Giá heo biến động: Bài học cung- cầu đắt giá

Cập nhật, 07:43, Thứ Sáu, 30/11/2018 (GMT+7)

Sau 2 năm “tuột giá sốc”, giá heo lại “tăng sốc” trong nhiều tháng liền. Người chăn nuôi đã phải “lên bờ xuống ruộng” với con heo. Giá tăng, người chăn nuôi cũng không dám tái đàn vì sợ dính kịch bản cũ. Theo nhận định của ngành chuyên môn, đây chính là cơ hội để sắp xếp lại ngành chăn nuôi heo theo hướng bền vững.

Cơ cấu lại ngành chăn nuôi heo theo hướng bền vững để giải bài toán “giải cứu thịt heo”.
Cơ cấu lại ngành chăn nuôi heo theo hướng bền vững để giải bài toán “giải cứu thịt heo”.

“Triệt” dần chăn nuôi nhỏ lẻ

Từ tháng 4/2018, giá heo tăng sốc lên 4 triệu đồng/tạ, sau đó giữ mức ổn định 4,5- 5 triệu đồng/tạ cho đến nay. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, nếu ở mức giá hiện tại thì người chăn nuôi có lời nhiều.

Tuy nhiên, nếu giá heo lên nhiều quá thì chỉ có lợi cho người chăn nuôi nhưng không có lợi cho thị trường tiêu dùng.

Bởi khi đó giá thịt quá cao người dân sẽ ngán ăn thịt heo chuyển sang các loại thực phẩm khác hoặc các nhà thương mại sẽ nhập heo giá rẻ để bán, sẽ gây hậu quả về lâu dài. Khi đó người tiêu dùng quen với việc sử dụng thịt rẻ nhập về lại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên sẽ không còn chuộng sử dụng thịt heo trong nước.

Về phía người chăn nuôi, khi hỏi về ý định tái đàn, phần lớn cho biết đều cảm thấy “ngán”. Bởi theo nhiều người, giá tăng nhưng thị trường tiêu thụ cũng còn khá bấp bênh. Bên cạnh đó, nguy cơ dịch bệnh tả heo Châu Phi còn khá cao, giá các yếu tố đầu vào như heo con, thức ăn,… tăng mạnh.

Thêm vào đó, ngành chức năng cũng đã yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh thú y nên hiện tại đầu tư vào chăn nuôi sẽ dễ gặp rủi ro. Nhiều người cũng lo ngại kịch bản cũ “tuột giá chưa từng có” sẽ lặp lại.

Chính vì vậy, rất nhiều người chăn nuôi nhỏ lẻ đã bỏ chuồng hoặc “án binh bất động”, đợi thị trường có biến động nữa không mới quyết định nuôi tiếp. Số hộ nuôi cầm chừng cũng đã giảm đáng kể.

Theo ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT), do heo rớt giá sâu trong gần 2 năm nên dù hiện tại giá đã tăng trở lại nhưng những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không còn tha thiết tái đàn.

Chưa có đánh giá nào về việc nuôi heo nông hộ đã được gì, mất gì trong những năm vừa qua. Họ mất đi là nhiều: lỗ lã, mất vốn, thiếu nợ và lại thêm nợ…

Do chăn nuôi nhỏ lẻ, nên họ luôn phải chịu thiệt: mua giá cao từ con giống đến thức ăn, công tác tiêm phòng dịch bệnh lại không đảm bảo. Hiện nay, quan niệm nuôi heo để cải thiện sinh kế cho hộ nghèo, lấy công làm lời đã qua rồi. Và theo thời gian, hình thức này cũng sẽ rất khó tồn tại.

“Đeo” con heo hơn 10 năm qua, từng “ăn không ngon ngủ không yên” với giá heo nhưng khi hỏi có nuôi tiếp không thì cô Nguyễn Thị Đồng (xã Bình Phước- Mang Thít) lắc đầu nguầy nguậy.

Cô Đồng buồn rầu: “Mấy năm nay nuôi heo lỗ nặng mà còn vướng nợ đến năm nay chưa trả hết nên dù giá có tăng tôi cũng không ham, không dám nuôi tiếp”.

Cơ hội sắp xếp lại ngành chăn nuôi heo

Trong khi hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ chỉ còn như nhỏ giọt trước cơn biến động giá chưa từng có trong thời gian qua thì không ít trang trại chăn nuôi heo vẫn “sống vui, sống khỏe”, thậm chí cung không đủ cầu. Nguyên nhân là do đâu?

Cô Lê Thúy Diễm- Chủ trang trại chăn nuôi heo (xã Mỹ Phước- Mang Thít) cho hay: “Với mức giá 5 triệu đồng/tạ, mỗi tháng tôi xuất từ 150- 180 con heo. Do nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn nên trang trại luôn có đầu ra ổn định”.

Người chăn nuôi heo nhỏ lẻ dè dặt tái đàn.
Người chăn nuôi heo nhỏ lẻ dè dặt tái đàn.

Ông Lê Thanh Tùng nhận định: Ngành sản xuất nông nghiệp hiện nay rất bấp bênh khi trúng khi thất. Những sản phẩm nông nghiệp sẽ trải qua quá trình phát triển “mất trật tự” rồi sau đó sẽ sắp xếp lại. Lúc trước khi người dân nuôi heo, Nhà nước sẽ vận động, khuyến cáo tái đàn hay không tái đàn.

Tuy nhiên, giá cả thị trường sẽ quyết định điều này. Khi giá thị trường gây ra một cơn sốc lớn thì người chăn nuôi tự xem lại họ có nên nuôi heo tiếp nữa không. Theo đó, ai đầu tư nuôi đàng hoàng sẽ còn tồn tại và phát triển bền vững, còn ai nuôi theo phong trào hay sinh kế, nuôi không theo quy trình thì từ từ cũng sẽ bị loại khỏi
cuộc chơi.

“Đây chính là cơ hội sắp xếp lại ngành chăn nuôi heo theo hướng bền vững. Hiện nay chỉ còn hình thức nuôi theo trang trại có đầu tư, áp dụng kỹ thuật mới còn tồn tại và phát triển.

Về phía ngành quản lý, chúng tôi cũng mong muốn ngành chăn nuôi heo là một ngành sản xuất hàng hóa, nuôi là nuôi trang trại, nuôi với số lượng lớn và nuôi phải đầu tư, phải cạnh tranh. Thị trường hiện nay phải hơn nhau ở chất lượng và tính bền vững”- ông Lê Thanh Tùng cho hay.

Để ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, giải pháp được ngành chăn nuôi đặt ra là tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị khép kín, tập trung từ khâu nguyên liệu đầu vào đến sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đây được xem là giải pháp quan trọng, vừa hạ giá thành, hạn chế nguy cơ dịch bệnh lại chủ động được khâu tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, đầu ra của nông sản mới dần hạn chế được điệp khúc “giải cứu”.

Mới đây, Sở Nông nghiệp- PTNT phối hợp với Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo giới thiệu giải pháp truy xuất nguồn gốc thực phẩm ứng dụng công nghệ cao TE-FOOD Blockchain. Theo đó, hệ thống TE-FOOD đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc trong “Quy định về truy xuất nguồn thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn”. Hệ thống này đang được tất cả các chuỗi siêu thị tại TP Hồ Chí Minh áp dụng và được chuỗi siêu thị quốc tế công nhận, sử dụng...

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN