Thông xe cầu vòm thép Tân An: Cánh diều bay giữa Đồng Tháp Mười

Cập nhật, 15:26, Thứ Hai, 08/06/2020 (GMT+7)

Cầu Tân An qua sông Vàm Cỏ Tây thuộc địa bàn tỉnh Long An trên Quốc lộ 1 (QL1) và 5 cầu xây dựng trên tuyến N1 vừa chính thức được thông xe. 6 cây cầu này chính thức được đưa vào sử dụng sẽ làm tăng khả năng kết nối của khu vực đồng bằng sông Cửu Long với các trung tâm kinh tế khác.

Cầu Tân An nhìn từ xa như cánh diều bay giữa Đồng Tháp Mười.
Cầu Tân An nhìn từ xa như cánh diều bay giữa Đồng Tháp Mười.

Công trình cầu Tân An trên QL1 và 5 cầu trên QL N1 trên địa bàn tỉnh Long An gồm các cầu: Mỏ Heo, Kênh T62, Kênh T4, Kênh T2 và Kênh T61 là 6 cầu thuộc Dự án Tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ 2 (Dự án TSL2), được đầu tư bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Tổng giá trị hợp đồng của 6 cầu trên địa bàn tỉnh Long An khoảng 165 tỷ đồng, trong đó cầu Tân An trên QL1 là cầu lớn nhất với giá trị 110 tỷ đồng được khởi công vào cuối quý 4/2019, 5 cầu còn lại giá trị khoảng 55 tỷ đồng.

Về quy mô, cầu Tân An trên tuyến QL1 được xây dựng vượt qua sông Vàm Cỏ Tây, cách cầu hiện hữu nằm bên phải tuyến khoảng 10m. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 1.046m, trong đó phần cầu dài 301m, rộng 12m (hai là xe cơ giới), được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, vận tốc thiết kế 60km/h, nhịp chính của cầu có kết cấu thép dạng vòm mạng lưới với chiều dài 63m.

Còn lại, 5 cầu (Mỏ Heo, Kênh T62, Kênh T4, Kênh T2 và Kênh T61) được xây dựng trên tuyến N1, mỗi cầu được thiết kế rộng 9m.

Ông Ryoji Takeuchi, Giám đốc Tư vấn giám sát củaDự án (Liên danh KEI – OCG – TEDI) cho biết: Cầu Tân An bắc qua sông Vàm Cỏ Tây là công trình có kết cấu đặc biệt, dạng "cầu vòm thép mạng lưới" chưa phổ biến ở Việt Nam, kết cấu này nâng cao tính thẩm mỹ cho công trình. Thêm vào đó, thời gian thi công cầu Tân An chỉ trong vòng nửa năm cũng là một điểm đặc biệt trong công tác thi công, xây dựng. Trong quá trình thi công, các nhà thầu đã vượt qua nhiều khó khăn như địa hình dòng chảy phức tạp, công trình cầu cũ bên cạnh... và những người thực hiện dự án đã kịp thời điều chỉnh thiết kế phù hợp với mọi phát sinh từ thực tế, tổ chức thi công khoa học để hoàn thành cây cầu Tân An như ngày hôm nay. 

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá, việc hoàn thành và đưa vào khai thác cầu Tân An và 5 cầu trên tuyến N1 trên địa bàn tỉnh Long An sẽ xóa bỏ các điểm nghẽn về ùn tắc và an toàn giao thông, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông từ thành thị đến nông thôn, kết nối vùng sâu vùng xa gồm các huyện nghèo biên giới giáp nước bạn Campuchia để tạo đà kết nối các tuyến vận tải nhằm đưa được hàng hóa tiếp cận nhanh về các trung tâm chế biến và tiêu thụ của tỉnh.

Ngoài ra, các công trình này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, cải thiện mạng lưới giao thông đường bộ, tạo tiền đề và là động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Long An nói riêng và các tỉnh khu vực miền Tây Nam bộ nói chung. Đặc biệt, cầu Tân An mới đưa vào khai thác sẽ tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết điểm nghẽn về giao thông trên hai bờ Bắc - Nam sông Vàm Cỏ Tây của TP. Tân An.

Dự án Tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ 2 TSL2 được Ban Quản lý dự án 6 triển khai thực hiện từ tháng 1/2013 với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh (tháng 12/2018) là 6.070 tỷ đồng. Dự án sử dụng vốn vay ODA của JICA (Nhật Bản) và vốn đối ứng trong nước với mục tiêu xây dựng 98 cầu yếu trên 29 tuyến quốc lộ thuộc địa phận 31 tỉnh, thành trong cả nước.

Trong 98 cầu thuộc phạm vi dự án, 75 cầu đã được hoàn thành quyết toán và đưa vào sử dụng từ năm 2017. Còn lại, 23 cầu mới được bổ sung vào dự án từ cuối năm 2018, bắt đầu khởi công từ cuối quý IV/2019, hoàn thành trong tháng 6/2020, trong đó có 6 cầu trên địa bàn tỉnh Long An gồm: Cầu Tân An, cầu Mỏ Heo, cầu Kênh T62, cầu Kênh T4, cầu Kênh T2 và cầu Kênh T61.

Dự án TSL2 được triển khai do các cầu trước đây được khai thác trong thời gian dài, đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, khổ cầu hẹp, tải trọng nhỏ, thường xuyên bị ngập nước, kết cấu không đảm bảo nên giảm khả năng lưu thông, gây ách tắc giao thông, hạn chế khả năng khai thác trên tuyến.

Việc xây dựng các cây cầu sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải vùng miền, nâng cao hiệu quả đầu tư khai thác trên tuyến, đảm bảo an toàn giao thông trên mạng lưới đường bộ và đường thủy, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và góp phần xóa đói, giảm nghèo, có ý nghĩa to lớn về bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Theo Phan Trang/Chinhphu.vn