Lối đi mới thay nghề nuôi vịt chạy đồng

Cập nhật, 07:48, Thứ Tư, 15/09/2021 (GMT+7)

 

 Nhờ nuôi vịt chạy đồng kết hợp nuôi nhốt giúp nhiều hộ như anh Tư Lành (ấp Rạch Rô, xã Trung Chánh- Vũng Liêm) thoát nghèo.Ảnh: TL
Nhờ nuôi vịt chạy đồng kết hợp nuôi nhốt giúp nhiều hộ như anh Tư Lành (ấp Rạch Rô, xã Trung Chánh- Vũng Liêm) thoát nghèo.Ảnh: TL

Nuôi vịt chạy đồng là nghề từ lâu đã gắn chặt với cuộc sống của dân miệt đồng vùng ĐBSCL, nhất là hộ nghèo. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề này gặp nhiều khó khăn, rủi ro do đồng chăn thả bị thu hẹp, do dịch cúm gia cầm... đã khiến cho nhiều hộ nuôi lắm phen khốn đốn.

Hiện vẫn còn nhiều đánh giá khác nhau về nghề nuôi vịt chạy đồng và ngành thú y cho rằng hình thức nuôi này không an toàn sinh học. Tuy nhiên, vì lợi ích kinh tế, xã hội và là nghề lâu đời nên nông dân vẫn còn nuôi.

Để duy trì và phát triển nghề nuôi vịt, trong những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện một số mô hình chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học phù hợp với xu hướng chung trên thế giới và đã thử nghiệm, chuyển giao để giúp cho hộ chăn nuôi, nhất là những hộ khó khăn về nuôi vịt chạy đồng chuyển đổi sang hình thức chăn nuôi vịt mới.

Trước hết có thể kể đến hình thức nuôi nhốt kết hợp chăn thả (hình thức chăn nuôi bán công nghiệp có đầu tư chuồng trại, cho ăn thức ăn công nghiệp). Hình thức này có 2 cách: nuôi nhốt kết hợp thả vịt ra đồng, xuống kinh và nuôi nhốt kết hợp thả vịt xuống ao thả cá.

Cách nuôi nhốt kết hợp thả vịt ra đồng, xuống kinh thích hợp cho nuôi vịt đẻ trứng. Vịt nuôi nhốt trên bờ kinh, có mở lối cho vịt xuống nước. Đến mùa thu hoạch lúa thì thả vịt ra đồng. Có thể nuôi các giống vịt tàu, siêu trứng, giống lai hướng trứng.

Nuôi theo cách này, vịt có thể kiếm được thức ăn dưới lòng kinh như cá, hến và có thể bổ sung thêm thức ăn tươi (cua, ốc bươu vàng...), thức ăn chế biến sẵn (thức ăn công nghiệp) cho chúng.

Cách nuôi nhốt kết hợp thả cá có thể áp dụng ở những cơ sở sản xuất vịt con nuôi lấy thịt. Nuôi vịt trên ao cá, phân vịt thải ra cho cá ăn hoặc tạo nguồn thủy sinh trong ao phát triển làm thức ăn cho cá. Cách này giúp giảm đáng kể chi phí dọn chuồng, cung cấp nước uống cho vịt.

Hình thức nêu trên thường được các hộ nuôi vịt chạy đồng và hộ nuôi có quy mô nhỏ, có vốn đầu tư thấp và có điều kiện thả nuôi áp dụng.

Anh Tư Lành (58 tuổi, ở ấp Rạch Rô, xã Trung Chánh- Vũng Liêm) có trên 20 năm trong nghề nuôi vịt. Anh cho biết, trước đây anh nuôi vịt chạy đồng.

Năm 2005, anh được cán bộ chăn nuôi thú ý huyện vận động chuyển sang nuôi nhốt kết hợp thả đồng để hạn chế dịch bệnh.

Anh mua lưới mùng, vải bạt làm chuồng che chắn nuôi 2.000 con vịt tàu đẻ. Hình thức nuôi này đã giúp đàn vịt của anh giảm rõ rệt dịch bệnh và còn kết hợp cho vịt ăn thức ăn tự chế, thức ăn công nghiệp nên vịt tăng trọng nhanh, đẻ trứng tốt.

Từ đó đến nay, mỗi năm đàn vịt này sản xuất trên 400.000 trứng (bình quân 200 trứng/con), đem lại thu nhập cho anh vài trăm triệu đồng. Nhờ nuôi vịt này đã giúp anh thoát nghèo trở nên khấm khá.

Kế đến là hình thức nuôi vịt nhốt hoàn toàn. Vịt nuôi không thả ra kinh, ra đồng. Phần lớn thức ăn cho vịt phải mua, vịt ăn thức ăn nhiều hơn nên giá thành cao.

