Bỏ cá quá lứa, thương lái TQ chỉ mua cá tra non

Cập nhật, 19:01, Chủ Nhật, 13/11/2016 (GMT+7)

Thay vì ồ ạt thu mua cá tra quá lứa như trước đây, thương lái Trung Quốc hiện chỉ thu mua cá tra non để xuất khẩu.

Người nuôi cá tra ở ĐBSCL lại sập bẫy Trung Quốc
Người nuôi cá tra ở ĐBSCL lại sập bẫy Trung Quốc

Trao đổi trên Dân Việt, ông Nguyễn Hữu Nguyên - Chủ nhiệm HTX Thủy sản Châu Phú (An Giang), cho biết, đầu tháng 9 vừa qua ông đã phải bán mấy hầm cá với giá 18.000 đồng/kg, chấp nhận lỗ vì dưới giá thành.

Nhưng chỉ chưa đầy 2 tuần sau, giá cá vọt lên đến 20.000 đồng/kg, rồi 21.000 đồng/kg khiến cả vùng An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ đều nhộn nhịp, xôn xao chuyện giá cá. Đến cuối tháng 10, có thời điểm giá cá tra nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu lên đến 22.000 – 22.500 đồng/kg. Thương lái lùng sục đi hỏi mua cá khắp nơi. Nhiều hộ nuôi lên kế hoạch bán cá.

Rồi 10 ngày trở lại đây, vùng Châu Phú bặt tăm bóng dáng người mua cá. Cũng gặp hoàn cảnh tương tự, ông Chín Chẩn cũng đang “khóc đứng khóc ngồi” vì cả trăm tấn cá tra đã quá lứa mà không kiếm được người mua. Thông thường, cá đạt 0,8 – 0,9kg/con thì đã xuất bán, thế nhưng cá nhà ông có hầm đã đạt xấp xỉ 4kg/con.

Trong khi nguồn nguyên liệu cá tra cho chế biến xuất khẩu lại đang thiếu trầm trọng. Hiện tại, đã có một số doanh nghiệp nhỏ lẻ bắt tay với thương lái Trung Quốc tìm kiếm và thu mua cá tra cỡ nhỏ từ 0,3 – 0,4kg/con.

Tại Tiền Giang, tình trạng trên cũng manh nha khi một số nhà máy chế biến nhỏ lẻ liên doanh với Trung Quốc bán cá loại 0,7kg/con với số lượng lớn khiến nguồn nguyên liệu cá tra cho xuất khẩu bị hụt mạnh.

Ông Trần Toại - thương lái thu mua cá tại Tiền Giang cho biết, nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc dịp cuối năm đang tăng cao nên cần nhiều nguyên liệu cho chế biến. Thế nhưng, nguồn cá trong dân không còn nhiều, phải “lùng sục” khắp nơi thì mới mua được cá như đặt hàng của doanh nghiệp.

Điều đáng nói, đây không phải lần đầu thị trường cá tra bị thương lái Trung Quốc lũng đoạn, chỉ cách đây 5 tháng, nhiều hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL hết sức phấn khởi vì được thương lái Trung Quốc tìm đến tận ao thu mua với giá 23.000-24.000 đồng/kg, bất kể lớn nhỏ. Nếu so với giá thành, người nuôi cầm chắc lãi 2.000- 3.000 đồng/kg.

Cụ thể tại Đồng Tháp, thương lái lại thích mua loại cá tra quá khổ để xuất sang Trung Quốc, nhưng với giá cao hơn 1.000-2.000 đồng/kg. Theo nhận định của các địa phương, từ tháng 7 tới, nhu cầu thu mua cá tra xuất sang Trung Quốc có thể tăng lên, do trùng với thời điểm cá vượt cỡ-từ 1kg/con trở lên nhiều hơn.

Đây là hiện tượng “lạ”, giống như thương lái thu mua gom lá điều, rễ tiêu, xoài non… bán cho Trung Quốc.

Một chủ DN ở An Giang cho biết vào thời điểm đó, DN này không thể mua được cá tra nguyên liệu vì không thể cạnh tranh với thương lái Trung Quốc. Vì vậy, một số DN chuyển sang gia công cho thương lái Trung Quốc để giữ công nhân.

“Ngay cả cá nguyên liệu đang tồn kho cũng được thương lái Trung Quốc mua để xuất qua đường tiểu ngạch bằng hình thức thanh toán gối đầu. Thế nhưng, chỉ sau vài lần làm ăn đàng hoàng, họ bắt đầu giở chứng, dây dưa không chịu thanh toán nợ rồi chuyển sang DN khác mua tiếp.

Trong khi đó, DN trong nước cứ tranh nhau bán phá giá. Nắm bắt được tâm lý này, thương lái Trung Quốc càng dễ ép giá, kéo dài thời gian thanh toán tiền mua cá. Nếu nhà nước không có cách ngăn chặn tình trạng này, không chỉ DN trong nước mà người nuôi cá cũng bị thiệt hại, khó giữ được nghề”, chủ DN nêu trên lo ngại.

Theo ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Hùng Cá, gần đây, DN của ông không xuất khẩu cá tra sang Mỹ mà tập trung vào thị trường Trung Quốc. Ông Hùng thừa nhận đây là thị trường lớn, tiêu thụ dễ dãi nhưng cũng đầy thách thức do giá thấp, lợi nhuận ít.

“Sở dĩ có tình trạng DN bán đổ bán tháo cá là do họ cần tiền trả nợ ngân hàng chứ chưa hẳn phá nhau. DN xuất khẩu cá tra cần được nhà nước hỗ trợ vốn như các DN thu mua tạm trữ lúa gạo mới tồn tại được”, ông Hùng kiến nghị.

Theo Baodatviet.vn