Tiết kiệm năng lượng trong chế biến thủy sản, lúa gạo

Cập nhật, 06:50, Thứ Năm, 12/09/2013 (GMT+7)


Một số DN chế biến lúa gạo trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại để tiết kiệm NL. Ảnh: LÊ SƠN

Vĩnh Long với vị trí địa lý nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản và phát triển cây lúa. Vì thế, theo ông Nguyễn Minh Tho- Giám đốc Sở Công thương Vĩnh Long: Việc sử dụng năng lượng (NL) tiết kiệm và hiệu quả trong 2 ngành này là hết sức cần thiết.

Hiệu quả từ những đề tài khoa học

Thời gian qua, Vĩnh Long đã thực hiện 7 đề tài, dự án phục vụ chương trình sử dụng NL tiết kiệm, hiệu quả, giúp doanh nghiệp (DN) tiết kiệm được hàng chục triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.
 
Chẳng hạn, đề tài Xây dựng mô hình DN áp dụng các tiến bộ khoa học- công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm (Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 3 chủ trì) đã giúp Công ty CP Bê tông 620 tiết kiệm trên 3,5 tỷ đồng; DNTN Sản xuất nước chấm Hòa Hiệp giảm được tỷ lệ hàng đổi trả còn 5- 7%, tăng năng suất chiết rót.

Đề tài Hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh bằng năng suất chất lượng, tiết giảm chi phí và thân thiện môi trường cho DN (Trung tâm Hỗ trợ phát triển DN vừa và nhỏ 2 chủ trì) đã xây dựng thành công mô hình hỗ trợ DN áp dụng các hệ thống và công cụ quản lý chất lượng mới tại 7 DN.

Đặc biệt, mô hình DN quản lý nội tại đã giúp tiết kiệm NL hiệu quả. Cụ thể, Công ty CP Hóa dầu Mekong tiết kiệm trên 252 triệu đồng/năm, Công ty TNHH Phát triển Kỹ thuật Vĩnh Long tiết kiệm trên 192 triệu đồng/năm, Công ty CP Du lịch Cửu Long 51 triệu đồng/năm…

Ngoài ra, đề tài ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới để xây dựng mô hình “Cánh đồng lúa 4 tốt” trên các vùng sinh thái khác nhau (Viện Lúa ĐBSCL chủ trì). Kết quả giúp giảm chi phí từ 25- 27% từ việc giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Mô hình “sản xuất sạch hơn” đang triển khai thí điểm cho 2 DN.

Theo tính toán, sẽ giúp tiết kiệm cho DN 2,5- 3 tỷ đồng/năm; đề tài nghiên cứu hỗ trợ cơ sở sản xuất gạch gốm cải tiến, đổi mới công nghệ nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường (Sở Công thương chủ trì) bằng cách cải tiến lò thủ công thành lò nung liên hoàn, đã giúp tiết kiệm khoảng 1/4 nhiên liệu trấu.

Kết quả nghiên cứu đề tài “Xây dựng chương trình sử dụng NL tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2010- 2015 có định hướng đến năm 2020 tỉnh Vĩnh Long” do Sở Công thương Vĩnh Long chủ trì, cho thấy: Cơ cấu sử dụng NL tỉnh Vĩnh Long tập trung chủ yếu ở các nhóm ngành công nghiệp, hộ gia đình, giao thông vận tải và hạ tầng đô thị.

Tiềm năng tiết kiệm ở các ngành tương đối lớn: công nghiệp 20- 30%, tòa nhà công sở 25- 40%, tòa nhà thương mại- dịch vụ 12- 20% và hệ thống chiếu sáng công cộng từ 20- 40%.

Theo ông Nguyễn Trọng Danh- Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Long, hoạt động khoa học về lĩnh vực sử dụng NL tiết kiệm và hiệu quả thời gian tới cần ưu tiên nghiên cứu các mô hình sử dụng NL tiết kiệm và hiệu quả trên các lĩnh vực sản xuất và đời sống như: sản xuất gạch gốm, chế biến nông- thủy sản…

Tiết kiệm NL trong chế biến thủy sản, lúa gạo

Năm 2012, tổng diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh (chủ yếu là cá tra) là 422ha, đạt sản lượng hơn 112.000 tấn. Toàn tỉnh hiện có 5 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản, công suất khoảng 127.000 tấn/năm. Ngoài ra, có 3 nhà máy chế biến thủy sản, công suất thiết kế khoảng 600 tấn nguyên liệu/ngày.

