Cà Mau: Làng nghề khô cá biển Rạch Gốc vào mùa Tết

Cập nhật, 09:02, Chủ Nhật, 25/12/2016 (GMT+7)

Năm nào cũng vậy, bước vào khoảng giữa tháng 10 âm lịch, nhiều hộ dân và các cơ sở sản xuất khô cá biển trên địa bàn Khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển lại bước vào thời điểm chính vụ.

Không ai bảo ai, mỗi người mỗi việc, tất bật, khẩn trương với việc làm khô phục vụ thị trường Tết. Công việc tuy có vất vả hơn những ngày bình thường nhưng họ luôn cố gắng làm ra những mẻ khô chất lượng để giữ uy tín và tạo thương hiệu cho sản phẩm.

Khô cá khoai thành phẩm được buộc lại từng bó để chuẩn bị giao hàng. Ảnh: HUỲNH TỨ
Khô cá khoai thành phẩm được buộc lại từng bó để chuẩn bị giao hàng. Ảnh: HUỲNH TỨ

Ông Hồng Minh Ðoàn có hơn 10 năm gắn bó với nghề làm cá khô, đồng thời là chủ cơ sở sản xuất các loại khô cá biển ở Rạch Gốc, bộc bạch: “Ban đầu, việc làm khô chủ yếu phục vụ bữa ăn hằng ngày cho gia đình, làm quà biếu cho họ hàng, bè bạn ở xa. Người ta ăn thấy ngon, ưa miệng nên đặt mình làm. Vậy là từ đó đến nay, làm khô đã trở thành nghề nuôi sống cho gia đình tôi và nhờ đó tôi có điều kiện lo cho các con ăn học”.

 

Khô cá biển ở Rạch Gốc rất đa dạng, gồm khô cá khoai, cá lưỡi trâu, cá hố, cá lù đù, cá đuối, cá ngác... Các loại cá tươi nguyên liệu được các chủ cơ sở sản xuất thu mua chủ yếu từ các ghe đáy hàng khơi trên địa bàn. Hầu hết những sản phẩm khô cá biển ở Rạch Gốc đều được làm thủ công và phơi dưới ánh nắng mặt trời.

 

Ðể làm ra được 1 kg khô phải tốn trung bình khoảng 4 kg cá tươi và phải phơi từ 2-3 nắng mới ra thành phẩm. Ðể có sản phẩm được người tiêu dùng vừa ý, khô có mùi vị thơm ngon, sạch sẽ, đạt yêu cầu vệ sinh thực phẩm, thì người làm phải có kinh nghiệm từ khâu chọn cá, mổ cá, ướp cá cho đến đem phơi; trong đó quan trọng nhất là kỹ thuật ướp muối, nếu mặn mùi vị sẽ mất ngon, còn nhạt thì thịt sẽ bủn, mất độ dai.

 

Ông Hồng Văn Mộng, người làm khô lâu đời ở Rạch Gốc, cho biết: "Làm khô tuy đơn giản nhưng để làm ra những mẻ khô thơm ngon, đảm bảo chất lượng thì không phải là việc dễ dàng. Mỗi gia đình làm nghề đều có bí quyết riêng ở từng công đoạn, sao cho giữ được hương vị và độ tươi ngon vốn có của nó, như vậy mới có thể giữ được uy tín và cạnh tranh trên thị trường”.

 

Nghề làm cá khô hình thành đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương. Công việc tương đối nhẹ nhàng và dễ làm, không yêu cầu về trình độ.

 

Anh Lý Văn Kiệt, người có gần 4 năm gắn bó với nghề làm khô ở Rạch Gốc, tâm sự: “Công việc này phù hợp cho những lao động nhàn rỗi. Nhiều người ít học, không nghề nghiệp ổn định nên chọn nghề làm khô biển để mưu sinh. Cứ mỗi dịp gần Tết, nhiều gia đình có 2-3 lao động đi làm thuê cho chủ cơ sở, thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng; khoản thu nhập này đủ để chúng tôi ăn Tết”.

 

Mặc dù trên thị trường ngày càng có nhiều sản phẩm khô đến từ những nơi khác nhau, thế nhưng sản phẩm cá khô biển Rạch Gốc vẫn luôn được người tiêu dùng ưa chuộng. Giá bán khô loại thường dao động từ 40.000-60.000 đồng/kg (tuỳ loại); riêng khô cá khoai có giá từ 180.000-400.000 đồng.

 

Tết năm nay, các cơ sở cá khô trên địa bàn Rạch Gốc dự kiến sẽ cung cấp cho thị trường hơn 3 tấn cá khô các loại. Hiện tại, nhiều đại lý đã đặt hàng để chuẩn bị cho mùa Tết.

 

Dọc con lộ nhỏ ven tuyến sông Khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, những giàn phơi bằng tre, lưới được dựng lên, mẻ khô này tiếp nối mẻ khô kia; mùi cá khô phảng phất còn lẫn chút dư vị tanh nồng, mặn mòi của biển cả... Báo hiệu mùa xuân nữa lại về.

 

Theo TRÚC LINH (Báo Cà Mau)