Huyền thoại Thới Sơn

Cập nhật, 07:38, Thứ Hai, 01/08/2016 (GMT+7)

Trong quá trình hình thành vùng đất và con người Thới Sơn (An Giang), nơi đây có nhiều sự kiện văn hóa gắn liền từng giai đoạn lịch sử.

Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, quân và dân địa phương lập nhiều kỳ tích xuất sắc đặc biệt, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”. 

 

Đường vào cụm di tích Thới Sơn
Đường vào cụm di tích Thới Sơn

Dấu ấn của người xưa

Chùa Phật, đình Thới Sơn và Trại ruộng là những di tích của Phật thầy Tây An để lại. Khi ông đi khai phá, lập nên 2 làng Xuân Sơn và Hưng Thới, nay là xã Thới Sơn. Trên bước đường vân du, hốt thuốc, chữa bệnh cứu đời và răn dạy mọi người, với tâm huyết trong sáng, ông đã đi nhiều nơi thực hiện theo tâm nguyện.

Sau khi đến núi Sam, rồi vào vùng Thất Sơn, ông bắt đầu lập ra Trại ruộng, thể hiện tinh thần vì nhân sinh, lúc nào cũng vì đời, vì người, không hề bi quan yếm thế. Phật thầy Tây An còn có tên thật là Đoàn Minh Huyên.

Lúc đầu sáng lập Trại ruộng, chùa Phật và đình Thới Sơn, các cơ sở này được xây cất bằng tre lá. Những năm 1955, dân làng Thới Sơn cùng các đệ tử, tín đồ gần xa góp công sức trùng tu, tôn tạo.

Đến thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, chùa Phật (xã Thới Sơn) là một trong những căn cứ cách mạng, nơi tập hợp quần chúng xuống đường đấu tranh chính trị, đúng như nghĩa khí của cụ Đoàn Minh Huyên – Phật thầy Tây An. Nơi đây, còn là cơ sở cất giấu tài liệu, vũ khí, chỗ nuôi chứa cán bộ. Do vậy, chùa Phật được UBND tỉnh công nhận Di tích Lịch sử - Cách mạng.

Phật thầy Tây An – Đoàn Minh Huyên sinh ngày 15 tháng 10 năm Đinh Mão – 1807, quê quán ở làng Tòng Sơn, tổng An Thạnh Thượng, tỉnh Sa Đéc.

Ông mất vào ngày 12 tháng 8 âm lịch, năm 1856. Từ đó, hàng năm, chính quyền và Nhân dân Thới Sơn long trọng tổ chức lễ giỗ cụ Đoàn Minh Huyên – Phật thầy Tây An để bày tỏ ghi nhớ công lao, tấm lòng với người có công khai phá và lập nên vùng đất này.

Những năm gần đây, lễ giỗ cụ Đoàn Minh Huyên – Phật thầy Tây An được nâng thành “Ngày hội Lịch sử - Văn hóa cấp huyện”, thu hút người hành hương và du khách thập phương đến viếng cúng.

Biểu tượng Anh Vũ sơn

Đó là ngọn núi ở xã Thới Sơn, nơi diễn ra trận đánh mở màn chiến dịch “Tấn công quân trường Chi Lăng” của Trung đoàn 101 Sông Lam (miền Bắc) cách nay 55 năm, góp phần hỗ trợ phong trào cách mạng của dân và quân địa phương lúc bấy giờ.

Đêm giữa tháng 3-1970, Đại đội 4 Đặc công phân công 3 đồng chí (Trần Văn Đông, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Cót) ôm 20kg thuốc nổ tiếp cận “chốt điểm”. Tiếng nổ vang rền, cả 3 đồng chí đều anh dũng hy sinh! Thế nhưng, đơn vị làm chủ trận địa, cắm cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh Anh Vũ sơn.

Nhiều người kể lại: Trận đánh Anh Vũ sơn – núi Két là dấu ấn sâu sắc nhất của Trung đoàn 101 Sông Lam (miền Bắc) khi mới bước chân vào vùng Bảy Núi, bởi anh em còn chân ướt chân ráo, chưa rành địa hình, địa vật.

Dân gian gọi Anh Vũ sơn bằng “núi Ông Két”, do từ dưới triền leo lên cỡ 100m, ngó về hướng Tỉnh lộ 948 có vồ đá cao và nhô ra, giống như con két. Theo cách giải thích đơn giản như vậy, mọi người kêu riết thành danh, rồi lắm lúc cũng gọi tắt là “núi Két”. Đỉnh cao nhất Anh Vũ sơn có hình khối tròn, cao 225 mét so với mặt nước biển.

Anh Vũ sơn hôm nay
Anh Vũ sơn hôm nay

Hàng năm, rằm Trung Ngươn (rằm tháng bảy) và các lễ lớn khá đông người hành hương, du khách khắp nơi đến tham quan. Khi còn xã Thới Sơn cũ, quanh chân Anh Vũ sơn là cụm di tích lịch sử - văn hóa - cách mạng gắn với cuộc đời và sự nghiệp cụ Đoàn Minh Huyên – Phật thầy Tây An. Với vị thế đó, Thới Sơn trở nên huyền thoại hơn.

Đứng trên Anh Vũ sơn, nhìn  Ngũ Hồ sơn (núi Dài Năm Giếng), núi Trà Sư… chắc chắn sẽ có bao quát Thất Sơn với núi rừng hùng vĩ, mà vùng đất Thới Sơn cũng là “trung tâm du lịch tâm linh”.

 Box: Trải qua các thời kỳ chiến tranh, xã Thới Sơn có hơn 570 gia đình thuộc diện có công và 20 mẹ được phong tặng “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Đây cũng là xã Anh hùng đầu tiên, được UBND huyện Tịnh Biên công nhận “Xã văn hóa”.

Theo TRẦN ĐĂNG – TRỌNG ÂN (TTMT)