Nông dân ĐBSCL làm du lịch theo "kiểu châu Âu"

Cập nhật, 05:24, Thứ Năm, 07/07/2016 (GMT+7)

Những lớp tập huấn, bổ túc kiến thức, đào tạo hướng dẫn kỹ năng làm du lịch cộng đồng do Dự án Phát triển du lịch bền vững do Liên minh châu Âu tài trợ (Dự án EU) triển khai hỗ trợ người dân ĐBSCL trong 2 năm qua đã mang lại nhiều thay đổi về tư duy, cách làm du lịch cho cộng đồng nơi đây.

Ông Lâm Thế Cương đang giới thiệu về sản phẩm ca cao tự làm .Ảnh: VGP/Nguyệt Hà
Ông Lâm Thế Cương đang giới thiệu về sản phẩm ca cao tự làm .Ảnh: VGP/Nguyệt Hà

Thay đổi nhận thức, kỹ năng làm du lịch

Chọn hai xã Mỹ Khánh (TP. Cần Thơ) và Mỹ Hòa Hưng (tỉnh An Giang) là điểm hỗ trợ để phát triển du lịch cộng đồng, từ 2013, Dự án EU đã xây dựng, cung cấp thiết bị phục vụ đào tạo nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm tại nhà văn hóa của xã.

Tại đây, các chuyên gia đã tổ chức các khóa tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm và kinh doanh lưu trú du lịch tại nhà dân cho cộng đồng những người làm du lịch.

Mặc dù trước đó, tại các xã này đã có một vài hộ tự phát làm du lịch cộng đồng, song bà con thiếu mọi kiến thức, kỹ năng cơ bản về du lịch, dịch vụ.

Ông Hoàng Nhân Chính, chuyên gia của Dự án cho biết, để hỗ trợ người dân nơi đây làm du lịch cộng đồng đúng cách và bền vững, các chuyên gia đã hướng dẫn nghiệp vụ du lịch từ việc phục vụ bàn, món ăn, tới giao tiếp với du khách.

Bên cạnh đó, người dân cũng được học giao tiếp bằng tiếng Anh để có thể trao đổi với du khách.

Chia sẻ về ý nghĩa, cũng như hiệu quả từ sự hỗ trợ của Dự án đối với phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh Lê Văn Thuấn cho biết, từ năm 2013, Dự án này đã hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa với đầy đủ trang thiết bị giảng dạy, từ bàn ghế tới máy tính, ti vi, máy chiếu…

Hơn nữa, chuyên gia đã về tận nơi hướng dẫn cho người dân trong cộng đồng hiểu về du lịch có trách nhiệm, đồng thời hướng dẫn các nhà vườn xây dựng điểm đến chuẩn để phục vụ nhu cầu của du khách ngày một đa dạng và phong phú hơn.

Sau 3 năm, nhận thức của người dân làm du lịch đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trước đây, người dân ở Mỹ Khánh chủ yếu làm nông nghiệp, làm ruộng và trồng cây ăn trái.

Khi đó, bà con chưa mường tượng được một ngày sẽ tận dụng những ngôi nhà truyền thống miền Tây, những khoảnh ruộng, mảnh vườn cây trái của mình để làm du lịch.

Vừa làm du lịch, vừa làm vườn

Qua những buổi tập huấn, một số chủ vườn đã biết cách tận dụng nhà vườn đang có, cải tạo lại cho chuẩn hóa hơn để vừa sản xuất, vừa đón khách nhằm phát triển du lịch cộng đồng.

Ông Lâm Thế Cương, chủ vườn Mười Cương cho biết, gia đình ông có nghề truyền thống là trồng và chế biến ca cao. Hiện vườn của gia đình có hơn 2.000 cây ca cao, mỗi năm đem lại thu nhập vào khoảng trên 200 triệu đồng.

Từ năm 2012 đến nay, được sự vận động của các cấp chính quyền và nhận thấy nhiều du khách tới địa phương tham quan, gia đình ông đã chuyển sang mô hình homestay (cho du khách cùng ăn, ở, cùng sinh hoạt với người dân), cung cấp dịch vụ tại chỗ cho du khách.