Hình thức này phù hợp trong lúc có dịch cúm, giúp người nuôi kiểm soát tốt dịch bệnh, người chế biến và người tiêu dùng an tâm hơn.

Những năm qua, ngành nông nghiệp đã khảo nghiệm, chuyển giao nhiều mô hình nuôi vịt theo hình thức này.

Giai đoạn 2010- 2017, Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp- PTNT) đã triển khai thực hiện dự án “Hỗ trợ phát triển chăn nuôi vịt siêu thịt quy mô nông hộ theo hướng an toàn sinh học” trên địa bàn các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Mang Thít và Trà Ôn.

Mỗi huyện xây dựng 11 mô hình chăn nuôi vịt siêu thịt, mỗi hộ/1 mô hình được hỗ trợ 100% chi phí mua vịt giống (200 con/điểm) và 20% chi phí thức ăn. 

Kết quả cho thấy, vịt nuôi nhanh lớn, dễ chăm sóc và quản lý, vịt không mắc bệnh; sau 2 tháng nuôi, vịt đạt trọng lượng bình quân 3 kg/con, lợi nhuận thu được khoảng 40% số thu, đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội và môi trường cho người nuôi.

Giai đoạn 2017- 2020, Trung tâm Khuyến nông triển khai dự án “Xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng vịt theo hướng giá trị gia tăng”, trong đó hỗ trợ 6 mô hình nuôi vịt bố mẹ giống Triết Giang, TC và 152 mô hình (500 con/mô hình) nuôi vịt chuyên đẻ trứng. 

Đa phần các hộ đều nuôi nhốt (nuôi rọ) nên bị hao hụt thấp (4,5%), ít dịch bệnh, tỷ lệ đẻ trứng đạt 90%. 

Dự án bước đầu hình thành chuỗi khép kín trong chăn nuôi vịt chuyên trứng từ cơ sở vệ tinh cung cấp con giống- người chăn nuôi-công ty cung cấp thức ăn- doanh nghiệp tiêu thụ trứng- chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Cụ thể là thành lập được 20 nhóm liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng vịt; liên kết với 4 cơ sở thu mua hết số trứng vịt cho số nhóm này với giá theo thời điểm nhưng cao hơn thị trường 100- 200 đ/trứng.

Từ tháng 6- 9/2020, Trung tâm Khuyến nông đã khảo nghiệm nuôi nhốt dòng vịt siêu thịt TS132, là dòng vịt mới được Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi gia cầm VIGVA lai tạo năm 2018 tại 3 điểm (300 con/điểm) ở 3 huyện Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, vịt nuôi bằng thức ăn chuyên dụng.

Kết quả cho thấy vịt này thích nghi tốt trong điều kiện của tỉnh, tỷ lệ sống cao, tăng trọng nhanh chỉ sau 8 tuần nuôi trung bình đạt 3,2 kg/con, tiêu tốn thức ăn chỉ 2,4kg thức ăn/kg tăng trọng (thấp hơn từ 0,03- 0,15kg thức ăn/kg tăng trọng so với giống vịt khác), đây là giống vịt hứa hẹn nhân rộng trong thời gian tới...

Hiện nay đa số hộ nuôi ở Vĩnh Long nuôi theo hình thức nuôi nhốt hoàn toàn quy mô lớn, nuôi tập trung trong trang trại công nghiệp, đặc biệt là các trang trại chăn nuôi lấy trứng, gây giống.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 122 trang trại nuôi vịt theo hình thức này. Đầu tư quy mô và nuôi theo công nghệ hiện đại hơn có 1 trang trại ở xã Mỹ Phước (Mang Thít) nuôi khoảng 20.000 con vịt siêu thịt trong chuồng lạnh khép kín với hệ thống máng uống tự động và sử dụng hệ thống biogas, chế phẩm sinh học EM để xử lý chất thải.

Đây là mô hình nuôi vịt nhốt trong chuồng lạnh duy nhất và có hiệu quả ở Vĩnh Long từ năm 2018 đến nay.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp- PTNT, việc hướng hộ chăn nuôi vịt theo hướng nuôi tập trung, nuôi nhốt, an toàn sinh học đòi hỏi người nuôi có vốn đầu tư khá, có kiến thức, kỹ thuật nuôi và cần lưu tâm đến chất lượng con giống (nhất là con giống bố, mẹ); quy trình chăn nuôi cần bảo đảm từ lò ấp nở đến nguồn thức ăn, nước uống như vậy mới nâng cao sản lượng, chất lượng thịt, trứng vịt.

Đồng thời, người nuôi cần tham gia chuỗi khép kín từ nơi sản xuất đến bàn ăn, liên kết với doanh nghiệp để đầu ra của thịt, trứng vịt được ổn định.

Bài, ảnh: MỸ TRUNG