đã ở trong căn nhà 135B cùng ông L. thời gian khá lâu nên ưu tiên công nhận cho bà N. được sở hữu toàn bộ căn nhà gắn với 152,5m2 tại số 135B; phần đất còn lại bằng 835,4m2 thuộc loại đất vườn thì công nhận quyền sử dụng chung cho bà T. và các con của bà với ông L.

Mặc dù giá trị căn nhà gắn với 152,5m2 đất quy ra bằng tiền cao hơn giá trị của 1/4 khối tài sản bà N. được chia. Nhưng xét công sức bà N. chăm sóc ông L. trong thời gian chung sống và giữ gìn khối tài sản trên nên HĐXX không buộc bà N. hoàn lại phần chênh lệch cho bà T.

Theo đó, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long đã tuyên án sơ thẩm công nhận bà N. được quyền sở hữu toàn bộ căn nhà 135B gắn với 152,5m2 tọa lạc tại Phường 5; bà T. và các con được quyền sử dụng 835,4m2 đất còn lại.

Phán quyết trên xem như đã giúp ông L. “trọn nghĩa, vẹn tình” với những người ở lại. Nhưng qua đó cũng nhắc nhở mọi người nên chấp hành nghiêm Luật Hôn nhân và Gia đình để tránh những rắc rối không hay như câu chuyện vừa nêu.

DIỄM PHƯỢNG