Do các nhà máy gặp khó khăn nên sản lượng thủy sản đông lạnh năm qua chỉ đạt 12.835 tấn, nếu suất tiêu hao NL là 1.500 KWh/tấn thì tiêu thụ NL điện khoảng 19.252 triệu KWh/năm. Việc tiết kiệm NL đã được các DN chế biến thủy sản quan tâm, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh.

Tỉnh hiện có gần 650 nhà máy, cơ sở xay xát, lau bóng gạo. Năm 2012, sản lượng xay xát lau bóng gạo là 1.234 ngàn tấn (ước tiêu thụ NL điện khoảng 41,6 triệu KWh/năm).

Hiện nay, một số DN chế biến lúa gạo trên địa bàn tỉnh đã chủ động đầu tư thiết bị hiện đại, thực hiện các giải pháp như lắp đặt biến tần, tận dụng phế phẩm để làm nguyên liệu cung cấp nhiệt phục vụ cho quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ như: Công ty Lương thực Vĩnh Long, Công ty CP Lương thực- Thực phẩm Vĩnh Long, Công ty Xuất nhập khẩu Vĩnh Long, Công ty CP Phước Thành IV.
 
Qua đó, đã giảm chi phí NL, mang lại hiệu quả trong quá trình sản xuất và kinh doanh của các DN.

Thời gian qua, Công ty Lương thực Vĩnh Long đã mạnh dạn đầu tư vào kho chứa và các dây chuyền chế biến lúa gạo tại các xí nghiệp trực thuộc theo hướng hiện đại và khép kín các dây chuyền: công đoạn sấy lúa, xát trắng lau bóng, ép viên trấu…

Ông Lưu Xuân Bá- Phó Giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Long cho biết: Thành công quan trọng thực hiện tiết kiệm NL là đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền ép viên trấu có năng suất 4 tấn/giờ cung cấp trấu viên cho các lò đốt, lò sấy- thay thế cho dầu DO và than đá (tiết kiệm được 50% cho phí so với dầu DO và 40% chi phí so với than đá). Mặt hàng này rất được ưa chuộng ở thị trường trong nước và xuất khẩu sang Anh, Hàn Quốc, Hà Lan, Nga…

Tuy nhiên, theo ông Vũ Ngọc Tú- Phó Giám đốc Sở Công thương Vĩnh Long: Việc sử dụng NL trong sản xuất của ngành chế biến thủy sản và lúa gạo vẫn chưa thật sự tiết kiệm; phần lớn DN quản lý và sử dụng NL chưa hiệu quả.

Các thiết bị, dây chuyền công nghệ chưa được đầu tư hiện đại. Cũng theo ông Vũ Ngọc Tú, nguyên nhân là do công tác vận động tuyên truyền các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước về sử dụng NL tiết kiệm, hiệu quả đặc thù cho ngành chế biến thủy sản, lúa gạo chưa được triển khai sâu rộng. Các DN chưa tiếp cận được nhiều các công nghệ tiết kiệm NL. Một số DN đã được thực hiện kiểm toán NL nhưng không áp dụng hoặc duy trì các giải pháp tiết kiệm do còn thiếu vốn đầu tư thiết bị.

Để việc tiết kiệm NL hiệu quả hơn, ông Vũ Ngọc Tú cho rằng: Cần hỗ trợ DN sử dụng, huy động và đồng bộ các nguồn lực về con người, tài chính, khoa học công nghệ. Đồng thời, đề nghị Bộ Công thương tiếp tục quan tâm hơn về hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu sử dụng có hiệu quả cao về NL tái tạo; hỗ trợ nghiên cứu, phổ biến, chuyển giao các công nghệ sử dụng NL tiết kiệm và hiệu quả phù hợp với vùng; giới thiệu nguồn vốn vay ưu đãi để DN thực hiện các giải pháp tiết kiệm NL.

TUYẾT HIỀN