Nhờ đó, thu nhập của gia đình tăng lên đáng kể. Cùng với việc trồng, chế biến ca cao, mỗi năm thu nhập của gia đình ông đã tăng lên, đạt 250-300 triệu đồng.

“Du lịch là một nghề mới với những người thuần nông, nhưng đây cũng là một nghề hấp dẫn, đem lại thu nhập khá hơn. Vừa tận dụng được vườn tược, tiềm năng sẵn có, kết hợp những lúc nông nhàn đem lại hiệu quả tích cực, thu nhập cao hơn nên người dân tích cực tham gia”, ông Cương nói.

Khi được hỏi về những lợi ích từ Dự án, ông Cương cho biết, “trước nay, chúng tôi chỉ làm tự phát thôi, có sẵn nhà, sẵn vườn, chỉ cải tạo, xây mới thêm một số phòng ngủ, buồng ngủ, nhà vệ sinh là có thể đón khách.

Nhưng rất may mắn là tôi được Dự án EU tập huấn nghiệp vụ, phát sổ tay hướng dẫn du lịch, bộ quy tắc ứng xử về du lịch. Nhờ đó, quy trình phục vụ khách của gia đình ngày một tốt hơn.

Khách đến cũng khen ngợi nhiều hơn. Qua những trải nghiệm thực tế, du khách đến và quay trở lại cũng tương đối, mỗi năm gia đình tôi đón được vài trăm khách”.

Tại gia đình ông Cương, du khách có thể cùng gia đình thu hoạch, chế biến ca cao và thưởng thức những đặc sản địa phương.

Ngoài các căn buồng được ngăn ra trong gian nhà chính để đón khách, ông Cương còn xây thêm 3 căn phòng riêng biệt với nhà vệ sinh sạch sẽ để đón khách.

Cho biết khách chủ yếu tới từ châu Âu, ông Cương chia sẻ khách tới đây nghỉ ngơi, tìm hiểu cách trồng cây, làm ca cao. “Họ rất thích. Mỗi người khi ra về đều mua rất nhiều sản phẩm ca cao để làm quà", ông Cương tự hào nói.

Trong khi đó, ông Trần Văn Liền, chủ vườn cây Vàm Xáng lại đến với du lịch cộng đồng như một cái duyên.

“Tôi vốn là nông dân làm vườn. Gia đình tôi đã trồng cây ăn trái từ nhiều năm nay để nuôi các con ăn học. Khi các con có việc làm ổn định, tôi có đi tham quan một số mô hình sinh thái, thấy họ làm được nên tự hỏi tại sao mình lại không làm.

Nhờ những chuyến đi thực tế, tôi đã quyết tâm thực hiện việc chuyển đổi từ chỉ trồng cây trái sang vừa trồng cây, vừa làm du lịch”, ông Liền nói.

Chủ vường cây Vàm Xáng cho biết ông đã tự tin hơn nhiều nhờ sự tư vấn, tập huấn của Dự án EU về xây dựng điểm đến, trang bị kiến thức về nghiệp vụ du lịch trong đón, phục vụ du khách, kỹ năng mềm trong giao tiếp. Đến nay, ông có thể làm hướng dẫn viên để giới thiệu cho du khách.

“Làm du lịch nhọc hơn làm ruộng, nhưng du lịch cũng mang lại thu nhập tốt và quan trọng là làm du lịch rất vui”, ông Liền nói.

Chuyên gia kỹ thuật của Dự án, ông Hoàng Nhân Chính cho biết, hiện du lịch cộng đồng ở Cần Thơ và An Giang vẫn chưa thực sự phát triển.

Người dân Mỹ Khánh, Mỹ Hòa Hưng vẫn còn nhiều khó khăn khi làm du lịch do lượng khách tới đây chưa nhiều, nguồn lợi từ du lịch chưa thật cao.

Thời gian tới, khi các địa phương này chú trọng và kêu gọi đầu tư vào du lịch nhiều hơn, những kiến thức, kỹ năng người dân được tiếp nhận từ dự án sẽ là nền tảng bền vững để phát triển du lịch. Đây cũng sẽ là mô hình tốt để nhân rộng ra các địa phương khác ở ĐBSCL.

Theo NGUYỆT HÀ (Chính Phủ)