Nông dân Sa Đéc làm giàu nhờ trồng sứ

Cập nhật, 15:17, Thứ Sáu, 14/06/2019 (GMT+7)

Nhiều bà con nông dân ở làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) có thu nhập “khủng” khi chuyển sang trồng sứ.

Sứ “chân dài” đang rất hút hàng và có giá cao gấp chục lần so với cây sứ truyền thống.
Sứ “chân dài” đang rất hút hàng và có giá cao gấp chục lần so với cây sứ truyền thống.

Bằng kỹ thuật trồng sứ “không giống ai”, anh Trần Duy Phong (ngụ khóm Tân Mỹ, phường Tân Qui Đông- TP Sa Đéc) cho ra đời nhiều sản phẩm độc lạ thu hút sự quan tâm của khách hàng.

Bắt đầu năm 2015, anh Phong chuyển một phần diện tích vườn trồng hoa các loại sang trồng sứ. Tuy nhiên, nhận thấy trồng sứ với kỹ thuật truyền thống giá trị kinh tế không cao, anh bắt đầu tìm chọn những giống sứ mới nổi trội về hình dáng để tạo ra sản phẩm có hình dáng khác lạ.

Các loại sứ ghép cho hoa nhiều, dáng thế đẹp cũng được khách hàng ưa chọn.
Các loại sứ ghép cho hoa nhiều, dáng thế đẹp cũng được khách hàng ưa chọn.

Do đó, khi nghe ở đâu có giống sứ lạ, hoa đẹp là anh tìm đến. Trong một lần đi Thái Lan, anh Phong có dịp được nhìn ngắm rất nhiều giống sứ, song ấn tượng nhất với anh vẫn là những chậu sứ có thân cao, bộ rễ và tán xòe hình nón.

Trở về nước, anh liền bắt tay vào việc nghiên cứu kỹ thuật trồng giống sứ này. “Phải mất gần hai năm tôi mới thực hiện thành công việc “kéo chân” cho cây sứ”- anh Phong tâm sự.

Theo anh Phong để làm được sứ “chân dài” cần phải chọn được giống sứ phù hợp, đa phần có nguồn gốc từ Thái Lan. “Ví dụ giống sứ có rễ cái to khỏe thì có thể tuyển chọn để làm sứ “chân dài”, còn giống sứ có rễ xòe thì để tạo tác sứ bonsai”- anh cho biết thêm.

Để cho ra sản phẩm sứ chân dài rất kỳ công và đòi hỏi nhà vườn phải tỉ mẫn từ khâu gieo hạt, cắt tỉa rễ chỉ chừa duy nhất cái rễ to và khỏe.

Sau đó, cố định nó vào 1 thanh tre, phần đuôi rễ được cắm lơ lửng vào một chai nhựa để rễ cái này mọc ra rễ mới, khi phần rễ mới mọc ra đủ lớn thì tiếp tục được nhổ lên, quá trình như vậy sẽ lặp đi lặp lại cho đến khi nào cây có chiều cao đủ như mong muốn.

“Cây sứ “chân dài” đẹp phải có phần thân cân đối, suông, thẳng, vỏ trên cây mượt mà và có màu xanh. Giá mỗi cây như vậy cao gấp chục lần so với cây sứ thông thường”- anh Phong nhận định.

Bằng kỹ thuật trồng sứ độc đáo, anh Phong đã góp phần nâng cao giá trị cây sứ và giúp gia đình “bỏ túi” mỗi năm trên 1 tỷ đồng.

Bên cạnh, những cây sứ chân dài lạ mắt hiện đang rất hút hàng, thì những giống sứ lai tạo cho hoa nhiều và có màu sắc độc đáo cũng góp phần vào sự đa dạng của loài sứ, mở ra cho khách hàng nhiều sự lựa chọn phong phú hơn.

Anh Nguyễn Quốc Hiển- chủ vườn sứ An Nhiên (TP Sa Đéc) cho hay, nhờ mạnh dạn đầu tư và áp dụng kỹ thuật vào lai tạo cây sứ nên anh đã cải thiện đáng kể nguồn thu nhập của gia đình. Hàng năm, vườn của anh cung ứng cho thị trường hơn 10.000 chậu sứ ghép.

Chỉ tính riêng trong dịp Tết Nguyên đán 2019, anh Hiển đã bán hơn 3.000 chậu sứ. Những cây nhỏ được các thương lái thu mua với giá từ 60.000- 70.000đ, những cây lớn hơn có giá lên đến 150.000đ. Thậm chí những cây có dáng thế và hoa lạ có giá bán lên đến vài triệu đồng.

Nhiều bà con nông dân “đổi đời” nhờ trồng sứ
Nhiều bà con nông dân “đổi đời” nhờ trồng sứ

“Với giá bán cao gấp 3- 4 lần so với cây sứ truyền thống, trong khi việc ghép sứ cũng không đòi hỏi đầu tư quá nhiều chi phí.

Song để đáp ứng thị hiếu của khách hàng, trong thời gian tới tôi vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu lai tạo và tìm tòi các giống mới. Có như thế mới không “đụng hàng” giữa các nhà vườn trồng sứ với nhau”- anh Hiển cho biết.

Sau vài năm lai tạo, hiện vườn của anh Hiển đã có hơn  40 chủng loại sứ với nhiều sắc màu: trắng, tím, hồng, đỏ, sọc,….có loại cho hoa từ 15- 25 cánh.

Không chỉ vậy, anh còn đang sở hữu nhiều cây sứ kiểng có bộ rễ và hình dáng đẹp mắt, độc đáo thu hút rất đông thương lái khắp nơi tìm đến mua.

Ông Bùi Ngọc Ẩn- Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh TP Sa Đéc chia sẻ: “ Khoảng 2 năm trở lại đây trồng sứ trở thành xu hướng mới của nông dân, do như cầu thị trường tăng cao, giá cả lại ổn định. Thêm vào đó là đặc tính của cây sứ rất dễ trồng và chăm sóc”.

Việc nông dân nghiên cứu tìm tòi những giống sứ mới cũng như tạo dáng cây để thu hút thị trường đã giúp bà con tăng thu nhập, bên cạnh đó cũng là cách để làng hoa có thêm nhiều sản phẩm độc đáo, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU